Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm sàn đối với tất cả các khối thi ở bậc ĐH và CĐ năm 2008. Theo đó, đối với ĐH, điểm sàn khối A và D là 13, khối C 14 và khối B là 15. Điểm sàn đối với CĐ (những trường tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ và xét tuyển) điểm sàn thấp hơn so với ĐH 3 điểm, tương đương khối A, D là 10, khối C là 11 và khối B là 12. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, đây là lần đầu tiên trong 6 năm tổ chức 3 chung, điểm sàn khối B lên tới 15 điểm. Trong khi đó, khối A lại “tụt” xuống còn 13 điểm.
Năm nay, điểm chuẩn vào khoa Bác sĩ răng hàm mặt của ĐH Y Hà Nội là 28,5 điểm. Điều đó có nghĩa là sẽ còn rất nhiều thí sinh đạt 28 điểm không được vào trường. Trả lời báo chí, ông Đào Văn Long, Phó hiệu trưởng ĐH Y, nếu với mức điểm chuẩn là 27 điểm cho khoa Răng – Hàm – Mặt (tức trung bình ba điểm 9) thì có ít nhất 150 thí sinh bị trượt. Còn với mức 28,5 điểm trường đã phải lấy vượt chỉ tiêu Bộ giao 30%, vì lấy đúng thì điểm chuẩn phải lên tới khoảng 29 hoặc 29,5 điểm! Kết quả thí sinh dự thi vào ĐH Y Hà Nội năm nay khá cao. Lãnh đạo nhà trường cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng riêng môn toán đã có khoảng 200 điểm 10, 17 điểm 10 môn hóa, 9 điểm 10 môn sinh. Trường năm nay không có em nào đạt điểm tuyệt đổi 30/30 điểm nhưng có 10 em đạt 29,5 điểm, có 4 em là thí sinh KV2 được 30,5 điểm. Năm 2007, ĐH Y Hà Nội đã phải xin Bộ cho mở hệ đào tạo ngoài ngân sách với 70 sinh viên. Tuy nhiên, theo ông Long phân tích thì trường y có những đặc thù riêng, khó có thể mở rộng về số lượng. Có nhiều kỹ năng, giảng viên phải “cầm tay chỉ việc”, do đó, mấy năm nay, ĐH Y Hà Nội không “dám” tăng chỉ tiêu do số lượng cán bộ giảng viên có hạn (hiện ĐH Y Hà Nội có tổng 1.000 cán bộ viên chức nhưng trường có tới 3.000 sinh viên). Do đó, ông Long cho biết, năm nay trường không dự định mở thêm hệ ngoài ngân sách.
Cùng chung “hoàn cảnh” như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương cũng “hút” được lượng lớn học sinh khá giỏi tham gia dự thi. Do đó, điểm chuẩn vào trường năm nào cũng thuộc hàng “sao”. Một vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, trường đã mở hệ đào tạo ngoài ngân sách. Năm 2007, trường có 400 sinh viên thuộc diện đào tạo ngoài ngân sách với mức học phí 7 triệu đồng/năm (sinh viên thường 1,8 triệu đồng/năm). Bà Nguyễn Thị Quy, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định, nếu năm nay có nhu cầu, trường sẽ vẫn tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định hiện chưa có trường nào đề xuất vấn đề này.
Nghiêm Huê (ghi)
Những mốc thời gian thí sinh cần lưu ý: Trước ngày 20-8-2008, các trường thông báo điểm trúng tuyển, danh sách các thí sinh trúng tuyển và gửi giấy triệu tập cho thí sinh trúng tuyển NV1 học tại trường. Từ 25-8-2008 đến 10-9-2008, các trường nhận hồ sơ đăng ký NV2. Từ ngày 15-9-2008 đến ngày 30-9-2008, các trường nhận hồ sơ đăng ký NV3. Ngày 5-10-2008, các trường công bố thí sinh trúng tuyển NV3 và gửi giấy báo trúng tuyển NV3. |
Bình luận (0)