Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm sàn, điểm chuẩn khối A là bao nhiêu?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, số lượng thí sinh (TS) đến dự thi không cao, đề thi các môn được đánh giá là khó, vậy điểm sàn, điểm chuẩn sẽ như thế nào?

Điểm sàn ở mức 13-15 điểm
Ông Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết: hiện chưa đủ cơ sở dữ liệu để dự báo mức điểm sàn sẽ là bao nhiêu. Quy trình xây dựng điểm sàn phải dựa trên thống kê điểm thi tuyển sinh năm nay, số chỉ tiêu tuyển sinh và chất  lượng của đề thi. Khi xây dựng điểm sàn, sẽ căn cứ trên số điểm thi của TS và chỉ tiêu rồi “lùi” xuống các mức mà TS có thể đạt mức điểm sàn để lấy đủ số chỉ tiêu có thể. Một điều kiện được đặt ra là điểm sàn cũng phải ở mức tương đối để đảm bảo chất lượng đầu vào của TS. Vì thế việc xây dựng điểm sàn sẽ còn phụ thuộc vào chất lượng đề thi. Có những khối có thể lấy 18 điểm, nhưng có những khối lấy đến 10 điểm mới đủ chỉ tiêu. Vì thế thông thường điểm sàn sẽ được chọn ở mức 13-15 điểm. Số TS đạt điểm sàn phải vượt số chỉ tiêu được giao và tốt nhất là vượt gấp 2-3 lần.
Ngoài ra, điểm sàn còn căn cứ vào các yếu tố ưu tiên vùng miền. Ví dụ, căn cứ vào số liệu thống kê thì có thể lấy mức điểm sàn cao hơn nhưng có những vùng khó khăn, phải hạ mức điểm xuống mới tuyển được TS. Nếu Hội đồng điểm sàn thấy mức điểm đó vẫn  đảm bảo chất lượng thì có thể quyết định mức thấp hơn.
Điểm sàn năm 2008: Khối A: 13, B: 15, C: 14, D: 13.
Theo tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất thì năm nay đề thi môn Toán, Hóa được đánh giá là khó; vì vậy điểm sàn khối A cũng chỉ ở mức 13 điểm như năm trước. Ông Nhất phân tích: năm nay đề thi tốt nghiệp THPT dễ nhưng vẫn có tới 23.000 TS trượt, chiếm khoảng 17% số TS trên cả nước. Điều đó cho thấy mặt bằng trình độ của TS không cao. Trong khi đó, đề thi ĐH khối A lại khó hơn năm trước. Vì thế, điểm sàn sẽ không cao hơn năm trước. 
Điểm chuẩn sẽ cao hay thấp?
Mức điểm chuẩn cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào chất lượng TS dự thi của từng trường. Tuy nhiên năm nay đề thi được đánh giá là hơi khó. Số TS đến dự thi vẫn ổn định, chỉ tăng 1% so với năm trước. Do đó mức điểm chuẩn được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ vẫn giữ ổn định như năm 2008, chứ không cao hơn. Ông Bùi Ngọc Sơn – Giám đốc cơ sở 2 Đại học Ngoại thương, cho biết: năm nay trường ĐH Ngoại thương có số TS đến dự thi tương đương năm trước. Chất lượng của đề thi tốt hơn năm trước, đảm bảo phân loại được TS. Vì vậy, mức điểm chuẩn của trường năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm trước. Có thể mức điểm chuẩn sẽ thấp hơn từ  0,5-1 điểm do tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng hơn năm trước (khoảng 300 TS). Năm trước, điểm chuẩn khối A của ĐH Ngoại thương là 26,5 điểm.
Ông Phạm Đức Vọng – Phó phòng Đào tạo Viện ĐH Mở Hà Nội cũng dự báo mức điểm chuẩn năm nay của trường cũng ổn định như năm trước. Ông Vọng cho biết, dù đề thi có khó hơn nhưng năm nay Viện ĐH Mở có rất đông TS đăng ký dự thi, trong đó số TS của Hà Nội chiếm tới 40% (15.000 trong tổng số 37.853 TS). Vì vậy, điểm chuẩn vào trường sẽ vẫn ổn định khoảng 15-19 điểm, tùy từng ngành. Trong đó, ngành Tài chính – Ngân hàng dự báo điểm chuẩn sẽ cao hơn do số TS đăng ký vào ngành này tăng tới 60% so với năm trước.
