Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm chuẩn vào lớp 10 tại TP.HCM: Tốp trên hạ nhiệt, tốp dưới tăng mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2016-2017. Đúng như dự đoán trước đó của Báo Giáo dục TP.HCM, điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động ở các trường tốp trên và tốp dưới…

Phụ huynh và học sinh tới Trường THPT Bùi Thị Xuân xem danh sách trúng tuyển lớp 10 sáng 9-7-2016. Phụ huynh xem danh sách HS  trúng tuyển tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (ảnh chụp ngày 9-7)

Tốp dưới bắt đầu vươn mình

Năm nay, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tiếp tục giữ vị trí có điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 cao nhất với 41,25 điểm. Kế đến là Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP – 40,25 điểm (giảm 0,25 điểm so với năm trước), THPT Nguyễn Thị Minh Khai – 39,5 điểm, THPT Gia Định 39 điểm (giảm 0,5 điểm).

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, HS bắt đầu nộp hồ sơ nhập học từ hôm nay (11-7) đến hết 23-7 tại các trường THPT mà các em đăng ký.

Trường THPT Bùi Thị Xuân trong nhiều năm liền là một trong 4 trường có điểm cao nhất TP nhưng năm nay rớt xuống vị trí thứ 7 – 37,75 điểm (năm trước là 40 điểm, giảm 2,25 điểm), sau cả Trường THPT Phú Nhuận (38 điểm), THPT Trần Phú (39 điểm). Tuy nhiên, điểm chuẩn giảm mạnh nhất là Trường Trung học Thực hành Sài Gòn – 25,25 điểm (giảm 13,75 điểm) do tỷ lệ “chọi” giảm mạnh, năm nay trường tuyển 210 chỉ tiêu nhưng chỉ có 204 thí sinh đăng ký NV1.

Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Sau khi có điểm chuẩn, nhiều phụ huynh đưa điểm của con đến Trường Bùi Thị Xuân với tâm trạng cực kỳ tiếc nuối vì điểm các em cao hơn nhiều nhưng lại không dám đăng ký NV do năm trước trường có điểm chuẩn rất cao. Hơn nữa, khi tuyển sinh lớp 10, nhà trường chưa quảng bá thông tin sâu rộng cho phụ huynh”. Mặc dù điểm chuẩn Trường THPT Bùi Thị Xuân giảm nhưng theo thống kê của nhà trường phổ điểm vẫn rất cao, có đến 485 em đạt từ 40 điểm trở lên, điểm cao nhất là 48,5 (chiếm gần 77% số HS trúng tuyển của trường).

Trong khi nhiều trường tốp trên, kể cả tốp giữa hạ nhiệt thì các trường tốp dưới lại tăng điểm chuẩn, thậm chí có trường tăng rất mạnh từ 5 đến 6 điểm. Đơn cử như ở huyện Bình Chánh, điểm chuẩn NV1 Trường THPT Bình Chánh – 19,5 điểm (tăng 6,5 điểm so với năm học trước), THPT Tân Túc – 18,75 điểm (tăng 5,75 điểm), THPT Vĩnh Lộc B – 21,25 điểm (tăng 1,25 điểm). Một số trường tốp dưới thuộc các quận, huyện khác cũng có điểm chuẩn tăng nhẹ như THPT Nguyễn Văn Tăng – 17,5 điểm (tăng 3 điểm), THPT An Nghĩa – 15 điểm (tăng 2 điểm), THPT Quang Trung – 17,25 điểm (tăng 1,25 điểm), THPT Long Thới – 15 điểm (tăng 2,75 điểm)…

Nói về lý do điểm chuẩn tăng mạnh ở huyện Bình Chánh, thầy Phạm Quang Hiếu – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh – phân tích: “Số lượng thí sinh đăng ký NV1 vào trường năm nay thấp hơn năm trước nhưng do các trường THCS trên địa bàn đã làm tốt công tác phân luồng, HS yếu đã chủ động đăng ký học nghề nên chất lượng thí sinh dự thi năm nay cao hơn”. Ngoài ra, sau khi có điểm chuẩn các năm trước, nhận thấy các trường THPT trên địa bàn huyện lấy điểm chuẩn thuộc tốp thấp nhất nên Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng thi tuyển vào lớp 10.

