Hy Lạp đã phái đưa huấn luyện viên đầu tiên tới Ukraine để đào tạo các phi công địa phương sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
"Liên minh F-16" hỗ trợ Ukraine được thành lập vào tháng 7 năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh của NATO, bao gồm các thành viên Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Thụy Điển. Hy Lạp tham gia một tháng sau đó.
Nhóm này tuyên bố sẽ chuyển giao hàng chục chiếc F-16 cho Ukraine, kèm theo những huấn luyện phù hợp.
Cùng ngày 3-6, Hà Lan tuyên bố sẽ không hạn chế Ukraine sử dụng các máy bay F-16 được tài trợ nếu thấy phù hợp. Tạp chí Politico dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết Ukraine được phép sử dụng 24 máy bay chiến đấu F-16 mà nước này dự kiến nhận từ Hà Lan nếu thấy phù hợp.
Tuyên bố trên trái ngược với quan điểm của Bỉ – vốn cam kết gửi 30 máy bay chiến đấu cho Ukraine. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo lưu ý Ukraine chỉ được sử dụng bất kỳ vũ khí nào do Bỉ cung cấp bên trong lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Văn phòng tổng thống Ukraine
Ngày 3-6, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, bà Ollongren nói: "Không có hạn chế giống như Bỉ. Một khi chúng tôi bàn giao chúng (F-16) cho Ukraine, chúng sẽ là của họ, để họ sử dụng. Chính phủ Hà Lan chỉ yêu cầu sử dụng vũ khí của mình phù hợp với luật pháp quốc tế".
Các quốc gia phương Tây đã giúp đào tạo phi công Ukraine về cách vận hành máy bay chiến đấu do Mỹ thiết kế. Việc bàn giao F-16 được cho là có thể bắt đầu trong vòng vài tháng tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuần trước cho biết Ukraine có thể sử dụng 19 chiếc F-16 được tài trợ để làm suy yếu lực lượng Nga bằng cách phá hủy các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga.
Giới chức Kiev kỳ vọng công nghệ quân sự của Mỹ sẽ lật ngược tình thế trên chiến trường theo hướng có lợi cho họ.
Ngược lại, Nga cảnh báo việc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine là sự leo thang tiềm ẩn nguy cơ hạt nhân vì F-16 có khả năng triển khai bom trọng lực hạt nhân B61 của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trước đó cảnh báo Mỹ không nên phạm "những sai lầm có thể gây ra hậu quả chết người" khi cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nguy cơ các nước NATO leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO
Bình luận (0)