Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Điểm diễn ca nhạc bị thu hẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Một live show của Đan Trường tại Sân khấu Trống Đồng – Ảnh: HT.Pr

Chẳng bao lâu nữa, TP.HCM sẽ không còn Sân khấu ca nhạc Trống Đồng – tụ điểm ca nhạc đã quen thuộc với khán giả thành phố từ 20 năm nay. Sự thu hẹp dần các điểm biểu diễn ca nhạc đang khiến các nhà tổ chức chương trình đau đầu.

Loay hoay tìm điểm diễn

Các điểm diễn ở TP.HCM thường được các nhà tổ chức nhắm đến hiện chỉ có Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Sân khấu Lan Anh, Sân khấu Trống Đồng, Sân khấu 126. Trong năm 2009 có thêm Nhà hát Quân Đội (do trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội quản lý) xuất hiện. Tuy nhiên, đến giờ nhà hát này vẫn chưa đắt sô do nằm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) không thuận lợi việc đi lại cho khán giả, việc quảng bá cho nhà hát cũng còn yếu.

Việc sắp tới Sân khấu Trống Đồng phải chia tay khán giả để sẽ trở thành bãi giữ xe ngầm khiến các khán giả, nghệ sĩ và nhà tổ chức từng gắn bó với sân khấu này không khỏi bùi ngùi. Trong các nhà hát còn lại, chỉ có Nhà hát Hòa Bình là được các nhà tổ chức xem là đạt “chuẩn” về cơ sở vật chất để tổ chức một chương trình ca nhạc. Song cái khó khăn của những ai đầu tư chương trình ở Hòa Bình là thời gian cho đạo diễn dàn dựng sân khấu và ca sĩ tập luyện nơi này rất ít, lý do là Hòa Bình đã cho thuê mặt bằng làm rạp chiếu phim.

Nhà hát Bến Thành thì hiện rất hiếm sô ca nhạc lớn diễn ra tại đây, do nhà hát một thời gian dài không được nâng cấp để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật từ đạo diễn và nhà tổ chức. Vì ít sô, Nhà hát Bến Thành 2-3 năm qua trở thành sân khấu diễn kịch là chính. Còn Nhà hát Thành phố thì đủ đẳng cấp một nhà hát, nhưng tiếc là sức chứa chỉ khoảng 450 người. Số lượng ghế quá ít sẽ không đáp ứng được yêu cầu doanh thu khi chương trình không có tài trợ.

Đăng Khoa – Giám đốc tổ chức sự kiện Công ty T.P nói: “Nếu như chưa thể xây dựng một nhà hát, sân khấu đủ tiêu chuẩn thì ít nhất cũng phải đầu tư kinh phí nâng cấp, tu sửa lại một vài nhà hát như Hòa Bình, Bến Thành để đáp ứng yêu cầu thiếu hụt sân khấu hiện nay”.

Nhà thi đấu thành nhà hát

Do quá thiếu nhà hát nên một số nhà thi đấu như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Quân khu 7, Phú Thọ, Maximark Cộng Hòa được “biến hóa” thành nhà hát. Nhưng điều nan giải của các chương trình khi vào nhà thi đấu là vấn đề âm thanh. Độ vang của âm thanh do đặc trưng của nhà thi đấu làm nhiều đạo diễn bất an và nhiều nhà tổ chức phải bỏ ra tiền tỉ để đầu tư lại sân khấu, âm thanh. Và cũng vì thiếu sân khấu mà một số trung tâm hội nghị như White Palace, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn cũng được “biến” thành sân khấu ca nhạc bất đắc dĩ. Nhiều sô diễn mang tính chất dạ tiệc của Đàm Vĩnh Hưng phải nhờ đến trung tâm hội nghị và đến cả nhà hàng tiệc cưới (đêm nhạc Thương hoài ngàn năm của Đàm Vĩnh Hưng từng tổ chức tại Trung tâm Tiệc cưới Quốc Thanh, đêm Vũ khúc mùa đông tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace).

Đạo diễn Trần Vi Mỹ nói: “Hơn lúc nào hết, TP.HCM cần có một nhà hát đạt tiêu chuẩn và ít nhất có sức chứa khoảng 3.000 người. Cũng không quan trọng là nhà hát nằm ở trung tâm hay vùng ven mà miễn là đủ đẳng cấp thì sẽ có nhiều sô diễn tại đây đủ sức lôi kéo khán giả”.

Dạ Ly (Theo TNO)

Bình luận (0)