Vui buồn sau đợt thi – Ảnh: Nhựt Quang, Đ.N.T 
* “So với đề thi khối A năm 2008, đề Toán khối A năm nay chỉ có phần riêng của chương trình nâng cao và chương trình chuẩn (3 điểm) dễ, còn hầu hết các câu còn lại ở phần chung đều có mức độ khó mà một học sinh trung bình không dễ gì làm được. Môn Lý có nhiều câu đòi hỏi thí sinh cần có nhận định, tư duy tốt nên cũng khó có điểm cao. Môn Hóa vừa kết thúc đợt thi tuy không thật khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tính toán và suy luận nhanh đối với môn thi trắc nghiệm nên cũng gây khó khăn cho các học sinh học lực trung bình – vốn chiếm tỷ lệ rất đông trong đợt thi dành cho khối A. Tôi dự đoán điểm sàn khối A vẫn như năm ngoái là 13 điểm”. (TS NGUYỄN KIM QUANG – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên, TP.HCM)
* “Đề Toán và đề Hóa năm nay khó hơn nhiều so với đề năm ngoái, trong lúc đề Lý tuy có nhiều thí sinh phấn khởi sau khi thi xong nhưng cũng không dễ có điểm cao. Với mức độ đề ra như năm nay, điểm sàn cũng không thể cao hơn điểm sàn năm ngoái. Tôi dự đoán điểm sàn khối A vẫn khoảng 13 điểm”. (TS NGUYỄN TIẾN DŨNG – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Nhựt Quang (ghi)
* Giúp 10.000 thí sinh có chỗ trọ miễn phí, giá rẻ
Trong ngày thi thứ hai, tại Đà Nẵng có 239 TS bỏ thi. Phần lớn do TS không làm tốt bài thi môn Toán. Theo tin từ Thành Đoàn Đà Nẵng, ở đợt thi đầu tiên, đã có 11.000 TS được chương trình Tiếp sức mùa thi giúp đỡ tư vấn; giới thiệu cho TS gần 10.000 chỗ trọ miễn phí và giá rẻ.
Cũng tại Đà Nẵng, để hỗ trợ cho TS đi thi, chùa Phật Tông Tự (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã hỗ trợ 60 suất ăn miễn phí (10.000đ/suất) cho những TS có hoàn cảnh khó khăn ở xa đến thi. Ngoài ra, chùa còn mở cửa đón 50 TS đến ở miễn phí. _Diệu Hiền
* Đi muộn, một cán bộ coi thi bị đình chỉ
Sáng 5.7, trong buổi thi môn Hóa, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Đà Lạt đã quyết định đình chỉ công tác đối với một cán bộ coi thi (cũng sẽ đình chỉ coi thi trong đợt 2 đối với cán bộ này) vì đến trễ 20 phút so với thời gian làm bài thi. Cán bộ coi thi bị kỷ luật này là giảng viên trường ĐH Đà Lạt, coi thi tại điểm thi số 4 của Hội đồng thi ĐH Đà Lạt._Gia Bình
* Ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi
Kết thúc đợt 1, khu vực ĐBSCL có 14 TS bị kỷ luật; 3 cán bộ coi thi chịu mức khiển trách vì đã ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi, quên yêu cầu TS ký vào danh sách nộp bài; 2 TS ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Toàn khu vực không có trường hợp nào liên quan đến cúm A/H1N1. Ở buổi thi cuối, khu vực nội ô Cần Thơ các trường ĐH, CĐ, TCCN, trung tâm luyện thi ĐH đã cử người đến nhiều hội đồng thi tại thành phố Cần Thơ phân phát tờ rơi vô tội vạ. Đường phố sau đó thêm nhiều rác._Q.M.Nhật
* Cuối giờ mới biết mình… bỏ thi
Tại Hội đồng thi trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đến cuối buổi thi môn Hóa, nhiều TS mới biết mình đã bỏ thi. Nguyên do trong giấy báo dự thi do trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phát cho các thí sinh không ghi rõ ngày 5.7 thi môn Hóa vào buổi sáng hay chiều. TS Nguyễn Vũ Thiên Di cho biết: “Giấy báo thi có ghi rõ sáng 4.7 thi Toán, chiều 4.7 thi Lý. Còn ngày 5.7 thi Hóa thì không ghi sáng hay chiều nên tụi em nghĩ là… buổi chiều”. Tuy nhiên, ông Tạ Xuân Tề – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng: "Cuối mỗi buổi thi các giám thị đều nhắc nhở ngày, giờ của môn thi tiếp theo nên không có lý gì các TS đổ lỗi cho nhà trường". Theo ông Tề, ở môn Hóa, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có 83 TS bỏ thi._Phi Loan
Vũ Thơ (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)