Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Điểm chuẩn xét tuyển sớm tăng, chỉ tiêu phương thức tốt nghiệp còn bao nhiêu?

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt trường ĐH vừa công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm năm nay, trong đó nhiều ngành tăng so với năm ngoái. Việc tăng điểm chuẩn này có ảnh hưởng ra sao đến tình hình xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024?

Điểm chuẩn xét tuyển sớm nhiều ngành cao "chót vót"

Nhiều trường ĐH vừa đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển có điều kiện các phương thức xét tuyển sớm dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT, chứng chỉ quốc tế… Điểm chuẩn nhiều ngành được ghi nhận tăng khá mạnh so với năm ngoái. Biến động này nhìn thấy rõ nhất trong mặt bằng điểm chuẩn các trường dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Phụ huynh và thí sinh đến trực tiếp các trường tìm hiểu phương thức xét tuyển sớm bằng điểm học bạ. ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn, trong số 33 ngành/chuyên ngành của Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay, tới 29 ngành có điểm chuẩn trên mức 800 điểm thi bài năng lực. Trong khi năm ngoái không ngành nào của trường có điểm chuẩn mức 900, thì năm nay có tới 6 ngành đạt từ mức này trở lên và ngành thương mại điện tử cao nhất lên tới 945 điểm. Điểm trung bình trúng tuyển các ngành của trường tăng thêm 25 điểm so với năm ngoái, lên mức 874 điểm. Số thí sinh (TS) trúng tuyển vào trường năm nay theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực thuộc tốp 25% TS điểm cao nhất toàn kỳ thi, tỷ lệ này năm ngoái là 30%.

Cũng tại trường này, điểm chuẩn phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM cũng từ 81,66/90 điểm, tức trung bình 9 điểm mỗi môn.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng có điểm chuẩn tăng mạnh trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM khi xét theo phương thức điểm thi năng lực. Các ngành/nhóm ngành có điểm chuẩn tăng cao so với năm 2023 như: vật lý học, công nghệ vật lý điện tử và tin học, công nghệ bán dẫn, kỹ thuật điện tử – viễn thông, thiết kế vi mạch. Đặc biệt, ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) vốn đạt điểm cao kỷ lục của năm ngoái ở mức 1.035, năm nay tăng thêm 17 điểm, lên đến 1.052.

Điểm chuẩn thi năng lực của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm nay cũng tăng. Trường có tới 12 ngành có điểm chuẩn từ 800 trở lên, trong đó truyền thông đa phương tiện lấy tới 963 điểm (tăng 53 điểm so với năm ngoái).

Tăng số lượng và chất lượng thí sinh

Các trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có xu hướng tương tự. Ví dụ, mặt bằng điểm chuẩn xét tuyển sớm của ĐH Kinh tế TP.HCM tăng mạnh so với năm ngoái ở tất cả các phương thức. Trong đó, điểm chuẩn phương thức xét tuyển học sinh giỏi dao động từ 48 – 83 điểm, ngành tăng cao nhất là 11 điểm. Phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn lấy từ 49 – 85 điểm, ngành tăng cao nhất 9 điểm. Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trường cũng lấy từ 800 – 995, ngành tăng cao nhất lên 40 điểm…

Lý giải nguyên nhân việc tăng điểm trúng tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực, đại diện các trường ĐH đều cho rằng xuất phát từ việc số TS dự thi tăng và TS đạt điểm cao cũng tăng. Thực tế theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay có 104.843 TS dự thi cả 2 đợt (tăng hơn 3.000 TS so với năm 2023). Không chỉ số lượng TS dự thi cao nhất trong 7 năm tổ chức, năm nay số TS đạt điểm cao cũng tăng mạnh. Chỉ riêng TS đạt trên 900 điểm đã lên tới 4.654 người, nhiều hơn năm trước trên 2.000 TS.

Với các phương thức xét tuyển khác, PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng năm nay số TS, nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm vào trường tăng mạnh so với năm ngoái. Trong khi chỉ tiêu ổn định nên điểm chuẩn xét tuyển sớm hầu hết các ngành đều tăng 1 điểm, có ngành tăng 2 điểm.

Cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Trong bối cảnh điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm tăng mạnh thì cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ra sao là điều nhiều TS quan tâm. Giải đáp băn khoăn này, đại diện các trường ĐH đều cho biết trường vẫn dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho xét kết quả kỳ thi chung theo thông tin đã công bố.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. NHẬT THỊNH

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay năm nay ĐH này dành chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm khoảng 70 – 80% tổng chỉ tiêu. So với các năm trước, năm nay số lượng TS đăng ký tương đương nhưng chất lượng hồ sơ tốt hơn. Phần lớn TS có kết quả học tập giỏi kèm theo các tiêu chí ưu tiên nên mặt bằng điểm trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm cao hơn năm 2023. Tuy nhiên, PGS-TS Bùi Quang Hùng cho biết hằng năm số lượng TS nhập học các phương thức xét tuyển sớm chỉ khoảng 70% so với chỉ tiêu tuyển sinh. Dự kiến trong năm nay, tỷ lệ TS trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm cũng sẽ nhập học trong khoảng 70 – 80%/tổng chỉ tiêu. Số chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có độ phân hóa tốt, dự kiến TS đạt điểm 9 – 10 các bài thi tương đối khó. Do đó, điểm trúng tuyển phương thức xét kết quả kỳ thi này vào ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay khả năng tương đương năm 2023", PGS-TS Bùi Quang Hùng dự đoán.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường công bố trong đề án tuyển sinh dành 30 – 50% tổng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau khi hoàn tất các phương thức xét tuyển sớm, chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp khoảng 45% tổng chỉ tiêu.

Năm nay, điểm chuẩn xét tuyển sớm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng tăng mạnh. Cụ thể, điểm trúng tuyển trung bình của TS bằng các phương thức xét tuyển sớm năm nay là 26,16 (cao hơn trên 1 điểm so với năm 2023). Đặc biệt, với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều ngành TS cần đạt từ 1.000 – 1.040 điểm mới trúng tuyển. Theo tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, điểm chuẩn tăng do số lượng và chất lượng TS đăng ký xét tuyển vào trường năm nay tăng mạnh (tăng trên 35% nguyện vọng so với năm ngoái). Dù vậy, ông Hải cho biết trường vẫn còn khoảng 50% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, PGS-TS Tô Văn Phương khẳng định: "Kinh nghiệm năm trước, trường chỉ có khoảng 50% TS trúng tuyển sớm xác nhận nhập học, do đó chỉ tiêu còn lại cho điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 40 – 45% tổng chỉ tiêu". Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng đã hoàn thiện các phương thức xét tuyển sớm. PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông trường này, cho biết: "Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ từ 35 – 45% chỉ tiêu tùy theo từng ngành và chương trình đào tạo. Trong khi đó, năm nay tổng chỉ tiêu của trường tăng thêm 20% so với năm ngoái, lên 4.366 TS. Do đó, TS còn nhiều cơ hội khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp năm nay".

Từ 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7, đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2024 của Bộ GD-ĐT, chậm nhất đến 17 giờ ngày 10.7, các trường ĐH hoàn thành xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho TS; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển lần 1.

Từ ngày 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7, TS đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.

Chậm nhất ngày 21.7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)