Kết quả xét tuyển học bạ năm nay nhiều ngành có điểm chuẩn cao, trên 29 điểm 3 môn. Liệu điểm chuẩn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ cao tương ứng?
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2020. ĐÀO NGỌC THẠCH
Chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH phân tích và đưa ra dự báo dựa trên tình hình xét tuyển năm nay.
Gần 10 điểm mỗi môn mới trúng tuyển bằng học bạ
Dựa vào kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) là một trong các phương thức tuyển sinh chính của hầu hết các trường ĐH trong năm nay, kể cả các trường công lập thu hút nhiều thí sinh (TS) quan tâm. Khi các trường công bố kết quả xét tuyển, điểm gây chú ý là sự xuất hiện của nhiều ngành học với mức điểm chuẩn cao, điểm trung bình mỗi môn xấp xỉ tuyệt đối.
Phải kể đến đầu tiên trong số này là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Theo kết quả xét học bạ của trường này, năm nay ngành sư phạm hóa học có điểm chuẩn cao nhất tới 29,75 điểm. TS xét tuyển ngành này cần đạt từ trên 9,9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. Hai ngành học khác cũng có mức điểm chuẩn trên 29 là sư phạm toán học, sư phạm vật lý. Trong số 32 ngành tuyển sinh của trường, có tới 20 ngành điểm chuẩn từ 27 trở lên (trung bình từ 9 điểm/môn trở lên). Ngành có điểm chuẩn thấp nhất theo phương thức học bạ năm nay cũng trung bình 8 điểm/môn. Năm 2020, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được xếp vào nhóm trường có điểm chuẩn học bạ cao với 2 ngành từ 29 điểm trở lên.
Năm 2020, ngành kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất phương thức học bạ của Trường ĐH Cần Thơ ở mức 28,25. Năm nay, điểm chuẩn phương thức này của trường có nhiều ngành trên 29 điểm. Đặc biệt, sư phạm toán có điểm chuẩn cao nhất ở mức 29,25 điểm (trung bình mỗi môn TS trúng tuyển cần đạt từ 9,75 điểm trở lên). Ba ngành khác của trường này cũng có điểm chuẩn từ 29 gồm: sư phạm hóa, marketing và kinh doanh quốc tế. Nhiều ngành khác của trường điểm chuẩn từ 27 – 28 điểm.
Không chỉ khối sư phạm, mức điểm chuẩn trên 29 còn xuất hiện ở khối trường đào tạo kỹ thuật như Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… Chẳng hạn, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng) Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM điểm chuẩn học bạ 29,4 điểm và logistics chuỗi cung ứng (chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức) 29,1 điểm.
Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn xét bằng học bạ năm nay cao hơn hẳn so với năm ngoái. Điểm chuẩn nhiều ngành cao chót vót là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, nhiều TS lo ngại điều này sẽ khiến điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của các ngành học này có thể tăng theo.
Phương thức nào chỉ tiêu thấp hơn, điểm chuẩn sẽ cao hơn
Căn cứ vào thực tế chỉ tiêu, mức độ lệch điểm giữa các phương thức tuyển sinh, chuyên gia tuyển sinh các trường đã có những phân tích và dự báo khá rõ về điểm chuẩn xét bằng điểm thi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đây không phải là năm đầu tiên trường tuyển sinh dựa vào học bạ. Theo quy luật các năm trước, những ngành có điểm đầu vào học bạ cao thường có điểm chuẩn cao ở phương thức điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Quốc, điểm chuẩn học bạ luôn cao hơn điểm chuẩn xét bằng điểm thi do một số yếu tố, nguyên do quan trọng nhất là tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc phân tích: “Theo đề án tuyển sinh, mỗi ngành của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dành tối đa 20% để xét theo học bạ, 80% chỉ tiêu còn lại xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, dù điểm trung bình giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp của TS được Bộ GD-ĐT công bố ở mức xấp xỉ nhau, nhưng phương thức nào có chỉ tiêu thấp hơn, điểm chuẩn sẽ cao hơn. Chẳng hạn, trong số 25 chỉ tiêu ngành sư phạm hóa học năm nay chỉ 5 chỉ tiêu xét học bạ, 20 chỉ tiêu xét điểm thi. Tỷ lệ TS cạnh tranh ở phương thức học bạ cao nên điểm chuẩn đương nhiên cao”.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc cũng có những dự báo sơ bộ về điểm chuẩn của trường năm nay. Theo đó, với phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay, điểm chuẩn các ngành tốp đầu của trường có thể tăng nhưng dao động trong khoảng 0,25 – 0,75 điểm so với năm ngoái (dự kiến trên dưới mức 26 – 27 điểm các ngành này). Ngược lại, những ngành có điểm chuẩn thấp nhất, biên độ tăng điểm chuẩn cũng trong khoảng 0,25 – 0,75 (ngành có điểm chuẩn thấp nhất xét điểm thi năm ngoái 19 điểm và cao nhất 26,5 điểm).
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết điểm chuẩn xét học bạ của trường năm nay chỉ tăng mạnh ở ngành thu hút nhiều TS quan tâm. Trong khi trường chỉ dành 30% chỉ tiêu mỗi ngành xét học bạ, chỉ tiêu còn lại xét điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, điểm chuẩn ở mức rất cao ở ngành có nhiều TS quan tâm.
Chẳng hạn, tiến sĩ Tuấn phân tích, ở chương trình đại trà có hơn 2.200 TS có hồ sơ nộp về trường để đăng ký xét tuyển vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (cả 2 chuyên ngành). Chỉ riêng chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có hơn 1.300 TS đăng ký, trong khi chỉ có 9 chỉ tiêu xét học bạ. Do đó, điểm chuẩn ở phương thức xét học bạ này điểm chuẩn tất nhiên ở mức cao.
“Điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký cụ thể. Năm trước, điểm chuẩn học bạ ngành cao nhất cao hơn điểm thi trên 3 điểm. Năm nay có thể điểm chuẩn xét điểm thi các ngành tốp đầu cũng thấp hơn điểm học bạ và ở mức trên dưới 26 điểm”, tiến sĩ Anh Tuấn dự báo.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có một số ngành điểm trúng tuyển học bạ ở mức 29 điểm 3 môn như: công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Theo một cán bộ tư vấn tuyển sinh trường này, tỷ lệ TS xác nhận nhập học bằng phương thức học bạ của trường năm nay có thể cao hơn năm ngoái. Chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống, điểm chuẩn trung bình các ngành có thể cao hơn 0,5 đến 1 điểm so với năm ngoái. Đặc biệt, ở những ngành “nóng”, điểm chuẩn có thể cao hơn 1 – 2 so với năm ngoái.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)