Hai nhà ngoại giao Tây Âu ngày 3-7 cho biết các thành viên NATO đã đồng ý gói viện trợ quân sự 40 tỉ USD cho Ukraine vào năm sau.
Nguồn tin ngoại giao của Reuters nói rằng kế hoạch viện trợ nhiều năm không được các thành viên ủng hộ, dù thỏa thuận mới sẽ bao gồm điều khoản sẽ cho phép đánh giá lại đóng góp khối tại các kỳ hội nghị thượng đỉnh NATO trong tương lai.
Nhà ngoại giao tiết lộ các thành viên cũng quyết định sẽ đưa ra 2 báo cáo trong năm tới, gồm chi tiết quốc gia nào sẽ cung cấp những gì cho Ukraine, qua đó đảm bảo tính minh bạch về việc chia sẻ gánh nặng giữa liên minh.
Cam kết tài chính là một phần của gói hỗ trợ Ukraine rộng hơn mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhất trí khi họp tại hội nghị thượng đỉnh, sẽ diễn ra ở Mỹ vào tuần sau.
Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành Caesar gần thị trấn Avdiivka thuộc vùng Donetsk. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, các thành viên cũng chưa thống nhất về diễn ngôn ủng hộ Ukraine cho cuộc gặp tuần tới.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, lãnh đạo NATO tuyên bố: "Tương lai của Ukraine là ở NATO", nói rằng Kiev sẽ gia nhập liên minh vào một ngày nào đó, nhưng không phải thời điểm nước này đang xảy ra xung đột.
Theo nhiều nhà ngoại giao, một số thành viên muốn từ ngữ năm nay mang sức nặng hơn, với đề nghị về tuyên bố chung rằng con đường để Ukraine trở thành thành viên là "không thể đảo ngược".
Cũng trong ngày 3-7, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỉ USD cho Ukraine. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa phòng không và các loại đạn dược quan trọng.
Theo Lầu Năm Góc, một phần của gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm 150 triệu USD đạn pháo, tên lửa đánh chặn và vũ khí chống tăng. Các loại vũ khí này sẽ được lấy từ kho dự trữ của Mỹ thuộc Cơ quan quản lý rút vốn của Tổng thống (PDA) và sẽ sớm được vận chuyển cho Ukraine.
Phần còn lại của gói viện trợ trị giá 2,2 tỉ USD bao gồm tên lửa phòng không Patriot và NASAMS thuộc sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine.
Đây là gói viện trợ quân sự thứ 5 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi gói viện trợ bổ sung trị giá 95 tỉ USD bao gồm 61 tỉ USD viện trợ cho Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4.
Ngoài viện trợ quân sự, Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ.
Đài CNN tháng trước đưa tin Mỹ đang hướng tới việc gỡ bỏ lệnh cấm các nhà thầu của nước này tới Ukraine để giúp quân đội nước này sửa chữa, bảo trì các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)