Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ biến động ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Mặt bằng điểm chuẩn vào lớp 10 có thể giảm, số điểm dao động tập trung ở trường tốp 2 và 3 là nhận định được đưa ra sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM vào hôm qua (3.6).
Thí sinh tại TP.HCM trao đổi sau buổi thi môn toán /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tại TP.HCM trao đổi sau buổi thi môn toán. ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề toán của TP.HCM khó hơn năm trước ?
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, khá nhiều thí sinh (TS) nhận xét trong 3 môn thi, yêu cầu của đề ngữ văn, tiếng Anh tương đương với năm trước, còn đề môn toán khó hơn.
Bảo Trung, học sinh (HS) Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết tỷ lệ các câu hỏi thực tế trong đề toán nhiều hơn lý thuyết, đề cập nhiều vấn đề liên hệ thực tế như độ sâu của đáy biển, thể tích trái đất… Do vậy, nếu học "tủ" và chỉ học trong sách giáo khoa sẽ không thể có điểm cao. Từ nhận xét đề có sự phân hóa khá cao nên Trung cũng dự đoán, bạn nào có học lực giỏi sẽ đạt 7 điểm trở lên, bạn nào học lực trung bình và khá chỉ có thể hoàn thành bài thi ở mức 5 đến 6 điểm.
Giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), có những nhận xét chi tiết. Câu 1, 2 các HS sẽ dễ dàng lấy điểm, câu 3 cần đọc hiểu được cách tính toán (câu này HS sẽ dễ mất điểm ở ý b), câu 4 dạng quen thuộc phương trình đường thẳng HS sẽ ứng phó được. Câu 5 là mang tính chất thực tế đã có gặp rồi trong các bài dạy. Câu 6 có vẻ HS sẽ mất điểm nhưng không khó vì phần này là hình không gian lớp 9 đã được Sở công bố từ đầu năm. HS không có kỹ năng tính toán, làm tròn số sẽ rất dễ mất điểm. Câu 7 là bài toán giải bằng cách lập hệ phương trình quen thuộc. Câu 8 bài hình học phẳng quen thuộc phân loại từ dễ đến khó. Bài hình không khó, chỉ có giải câu c là hơi dài, HS sẽ lười tư duy, suy luận.
Xu hướng ra đề tránh học tủ
Theo thầy Trí, đề bám sát với cấu trúc đã công bố đầu năm và có tính phân loại tốt. “So với năm trước thì độ khó của đề năm nay có nâng lên một chút. Xu hướng đề là rèn cho HS kỹ năng tính toán, làm tròn số và đọc hiểu đề, có sự tư duy suy luận một chút tránh bị hiểu lầm. Chính vì thế, đối với xu hướng ra đề như thế này thì bản thân giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy rèn kỹ năng tính toán, tư duy, suy luận và phản biện tránh kiểu như ôn tủ dạng bài”, giáo viên Hữu Trí nói.
Thầy Trí dự đoán phổ điểm sẽ là từ 5,5 đến 7 điểm dành cho HS trung bình – khá, còn 7,5 điểm đến 9 điểm là cho HS khá giỏi. TS nào có khả năng tư duy và suy luận tốt thì sẽ 9,5 hay 10 điểm.
Tương tự, cô Lê Thị Chung, Tổ trưởng tổ toán, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), phân tích trong đề có những câu không khó nhưng đặt vấn đề theo hình thức bài toán ngược, đòi hỏi TS phải có sự phán đoán, tư duy, chẳng hạn như câu 3b. Hay câu 6 đòi hỏi HS phải đọc kỹ đề, nắm được công thức độ dài khung tròn, chu vi của đường tròn mới có thể làm được. Vì thế với câu này, HS ở mức độ yếu và trung bình hơi khó.
Còn thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên Trường THCS Tân Túc, H.Bình Chánh, cũng cho rằng đề căn bản không quá khó, có điều cách viết đề hơi lạ. TS “than” là do đọc đề không kỹ.
