Nhiều diêm dân Bình Thuận đang bơm nước biển pha loãng nước ngọt vào ruộng muối để nuôi artemia – một loài giáp xác giàu dinh dưỡng được dừng rộng rãi trong chăn nuôi thủy sản. Nhờ đó, không ít diêm dân đã đổi đời.
Thu hoạch artemia ở đồng muối Chí Công (Bình Thuận) Ảnh: M.C Ảnh nhỏ: Artemia cái (trái) và đực (phải). Ảnh: Zabudo. |
Anh Vũ ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong chỉ những con vật trong như tôm nhỏ đang bơi lội tung tăng, cười: “Nhỏ xíu vậy mà tiền triệu đấy”. Anh Vũ cho biết, làm 5 sào muối được lãi chưa tới 1 triệu đồng, còn nuôi artemia 7-10 ngày có thể thu hơn 10 kg artemia trị giá 700.000 đồng mà không tốn nhiều công sức.
Ông Mười Hai ở xã Chí Công chuyển hơn 1 ha ruộng muối sang nuôi artemia. Diện tích ấy đem lại cho vợ chồng ông vài chục triệu đồng mà không phải dầm nắng dài ngày như làm muối với đầu ra bấp bênh. “Chỉ cần giá bán ổn định 70.000 đồng/kg, tôi cũng có 20 triệu đồng bỏ túi”, ông nói. Một diêm dân 70 tuổi tên Trần Tám hồ hởi: “Cực miết, giờ tôi mới khá lên là nhờ con artemia”.
Hàng trăm hộ dân vùng muối Chí Công (rộng khoảng 60 ha) đã chuyển sang nuôi artemia. Nghề nuôi giống kiểu làm chơi, ăn thật vì artemia dễ thích nghi, không tốn nhiều công và chi phí chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nuôi artemia đơn giản bởi chúng phát triển nhanh và sinh sản tốt trong môi trường nước lợ với độ mặn 80-120‰ (1 lít nước có 8-12g muối). Khoảng 10 ngày là thu hoạch; người dân dùng cào bao lưới dày để cào vớt.
Những tháng mùa mưa, nước ngập đồng không sản xuất được. Khi nước rút, nhiều người không cần thả giống, cứ chờ trứng còn sót lại ở ruộng nở ra ấu trùng artemia rồi phát triển thành quần thể artemia. Người dân lại tiếp tục hưởng lộc trời.
Ở Chí Công, nhiều thương lái đến tận ruộng thu mua artemia rồi cung cấp cho các vùng nuôi hải sản miền Trung. Chị Nguyễn Thị Bé Năm, một thương lái, cho biết mỗi ngày thu mua 10 – 20 kg, lúc nhiều đến 150 kg. “Hiện nay, các vùng nuôi hải sản ở Ninh Thuận, Khánh Hòa tiêu thụ rất mạnh artemia, bởi nó có hàm lượng dinh dưỡng khá cao và an toàn, nhưng ở đây nguồn cung không đủ cầu”, chị Năm nói.
Ông Cao Huỳnh Thái, Chủ tịch UBND xã Chí Công, nhận định: “Nuôi artemia là tín hiệu tươi sáng. Loại vật nuôi này đem lại nguồn thu nhập khá hơn cho diêm dân. Ngoài con tôm, mô hình nuôi artemia sẽ góp phần nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản của địa phương”.
Artemia ăn mùn bã hữu cơ, tảo và vi khuẩn. Sau 10 – 15 ngày, chúng trưởng thành và sinh sản. Artemia giai đoạn ấu trùng mới nở (dài 400-500 µm) có màu vàng cam, có một mắt màu đỏ ở phần đầu. Ấu trùng trải qua 15 lần lột xác trước khi trưởng thành (dài 10-12 mm, có hai mắt kép, râu cảm giác và 11 đôi chân ngực…).
Trong số những nguồn thức ăn tươi sống sử dụng trong ngành chăn nuôi thuỷ sản, ấu trùng artemia được sử dụng rộng rãi nhất. Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhiều đạm và acid béo không bão hòa. Trứng artemia là thức ăn cá bột, tôm con, cá cảnh; còn artemia là thức ăn cho cua, ốc hương…
|
Minh Chiến / TPO
Bình luận (0)