TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) trả lời các câu hỏi của học sinh Trường THPT Thực hành – ĐH Sư phạm TP.HCM |
Tuần qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tiếp tục diễn ra ở nhiều trường trên địa bàn thành phố (THPT Thực hành – ĐH Sư phạm TP.HCM, THPT Phước Long, THPT Bà Điểm, THPT An Nhơn Tây…).
Điểm xét tốt nghiệp tính theo công thức năm 2015
Em Lê Thảo Ngân (lớp 12A4 Trường THPT Thực hành – ĐH Sư phạm TP.HCM) hỏi: “Điểm thi nghề có được cộng khi xét tuyển vào ĐH không hay chỉ được cộng vào điểm xét tốt nghiệp. Khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, em được nộp vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Đối với mỗi nguyện vọng, em có được đăng ký xét nhiều khối thi cho một ngành không hay chỉ được xét một khối thi cho cùng một ngành?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) trả lời: Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, điểm thi nghề chỉ được cộng cho thí sinh khi xét tốt nghiệp THPT. Điểm xét tốt nghiệp vẫn được tính theo công thức như năm 2015, nghĩa là kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với việc xét tuyển ĐH, CĐ, ở nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được nộp hồ sơ tối đa vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành, mỗi ngành chỉ được xét tuyển một tổ hợp bộ môn duy nhất. Do đó, các em nên cân nhắc xem tổ hợp bộ môn nào có số điểm cao nhất để nộp vào. Trong trường hợp thí sinh trúng tuyển cả 2 trường, khi làm hồ sơ nhập học, thí sinh buộc phải nộp giấy báo kết quả thi cho trường trúng tuyển. Do đó, khi thí sinh nộp giấy báo này cho trường nào nghĩa là đã chọn trường đó theo học, không thể nhập học vào trường khác.
Ngoại ngữ là “chìa khóa” bước vào nghề
Em Nguyễn Bảo Nguyên (lớp 12A3 Trường THPT Phước Long) tâm tư: “Em muốn học làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng nghe nói ngành này cần phải có ngoại hình và ngoại ngữ. Vậy nếu không có đủ 2 yếu tố này, em có thể tìm được việc làm không?”. ThS. Nguyễn Hữu Công (Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) cho biết ngoại hình là một trong những điều kiện cần phải có của người làm công việc hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện tiên quyết. Theo ông Công, người làm hướng dẫn du lịch ngoài ngoại hình cần phải có khả năng ăn nói lưu loát, lôi cuốn; phải am hiểu nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, đặc điểm con người và vùng đất nơi mình dẫn khách đến… Tuy nhiên, trong ngành du lịch có rất nhiều người ngoại hình không mấy nổi bật nhưng lại biết lôi cuốn khách bằng lối nói chuyện duyên dáng, bằng những hiểu biết riêng mà bản thân họ bỏ công tìm hiểu. Và những người như vậy được rất nhiều khách du lịch ưa thích, được nhiều công ty du lịch tìm kiếm. Vì vậy, các em không nên đặt nặng vấn đề ngoại hình đối với nghề hướng dẫn viên du lịch. Riêng về ngoại ngữ, ông Công nhận định, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng đối với nghề hướng dẫn viên du lịch, nếu không có nó, các em chỉ có thể hướng dẫn cho khách nội địa, không có cơ hội ra nước ngoài. Hiện nay du lịch là ngành rất linh động với lượng khách vô cùng lớn nên nếu không biết tiếng Anh sẽ rất thiệt thòi, nhất là khi các công ty du lịch hiện nay thường ưu tiên cho ứng viên biết ngoại ngữ.
Chương trình tư vấn có hiệu ứng rất tích cực Tại Trường THPT An Nhơn Tây, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh học sinh. Cô Đỗ Thị Ba (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết ngay từ đầu tuần, trường đã gửi giấy mời đến từng phụ huynh học sinh lớp 12 để họ cùng tham gia buổi tư vấn tuyển sinh. Thông qua buổi tư vấn này, phụ huynh sẽ cùng nghe, cùng hiểu để cùng bàn bạc và định hướng tương lai cho con mình. Qua những thông tin được tư vấn trực tiếp, phụ huynh sẽ không còn ép buộc con phải đi theo suy nghĩ của mình, phải thi vào trường, vào ngành mình mong muốn mà để con hoàn toàn lựa chọn theo chính kiến riêng. “Hầu hết các chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM kết hợp với nhà trường tổ chức đều có sự tham gia của phụ huynh và đạt được hiệu ứng tích cực. Khảo sát vài năm gần đây cho thấy, hầu hết các em học sinh đều lựa chọn ngành học, bậc học sau THPT phù hợp với năng lực của bản thân chứ không còn nghỉ học ở nhà như những năm trước đó. Năm 2015, trường chúng tôi có 27% học sinh vào ĐH, số còn lại đều đi theo các ngành kỹ thuật ở những trường CĐ, TCCN, TC nghề trên địa bàn thành phố”, cô Ba nói.
Phụ huynh học sinh Trường THPT An Nhơn Tây chăm chú lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia |
Góp ý thêm, ThS. Nguyễn Anh Đức (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho hay hiện nay rất nhiều ngành nghề đang vừa thừa vừa thiếu nhân lực. “Đã có nhiều sinh viên hỏi tôi rằng, đi xin việc làm có cần phải có mối quan hệ? Có cần phải bỏ tiền không? Theo tôi, đây là hệ lụy mà người lớn đã gieo vào suy nghĩ các em những tư tưởng không tốt. Trên thực tế, nhiều đơn vị tuyển dụng đang rất “khát” nhân lực vừa có trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ và tin học tốt. Nếu tích cực rèn luyện các yếu tố này từ sớm, cơ hội việc làm sẽ mở ra cho các em. Hiện nay, rất nhiều trường đã yêu cầu chuẩn đầu ra về mặt ngoại ngữ và tin học cho sinh viên trước khi ra trường. Vì vậy, khi học những học phần này, các em phải học một cách nghiêm túc, tuyệt đối không được học theo kiểu đối phó để cho qua”, ThS. Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)