Cùng với sự phát triển chung của TP.HCM về mọi mặt, hạ tầng giao thông là một trong những đổi thay rõ rệt của TP trong 5 năm qua. Hàng loạt dự án, công trình kết nối giữa các quận, huyện, giữa TP với các tỉnh, thành đã được hoàn thành. Qua đó, giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe, ngập nước, việc đi lại, thông thương hàng hóa cũng nhanh và an toàn hơn.
Tuyến Metro số 1 sẽ đưa vào vận hành kỹ thuật vào đầu năm 2021
Tuyến Metro số 1
Công trình giao thông tiêu biểu cấp TP là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) Bến Thành – Suối Tiên. Metro số 1 được khởi công từ năm 2012, toàn tuyến có chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao. Tuyến này có 14 nhà ga bao gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và Depot đặt tại P.Long Bình, Q.9.
Mới đây, TP.HCM cũng đã tổ chức lễ đón đoàn tàu metro đầu tiên của TP và đặt lên đường ray tại khu vực Depot Long Bình. Đây là một trong tổng số 17 đoàn tàu thuộc tuyến Metro số 1. Việc nhập khẩu, vận chuyển thành công đoàn tàu này là một trong các dấu mốc rất quan trọng của dự án, đánh dấu việc chính thức chuyển giai đoạn của dự án từ tập trung thi công sang giai đoạn thử nghiệm, vận hành.
Theo kế hoạch, đoàn tàu Metro số 1 sẽ vận hành thử nghiệm để kiểm tra kỹ thuật tại Depot Long Bình vào đầu năm 2021. Từ quý 3-2021, đoàn tàu sẽ chạy không tải trên tuyến chính, đoạn từ Depot Long Bình đến ga Bình Thái (Q.Thủ Đức). Đến cuối quý 4-2021, đoàn tàu tiếp tục được vận hành thử nghiệm từ Depot Long Bình đến ga Tân Cảng (Q.Bình Thạnh). Sau đó tàu được chạy thử ở toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành các hệ thống khác và đưa vào khai thác vào cuối năm 2021.
Bến xe Miền Đông mới
Nằm trên xa lộ Hà Nội (P.Long Bình, Q.9), Bến xe Miền Đông mới khởi công giai đoạn 1 từ 4-2017 trên diện tích 16ha, nhằm giải quyết tình trạng quá tải, ùn ứ tại Bến xe Miền Đông hiện hữu.
Đây là bến xe hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến sẽ phục vụ 7 triệu lượt khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu 21.000 hành khách/ ngày với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe.
Bến xe có nhà ga trung tâm gồm 4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm, gồm các công trình ga hành khách, văn phòng làm việc, dịch vụ hỗ trợ hành khách và nhân viên.
Bến xe Miền Đông mới được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 10-10-2020. Sau khi đưa vào khai thác giai đoạn đầu, 22 tuyến xe khách từ Quảng Bình trở ra Bắc được chuyển từ Bến xe Miền Đông cũ sang hoạt động tại đây.
Bến xe Miền Đông mới là một trong những công trình được người dân quan tâm sau bao năm chờ đợi. Đây cũng là công trình thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền TP cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan.
Nút giao An Sương
Nút giao An Sương có tổng số vốn đầu tư 514 tỷ đồng (chi phí xây lắp 314 tỷ đồng; chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là 130 tỷ đồng) với quy mô 3 tầng. Cụ thể, tầng hầm gồm 2 đường hầm hướng từ Trường Chinh ra quốc lộ 22 và ngược lại. Mỗi hầm rộng 9m đáp ứng 2 làn xe với tổng chiều dài 2 hầm là 830m. Theo đó, phần hầm kín dài 125m, phần hầm hở có tổng chiều dài 580m. Tầng trên cùng là cầu vượt cho xe chạy hướng quốc lộ 1. Tầng trên mặt đất gồm nút giao với đảo tròn trung tâm, hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu.
Nút giao này chính thức thông xe từ tháng 9-2020, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tai nạn giao thông và xóa điểm đen tai nạn giao thông ở cửa ngõ Tây Bắc của TP.
Mở rộng và nâng cấp đường
Đường Trần Văn Giàu là tuyến đường kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương và thông thương với tỉnh Long An. Dự án nâng cấp tuyến đường này (đoạn từ tỉnh lộ 10 đến đường Nguyễn Cửu Phú, đi qua huyện Bình Chánh và Q.Bình Tân với chiều dài 2km) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư của hai địa phương TP.HCM và Long An. Được biết, dự án nâng cấp đã hoàn thành vào tháng 9-2020, kịp tiến độ chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với đó là việc mở rộng, nâng cấp đường Tô Ký (đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu (huyện Hóc Môn) với chiều dài khoảng 2,7km), đã hoàn thành vào đầu tháng 10-2020. Dự án mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu theo tiêu chuẩn đường đô thị gồm 4 làn xe, hoàn thiện hệ thống thoát nước, chiếu sáng và mỹ quan hai bên đường.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là một trong những công trình hoàn thành việc bồi thường và giải phóng mặt bằng nhanh nhất nhờ sự đồng thuận cao của người dân trên khu vực.
Dù chỉ mới khởi công hôm 8-10-2020 nhưng dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân được kỳ vọng là một trong những công trình giải tỏa được bức xúc của người dân về tình trạng ngập úng. Đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức) nhiều năm nay được biết đến là điểm ngập nặng sau mỗi cơn mưa khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất khó khăn. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công.
Khởi công từ tháng 6-2016, Dự án cống ngăn triều Tân Thuận có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng vừa được chủ đầu tư là Tập đoàn Trung Nam cam kết với TP là sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm nay. Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án chống ngập của TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Đây là một trong những dự án lớn của TP mà cả chính quyền và người dân đặt nhiều kỳ vọng, đó là giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều cường và mưa kết hợp với triều cường trên vùng diện tích 570km2. Theo đó, có khoảng 6,5 triệu dân khu vực trung tâm TP và các quận huyện thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như Q.7, Q.8 và huyện Nhà Bè được hưởng lợi từ dự án.
A.Trần
Bình luận (0)