Cần đẩy mạnh phân luồng

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Do tâm lý phụ huynh năm nay cẩn trọng với những trường điểm cao nên muốn con lựa chọn những trường trong mức an toàn để có cơ hội trúng tuyển”. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trường THPT Bùi Thị Xuân, Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM và nhiều trường có điểm chuẩn những năm trước cao giảm điểm chuẩn. Điểm lưu ý nữa là năm nay có 7 thí sinh trên 39 điểm nhưng rớt cả 3 NV do các em thi chuyên hoặc đăng ký cả 4 NV vào Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Trước đó những em này đều học THCS ngoài công lập. Ông Đạt nhấn mạnh: “Không có HS nào ở trường công lập đạt điểm cao mà rớt cả 3 NV, điều này cho thấy năm nay các trường THCS làm tốt công tác tư vấn chọn trường”.

Mặc dù điểm chuẩn năm nay ở nhiều trường tốp dưới tăng mạnh nhưng vẫn còn một số trường giữ nguyên điểm chuẩn hoặc giảm điểm chuẩn như: THPT Phước Kiển – 13,5 điểm (giảm 2 điểm), THPT Trung Lập – 13,25 điểm (giảm 0,75 điểm), THPT Phú Hòa – 18 điểm (giảm 0,25 điểm).

Với những trường có điểm chuẩn 13 đến 14 điểm, nhiều chuyên gia nhận định năng lực học tập rất thấp, điểm thi này đã tính tổng của điểm thi môn (toán + văn) x 2, tức là mỗi môn chưa đạt 3 điểm. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các trường THPT khi tiếp nhận HS.

Thầy Phan Hồ Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển – chia sẻ: “Điểm chuẩn vào trường năm trước vốn đã thấp, năm nay lại hạ xuống nữa thì chắc chắn nhà trường sẽ gặp khó khăn hơn. Điểm đầu vào thấp, trình độ HS hạn chế, tiếp thu chậm trong khi thi THPT quốc gia thì cùng một đề nên chắc chắn giáo viên của trường phải cố gắng gấp hai gấp ba lần giáo viên các trường ở nội thành”. Thầy Hải cho biết thêm, một thực tế là khi vào học THPT, một số HS không thể tiếp tục tiếp nhận kiến thức chương trình THPT nên đã chuyển sang học nghề. “Năm ngoái, có hơn 10 em chuyển sang học nghề, điều này rất phí công sức, thời gian của các em, lại ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường. Vì vậy, tôi nghĩ các quận, huyện cần đẩy mạnh công tác phân luồng cho HS, để các em chọn đúng hướng đi ngay từ đầu”.

Trên trang mạng cá nhân của mình, thầy Nguyễn Văn Cải – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung – cũng nhận định: Nếu chỉ tính điểm thi thì bình quân mỗi môn chỉ cần 2,65 điểm là vào được Trường THPT Trung Lập; 3,45 điểm vào được THPT Quang Trung. Đầu vào thấp mà sau 3 năm học THPT với yêu cầu cao hơn, đầu ra THPT bình quân mỗi môn phải 5 điểm quả là bài toán khó cho giáo viên. Ngoài ra, thầy Cải cũng cho biết: Trong 408 HS trúng tuyển vào THPT Quang Trung có 15 em ở các trường THPT thuộc các quận, huyện như huyện Hóc Môn, Q.12, Q.Gò Vấp… cách trường mấy chục cây số làm sao các em đi học. Bên cạnh đó, còn có 60 em là HS các trường THCS Tân Tiến, Tân Thông Hội, Trung Lập Hạ, Phước Vĩnh An… dù cùng huyện nhưng cách rất xa Trường THPT Quang Trung.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, TP.HCM cần tập trung làm tốt công tác phân luồng HS sau THCS hơn nữa. Trên thực tế, những năm qua TP đã đẩy mạnh công tác này và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Năm nay toàn TP có 79.153 HS tốt nghiệp THCS. Hơn 10.500 HS trước đó đã phân luồng sau THCS vào các trường nghề và các loại hình khác. Kỳ tuyển sinh này có hơn 6.000 HS không trúng tuyển vào lớp 10 nhưng TP sẽ không thiếu chỗ học cho các em”.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ tiêu cho HS rớt lớp 10 vào các THPT ngoài công lập, TT GDTX, TCCN của TP năm nay hơn 42.000 HS, trong đó trường THPT ngoài công lập hơn 21.000 HS, TT GDTX gần 9.000 HS, TCCN hơn 12.000 HS.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)