Điểm chuẩn sẽ giảm ở trường tốp 2, 3?
Những mốc thời gian lưu ý sau kỳ thi
Tại TP.HCM:
– Ngày 4 và 5.6: Sở GD-ĐT tổ chức cho cán bộ làm phách bài thi.
– Ngày 6.6: Chấm thi.
– Ngày 13 – 14.6: Công bố kết quả thi, điểm chuẩn lớp chuyên, tích hợp, tuyển thẳng.
– Ngày 13 – 15.6: Nhận đơn phúc khảo bài thi.
– Ngày 14 – 18.6: Chấm phúc khảo.
– Ngày 19.6: Công bố kết quả phúc khảo.
– Ngày 10.7: Công bố điểm chuẩn.
Tại Hà Nội:
– Ngày 17.6: Sở sẽ công bố phổ điểm thi tuyển sinh.
– Ngày 20.6: HS nhận phiếu báo kết quả thi tuyển sinh, xem điểm chuẩn tuyển sinh.
– Ngày 20 – 22.6: Xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp đến trường (nếu trúng tuyển nhiều nguyện vọng sẽ được đổi nguyện vọng trúng tuyến).
– Ngày 1 – 15.7: Nộp hồ sơ trúng tuyển.

Dự đoán về mặt bằng điểm năm nay, nhiều giáo viên cho rằng về ngữ văn và ngoại ngữ tương đương năm trước do vậy điểm chuẩn có tác động nhiều bởi môn toán.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa cũng nhận định, với đề phân hóa như vậy, mặt bằng điểm chuẩn có thể giảm nhưng không nhiều. Ngoài ra, TS đạt điểm 8 môn toán sẽ khó hơn nên điểm chuẩn sẽ dao động ở tốp 2 và tốp 3 tức là những trường có điểm chuẩn từ 30 đến 35 điểm. Còn những trường tốp 1 có thể giữ vững vì thông thường những TS đăng ký nguyện vọng vào những trường này đều có học lực giỏi ổn định.
Hà Nội sẽ công bố đề thi, đáp án và phổ điểm
Trao đổi với PVchiều 3.6, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết kết thúc kỳ thi (bao gồm cả các môn chuyên), Sở sẽ công bố đề thi và hướng dẫn làm bài với môn văn và đáp án của các môn còn lại.
Tiếp thu phản ánh của Báo Thanh Niên về bấn loạn của việc tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 và cho rằng nếu Sở GD-ĐT TP.Hà Nội công bố phổ điểm sau khi chấm thi sẽ hạn chế được điều này, năm nay Sở GD-ĐT TP.Hà Nội quyết định, ngay sau khi có kết quả kỳ thi, Sở sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10. Phổ điểm này sẽ được thông tin công khai để phụ huynh, HS được biết. Các trường THPT sẽ căn cứ vào chỉ tiêu được giao, phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn do Sở GD-ĐT cấp để đề xuất điểm chuẩn. Sở GD-ĐT sẽ duyệt điểm chuẩn cho từng trường.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, cho rằng: “Sự điều chỉnh này sẽ giúp cho phụ huynh và HS biết được mặt bằng điểm thi, qua đó dự kiến điểm chuẩn và là căn cứ để quyết định nhập học trường phù hợp với kết quả đạt được”.
Trả lời về việc Sở có biện pháp gì để khắc phục tình trạng năm trước đã xảy ra như việc một số trường ngoài công lập công bố điểm chuẩn theo buổi như “chơi chứng khoán”, ông Toản khẳng định, ngay từ năm trước, Sở GD-ĐT đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu rút kinh nghiệm đối với trường học này. Năm nay, nếu trường nào làm trái quy định sẽ phải chịu trách nhiệm và hình thức kỷ luật theo đúng quy định.
Thep Bích Thanh – Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)