Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe, sư phạm mà Bộ GD-ĐT ấn định năm nay cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cơ bản vẫn giữ ổn định như năm trước, là 17-19 điểm với ngành sư phạm; 19-22,5 điểm với ngành sức khỏe.
Sinh viên ngành sức khỏe Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong giờ thực hành
Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2023 đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH và nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ.
Điểm sàn ngành sư phạm 17-19; ngành sức khỏe 19-22,5
Theo quy định, hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe được Bộ GD-ĐT ấn định điểm sàn trong xét tuyển. Từ ngưỡng này, các trường ĐH đưa ra mức điểm sàn phù hợp để xét tuyển, có thể bằng hoặc cao hơn. Các nhóm ngành còn lại, điểm sàn do các trường ĐH tự xác định ở mức phù hợp.
Cụ thể, đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngưỡng sàn xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH được bộ ấn định là 19 điểm. Riêng các ngành giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật có ngưỡng sàn là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Ngưỡng sàn xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng sàn ngành y khoa và răng – hàm – mặt được bộ quy định là 22,5 điểm; ngành dược học và y học cổ truyền là 21 điểm; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật phục hình răng là 19 điểm.
Như vậy, có thể thấy, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hai nhóm ngành sức khỏe và sư phạm mà Bộ GD-ĐT ấn định năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm trước.
Có trường lấy điểm sàn sư phạm cao hơn ngưỡng của bộ
Dựa trên ngưỡng sàn xét tuyển đối với nhóm ngành sư phạm và khoa học sức khỏe mà Bộ GD-ĐT công bố, nhiều trường ĐH ngay sau đó đã ấn định điểm sàn xét tuyển cho năm nay. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm sàn nhiều ngành ở mức 23, cao hơn 4 điểm so với mức sàn của Bộ GD-ĐT quy định, gồm: Sư phạm toán, sư phạm vật lý, sư phạm hóa, sư phạm ngữ văn, sư phạm tiếng Anh. Hai ngành sư phạm lịch sử và sư phạm địa lý cùng có điểm sàn 22. Mức sàn này cũng áp dụng chung cho hai ngành thuộc hệ ngoài sư phạm tại trường là ngôn ngữ Trung Quốc và ngôn ngữ Nhật. Một số ngành mới có điểm sàn thấp hơn như sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử – địa lý cùng 21 điểm, cao hơn ngưỡng bộ quy định 2 điểm. Mức điểm sàn 19 áp dụng cho các ngành: Sư phạm tiếng Nga, sư phạm tiếng Pháp, sư phạm công nghệ, giáo dục thể chất, giáo dục học. Các ngành sư phạm tin học, quản lý giáo dục, giáo dục mầm non, giáo dục đặc biệt… có điểm sàn là 20.
Trường ĐH Mở TP.HCM lấy điểm sàn từ 16-22 Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, hai ngành quản lý xây dựng và công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng có điểm sàn thấp nhất Trường ĐH Mở TP.HCM. Hầu hết các ngành có mức điểm sàn 20. Điểm sàn cao nhất là 22, áp dụng cho các ngành: Marketing, kinh doanh quốc tế, quản trị nhân lực… Một số ngành còn lại lấy mức sàn 17 và 18 như: Quản lý công, công nghệ thực phẩm, công tác xã hội… |
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì ấn định mức điểm sàn là 19 cho 2 ngành sư phạm tiếng Anh và sư phạm công nghệ vào trường. Tại phía Bắc, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) ấn định chung mức điểm sàn là 20 cho tất cả các ngành sư phạm vào trường, cao hơn ngưỡng sàn của bộ 1 điểm, gồm: Sư phạm toán, sư phạm vật lý, sư phạm hóa, sư phạm sinh, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm văn, sư phạm lịch sử, sư phạm lịch sử – địa lý, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học…
Khối sức khỏe, ngành y khoa có điểm sàn cao nhất
Ở khối sức khỏe, khá nhiều trường lấy điểm sàn ngang bằng ngưỡng Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, điểm sàn chỉ là ngưỡng thí sinh cần đáp ứng để đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, thực tế điểm trúng tuyển có thể bằng hoặc thường cao hơn rất nhiều, nhất là đối với những ngành thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh như y khoa.
Trường ĐH Văn Lang áp dụng mức điểm sàn 22,5 cho các ngành răng – hàm – mặt và ngành y khoa; ngành dược học là 21 điểm; ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học là 19 điểm. Ngoài nhóm ngành sức khỏe, các ngành còn lại tại trường có ngưỡng sàn xét tuyển từ 16 trở lên.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành y khoa có mức điểm sàn cao nhất, 23 điểm, cao hơn ngưỡng sàn của bộ 0,5 điểm. Các ngành còn lại lấy bằng mức sàn bộ quy định, trong đó, ngành dược học có điểm sàn 21 và các ngành y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng có sàn là 19 điểm. Ngành giáo dục mầm non, mức điểm sàn cũng là 19.
Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức điểm sàn đối với các ngành khoa học sức khỏe dao động từ 19-22,5. Ngành y đa khoa và răng – hàm – mặt lấy điểm sàn cao nhất với 22,5 điểm. Các ngành y học cổ truyền, dược học có điểm sàn là 21. Mức điểm sàn 19 dành cho những ngành: Kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng – hộ sinh, kỹ thuật phục hồi chức năng. Ngoài ra, tại trường, tất cả các ngành thuộc khối kinh tế – quản trị, ngôn ngữ và văn hóa quốc tế, khoa học xã hội, công nghệ – kỹ thuật sẽ lấy mức điểm sàn là 15.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thì áp dụng mức điểm sàn bằng ngưỡng Bộ GD-ĐT quy định, trong đó, ngành y khoa và răng – hàm – mặt là 22,5 điểm; ngành y học cổ truyền và dược học cùng 21 điểm; các ngành y học dự phòng, điều dưỡng, hộ sinh… cùng 19 điểm.
Đại diện các trường ĐH lưu ý, các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nên thí sinh dự tuyển phương thức nào cũng đều phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT để ra được kết quả chính thức.
Việt Ngân
Bình luận (0)