Hôm nay (17.9), Bộ GD-ĐT sẽ họp để đề xuất mức điểm sàn cho khối ngành sức khỏe và sư phạm. Theo dự đoán của các chuyên gia, điểm sàn khối ngành sức khỏe sẽ cao hơn năm ngoái ít nhất khoảng 2-3 điểm.
Sinh viên ngành y thực tập tại bệnh viện. ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, do phổ điểm các tổ hợp toán – lý – hóa, toán – hóa – sinh năm nay đều cao hơn năm ngoái, nên điểm sàn khối ngành sức khỏe sẽ có sự chuyển dịch tương ứng.
Cụ thể cao hơn bao nhiêu thì hội đồng tư vấn sẽ phải căn cứ vào các dữ liệu Bộ GD-ĐT cung cấp, chẳng hạn như tổng số nguyện vọng đăng ký vào từng ngành; tổng số chỉ tiêu của từng ngành trên phạm vi toàn quốc; số thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở các khoảng điểm cụ thể…
“Vì yêu cầu về chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe cao hơn các ngành khác, nên Bộ GD-ĐT mới đặt vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tức điểm sàn, với khối ngành này. Vì thế, điểm sàn chỉ có ý nghĩa nếu nó cao hơn mức điểm trung bình mà thí sinh năm nay đạt được”, GS Tú nhận định.
Năm 2019, điểm sàn các ngành y khoa và răng hàm mặt là 21; các ngành y học cổ truyền, dược 20; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đều 18 điểm. Tổng số thí sinh từ 24 điểm/3 môn (khối B) trở lên có 3.710 em.
Năm nay, tổng số thí sinh từ 24 điểm/3 môn (khối B) trở lên là 23.912 ; từ 27 điểm trở lên là 4.367. Như vậy, xét về nguồn tuyển, mức từ 27 điểm trở lên của năm nay còn nhiều hơn mức từ 24 điểm trở lên của năm ngoái.
|
PGS Phạm Dương Châu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, tuy cùng quan điểm trên nhưng cho rằng, Bộ GD-ĐT không cần phải tính toán quá chi tiết. Chẳng hạn, với các ngành bác sĩ đa khoa, Bộ chỉ cần đặt ra yêu cầu về học lực là đạt mức từ khá (với các môn trong tổ hợp tuyển sinh) trở lên là được. Ngành dược hoặc các ngành cử nhân thì yêu cầu mức độ thấp dần. Với độ dễ của đề thi năm nay, thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở lên có thể được xem là khá, và nên lấy mức này làm điểm sàn cho các ngành bác sĩ; với ngành điều dưỡng, chỉ cần yêu cầu điểm sàn là 21. “Yếu tố quan trọng là sự yêu thích đối với nghề của thí sinh. Hiện nay, các trường đều đào tạo theo tín chỉ, nên đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên trong quá trình đào tạo, vì chỉ sau khi các em tích lũy được đủ số lượng tín chỉ thì mới được tốt nghiệp”, PGS Châu nói.
Theo PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng, với các trường công lập, điểm sàn khối ngành sức khỏe là bao nhiêu cũng không mấy ảnh hưởng tới hoạt động tuyển sinh. “Một trong những nguyên tắc khi xét để đề xuất mức điểm sàn là hội đồng tư vấn sẽ phải nghĩ đến lợi ích của các trường ngoài công lập, phải đảm bảo nguồn tuyển cho các trường này. Với các trường công lập, do chỉ tiêu tuyển sinh ít nên điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT”, PGS Khải cho biết.
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)