Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala ngày 25-6 cho biết Ukraine đã nhận được lô đạn pháo đầu tiên theo sáng kiến do Czech dẫn đầu.
Trước đây, vào giữa tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Lipavsky từng nói rằng những quả đạn pháo đầu tiên được mua theo sáng kiến do Praha dẫn đầu đã đến Ukraine trong "những ngày này".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Černohová nói với đài CNN đợt giao đạn dược đầu tiên dự kiến thực hiện "vào cuối tháng 6".
Tuy nhiên, giới chức Czech không nêu rõ số lượng đạn dược được chuyển đến.
Về chất lượng của đạn pháo, Bộ trưởng Quốc phòng Czech nhấn mạnh rằng các công ty Czech đã kiểm tra để đảm bảo sử dụng an toàn trên thực địa.
Đạn pháo 155 mm sản xuất tại nhà máy của Rheinmetall ở Đức tháng 6-2023. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 2, Tổng thống Czech Petr Pavel đưa ra sáng kiến tìm nguồn cung ứng đạn dược từ các quốc gia khác để viện trợ khẩn cấp cho quân đội Ukraine. Thời điểm đó, Ukraine mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka trong bối cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.
Theo ông Petr Pavel, Czech tìm được nguồn cung cấp 500.000 quả đạn 155 mm và 300.000 quả đạn 122 mm có sẵn để mua bên ngoài châu Âu, có thể mua và gửi tới Ukraine sau khi số tiền cần thiết được phân bổ cho sáng kiến này.
Cuối tháng 3, Bộ trưởng Jan Lipavsky cho biết một số quốc gia (bao gồm Cộng hòa Czech, Đức, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Canada và Hà Lan) đóng góp kinh phí cho sáng kiến của Czech. Điều này có nghĩa là khoảng 1,5 triệu quả đạn pháo được cung cấp cho Kiev.
Theo Thủ tướng Petr Fiala, hơn 1,7 triệu USD đã được phân bổ cho nỗ lực này.
Không giống Mỹ, Pháp và Đức, những quốc gia chủ yếu tăng sản lượng trong nước để cung ứng cho Ukraine, các quan chức Czech nói sáng kiến của nước này tập trung vào săn tìm các kho vũ khí nằm rải rác khắp nơi. Họ âm thầm đi khắp thế giới để ký hợp đồng mua bán và xin giấy phép xuất khẩu từ nhiều nước.
Czech sở hữu ngành công nghiệp quốc phòng đáng kể với nhiều khách hàng toàn cầu, cũng như có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia có kho vũ khí chuẩn Liên Xô quy mô lớn và có thể chế tạo thêm vũ khí, vật tư liên quan.
Từ khi sáng kiến của Czech được đưa ra, nhiều quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) công khai ủng hộ. Đức thông báo góp gần 545 triệu USD cho sáng kiến, đây là mức cam kết lớn nhất tới nay của các bên tham gia.
Chính phủ Czech cho biết Moscow vẫn đang vượt xa phương Tây trong việc đảm bảo nguồn cung cấp đạn pháo trên thị trường quốc tế, lo ngại rằng việc thanh toán chậm cho các công ty vũ khí có thể dẫn đến hàng triệu quả đạn được chuyển đến Moscow thay vì Kiev, theo tờ Financial Times vào cuối tháng 5.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)