Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm đầu vào thấp, chất lượng sinh viên sư phạm đến đâu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn vào điểm chuẩn khối Sư phạm năm nay, không ít người thở dài vì điểm quá thấp, trong khi đó, đáng lý ra, đây phải là ngành có điểm trúng tuyển cao vì đào tạo ra đội ngũ giáo viên tương lai của đất nước. 

Bằng điểm sàn cũng không “hút” được thí sinh
Điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là 18,5 điểm (Giáo dục tiểu học) và cũng chỉ có 3 ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. 19 ngành còn lại hầu hết lấy đúng bằng điểm sàn như Sư phạm (SP) hóa học, SP sinh học, SP kỹ thuật công nghiệp, vật lý học, văn học, lịch sử, ngôn ngữ Trung Quốc….
ĐH Sư phạm Hà Nội ngoài SP toán và SP văn có điểm chuẩn cao, điểm chuẩn khối C cũng khá ảm đạm theo đà của các ngành ít sức hút. Nhiều ngành có mức điểm chuẩn là 15 như Việt Nam học, tâm lý giáo dục, giáo dục công dân, giáo dục đặc biệt, quản lý giáo dục, sư phạm triết học…
ĐH Sư phạm Thái Nguyên chỉ có 5 ngành có điểm chuẩn trên điểm sàn (từ 15 điểm trở lên), còn lại hầu hết các ngành sư phạm khác chỉ lấy bằng điểm sàn như Vật lý, Hóa học, Tin học, Lịch sử, SP Tâm lý, SP Toán – Tin, SP Toán – Lý…
Điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Sư phạm ĐH Huế là 16 điểm, các ngành khác chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn 1-2 điểm. ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm của các ĐH vùng cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Thậm chí, sau khi có điểm chuẩn, nhiều trường đã dự đoán sẽ phải đóng cửa một số ngành sư phạm. Ông Phạm Minh Thông, Trưởng phòng đào tạo ĐH Tây Bắc cho biết, trường hiện có đến 17 ngành học sư phạm rất khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí có ngành không tuyển sinh được.
Các ngành sư phạm Tin học, Tâm lý giáo dục của ĐH Thái Nguyên cũng đang đứng trước nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang cho biết, dự kiến tạm dừng tuyển sinh 5/8 ngành sư phạm vì không có thí sinh dự thi.
Năm 2010, có nhiều trường nhiều ngành học không tuyển đủ chỉ tiêu phải đóng cửa trong đó có ngành sư phạm như  ĐH Đà Nẵng có 4 ngành thuộc nhóm sư phạm ngoại ngữ phải đóng cửa. Ngành tiếng Pháp của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) chỉ có 4 hồ sơ đăng ký dự thi, ngành tiếng Nga chỉ có 1 hồ sơ.
Chất lượng đầu ra sẽ như thế nào?
Mặc dù các trường đều giải thích, nguyên nhân đầu vào của ngành sư phạm thấp không chỉ là chất lượng thí sinh thấp mà còn do đề thi khó hay những nguyên nhân khác, nhưng thực tế cho thấy, nhiều sinh viên sư phạm đang được đào tạo từ một xuất phát điểm rất thấp.
Một giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Một thực tế đáng buồn cho thấy, nhiều em sinh viên cực chẳng đã phải vào sư phạm vì không còn trúng tuyển ở trường nào khác. Chính vì thế, mặc dù sẽ trở thành thầy, cô giáo trong tương lai nhưng nhiều sinh viên của chúng tôi vẫn còn nói ngọng, viết sai những lỗi chính tả sơ đẳng, thậm chí không viết được một câu văn cho hoàn chỉnh. Đây quả thật là một thực trạng đáng báo động”.
Theo các chuyên gia giáo dục, chất lượng tuyển sinh vào sư phạm giảm sút phải được xem là nguy cơ của nền giáo dục bởi chất lượng sinh viên giảm dẫn tới sự xuống cấp về chất lượng giáo viên. Quan trọng hơn, điều đó khiến cho nhiều chủ trương, dự án cải cách, đổi mới trong ngành giáo dục không thực hiện được hoặc hiệu quả không cao.
Lý giải về nguyên nhân tại sao ngành sư phạm không có sức hút, nhiều người đưa ra mức lương của giáo viên để so sánh. Ví dụ như sau 5 năm ra trường, sinh viên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng có thể ở mức 7-10 triệu đồng/tháng thì sinh viên sư phạm chỉ trong khoảng 3-4 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc sinh viên sư phạm ra trường đổ dồn về các thành phố lớn khiến “cung” vượt “cầu”. Nhiều giáo viên không tìm được việc làm phải chuyển sang làm nghề khác.
Để ngành sư phạm không “chết yểu”, cần phải có những giải pháp tạo sức hút đối với học sinh giỏi trong các trường phổ thông. Thêm vào đó, việc đào tạo sinh viên sư phạm không nên chỉ chạy theo số lượng mà nên đào tạo theo nhu cầu thực tế, không nên để xảy ra tình trạng các ngành sư phạm “tuyển vét” như hiện nay.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

 

Bình luận (0)