Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm sàn đảm bảo cho tất cả các trường tuyển đủ chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT kết thúc cuộc họp vào trưa 8-8, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về những vấn đề liên quan đến điểm sàn năm nay.
PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết về mức điểm sàn ĐH năm nay?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trên cơ sở phân tích kết quả tuyển sinh chỉ tiêu cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về các đối tượng ưu  tiên, Hội đồng điểm sàn đã quyết định điểm sàn năm nay: ĐH khối A và D là 13 điểm, và B và C là 14 điểm, điểm sàn cao đẳng thấp hơn 3 điểm đối với ĐH
PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông nói rõ hơn về việc tại sao điểm sàn khối C không thấp hơn trong khi phản ánh của nhiều trường cho rằng điểm thi khối C năm nay rất thấp?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra, theo tổng hợp chung của điểm thi khối C, có những môn phổ điểm khối C rất tốt như Văn và Địa, điểm sàn nói chung của khối C là tập trung vào phần phổ điểm trung bình cao nên điểm sàn năm nay không thay đổi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
PV: Với điểm thi năm nay, các trường ngoài công lập đang khó khăn trong tuyển sinh, Bộ có phương án nào cho các giúp cho các trường trong tuyển sinh?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi xác định điểm sàn, Bộ đã tổng hợp tất cả thông tin liên quan đến kết quả thi của thí sinh và trên tất cả các vùng miền khác nhau. Với mức điểm sàn thế này, Bộ đã tính toán mức dư dôi rất lớn giữa số lượng thí sinh thiếu và số lượng thừa. Ví dụ khối A, số lượng dư bằng 1,6 lần số thiếu. Khối B số dư rất cao, số lượng dư so với số thiếu là 21 lần trong khi đó năm ngoái chỉ có 8 lần. Khối C, D thì số dư vẫn tương đương năm ngoái.
Vùng miền có số lượng thí sinh thiếu như Tây Bắc hay Đồng bằng sông Lửu long (ĐBSCL), Bộ đã thống kê cho thấy: Số lượng thí sinh ở các vùng miền đó nếu không trúng tuyển ở các TP lớn mà quay về học ở các trường trong vùng miền thì lượng thí sinh dư hơn rất nhiều so với nhu cầu lấp đầy của các trường ở vùng miền đó. Ví dụ như ở ĐBSCL nếu tất cả các thí sinh không trúng tuyển ở TP Hồ Chí Minh quay về học ở khu vực đó thì số lượng này gấp đôi số lượng chỉ tiêu cần thiết. Hoặc vùng núi phía Bắc, nếu thí sinh khối D không trúng tuyển ở Hà Nội mà quay về khu vực đó học thì số dư gấp 10 lần. Hoặc các tỉnh miền Trung, Tây nguyên nếu khối A không trúng tuyển ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì số lượng quay về gấp 20 lần. Cho nên chúng ta không cần phải dịch chuyển thí sinh từ Hà Nội lên Tây Bắc hay các vùng khác vì số lượng thí sinh không trúng tuyển quay về đại phương học vẫn dư ra rất nhiều số với chỉ tiêu tuyển. Vì vậy các trường không ngại có sự dịch chuyển. Thêm vào đó, năm nay, Bộ cho phép thí sinh rút nguyện vọng, nên các thí sinh không trúng tuyển NV1, NV2 ở các TP lớn quay về các địa phương vẫn lấp đầy chỉ tiêu cần thiết.
PV: Sang năm có đổi mới gì trong thi tuyển sinh ĐH không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu quy trình đổi mới tuyển sinh, tức là làm cho tuyển sinh càng ngày càng nhẹ nhàng và có hiệu quả thiết thực hơn. Các giải pháp làm thế nào cho có hiệu quả trong đổi mới tuyển sinh thì Bộ và các trường đang nghiên cứu.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng
Theo Phan Thủy

(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)