Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Điểm sàn phân hóa theo thương hiệu và ngành hot

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi các Sở GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học bắt đầu công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Mức điểm sàn này cũng phân hóa theo thương hiệu và ngành “hot” của các trường.
Sinh viên nhập học năm 2020 tại ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: Diệp An
Sinh viên nhập học năm 2020 tại ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: Diệp An

Điểm sàn đối với phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Ngoại thương tại cơ sở Hà Nội, cơ sở TPHCM là 23,8/tổ hợp xét tuyển, tại cơ sở Quảng Ninh là 20 điểm. Mức điểm này cao hơn gần 1 điểm so với năm 2020. Điểm sàn nhận hồ sơ của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 20 điểm/tổ hợp xét tuyển, tương đương năm 2020.

Mức điểm chuẩn của Trường ĐH Ngoại thương năm 2020 cao hơn điểm sàn từ 4-5 điểm, còn điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cao hơn từ 4,5-8 điểm.

Hiện kỷ lục điểm sàn thuộc về Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trong 101 ngành, chương trình đào tạo trình độ ĐH, đa số các ngành đều tăng 0,5 điểm so với năm ngoái. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều ngành, chương trình đào tạo nhân tài của trường lên đến 26 điểm, gồm: công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật ô tô, robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa… Các ngành học còn lại có điểm sàn từ 19-24. Các trường đào tạo kinh tế khác cũng có điểm sàn khá cao, như Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội – 23 điểm, Học viện Ngân hàng – 21 điểm.

Trong khi đó, một số trường ĐH địa phương hoặc trường ĐH chuyên ngành đặc thù, có điểm sàn chưa đến 5 điểm/môn. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH hệ chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tại trụ sở chính Hà Nội của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội là từ 14,5-23 điểm. Mức điểm này chưa tính điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Điểm sàn của Trường ĐH Tân Trào từ 15-20 điểm.

Thí sinh vùng phong tỏa được “nợ” giấy chứng nhận tốt nghiệp

Thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển riêng của trường đang hoàn thiện hồ sơ để xác nhận nhập học. Theo kế hoạch ban đầu của Bộ GD&ĐT, các địa phương phải trả giấy chứng nhận tốt nghiệp cho thí sinh trước ngày 2/8.

Anh Nguyễn Tuấn Phương (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con anh đã trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao bằng phương thức riêng của trường. Nhà trường yêu cầu ngày 5/8 phải gửi hồ sơ xác nhận nhập học, nhưng với tình hình Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, phụ huynh không thể đến trường để lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh. Tương tự, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi các trường THPT ở Đà Nẵng tạm dừng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp.

Nhiều trường ĐH đã linh động giải quyết tình huống để bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có thông báo hướng dẫn nhập học số 2 đối với thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2021 theo phương thức tuyển thẳng, tuyển sinh riêng, xét học bạ, đánh giá năng lực.

Theo đó, nếu thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 chưa nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời do bị cách ly, ở trong vùng phong tỏa, giãn cách thì có thể làm giấy cam kết theo mẫu của trường và tải lên trang xác nhận nhập học, gửi cam đoan theo hồ sơ nhập học về trường. Sau này, khi khâu hậu kiểm, thí sinh sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo quyền lợi xét tuyển. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cũng cho thí sinh “nợ” giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT trong khi làm thủ tục nhập học trực tuyến.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)