Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Điểm sàn xét tuyển thi năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM ở mức nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2023, các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dành khoảng 45-50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực. Vậy điểm sàn nhận hồ sơ phương thức này ở các đơn vị ra sao?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường dự kiến mức điểm sàn xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM ở mức 600 (trên tổng điểm toàn bài thi 1.200 điểm). Mức sàn này áp dụng chung cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Năm nay, trường dành từ 10-45% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm 2022, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành của Trường ĐH Quốc tế dao động trong khoảng 630 đến 870 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 870 điểm.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên

Trong đề án tuyến sinh, Hội đồng tuyến sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là không thấp hơn 600 điểm với năm 2023. Năm nay, trường dành từ 45-50% chỉ tiêu mỗi ngành cho phương thức này.

Năm ngoái, ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) của trường này có điểm chuẩn cao nhất với 1.001 điểm. Nhưng một số ngành của trường chỉ lấy ở mức 610 điểm như: hải dương học, địa chất học, khoa học môi trường…

Trường ĐH An Giang

Trường ĐH An Giang cũng công bố điểm sàn phương thức này từ mức 600 điểm trở lên, chưa tính điểm ưu tiên. Năm nay trường dành 45% chỉ tiêu các ngành cho phương thức xét tuyển này.

Năm 2022, tất cả 32 ngành đào tạo của trường đều có mức điểm chuẩn 600.

Trường ĐH Công nghệ thông tin

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này là 700 cho tất cả các ngành.

Năm ngoái, điểm chuẩn ngành cao nhất của trường là trí tuệ nhân tạo 940 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến) cũng lên tới 800 điểm.

Điểm sàn xét bài thi năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM ở mức nào? - Ảnh 2.

Điểm chuẩn phương thức kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Công nghệ thông tin T.HCM năm 2022

Trường ĐH Kinh tế-luật

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế-luật, cũng thông tin: "Năm nay trường không quy định điểm sàn đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 cả 2 đợt thi để đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng vào trường. Tuy nhiên, các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên và thí sinh chỉ được xét đủ điều kiện trúng tuyển 1 ngành".

Năm 2022, điểm chuẩn phương thức này Trường ĐH Kinh tế-luật cao nhất là kinh doanh quốc tế với mức 928 điểm. Năm nay, trường dành 40%-50% tổng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng không công bố mức sàn tối thiểu nhận hồ sơ. Năm nay, trường dành từ 38-50% chỉ tiêu xét tuyển phương thức này.

Năm 2022, điểm chuẩn phương thức này của trường dao động từ 610 đến 900 điểm. Trong đó, truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn cao nhất mức 900 điểm.

Khoa Y

Riêng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến áp dụng tới 2 phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Trong đó, phương thức xét điểm đánh giá năng lực chỉ sử dụng kết quả kỳ thi năm 2023, nhận hồ sơ theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM từ ngày 5.4. Thí sinh đồng thời có học lực giỏi năm lớp 12 (hoặc học lực năm lớp 12 xếp loại khá trở lên nếu đăng ký xét tuyển vào ngành điều dưỡng) hoặc tương đương. Phương thức này áp dụng cho 45% tổng chỉ tiêu của ngành, cụ thể: y khoa 45 chỉ tiêu, dược học 23, răng-hàm-mặt 23, y học cổ truyền 34, điều dưỡng 90.

Trong khi đó, phương thức kết hợp kết quả đánh giá năng lực với kết quả học tập THPT của Khoa Y xét tuyển theo công thức: điểm đánh giá năng lực năm 2023 * 60% + điểm trung bình các môn trong 3 năm lớp 10, 11, 12 theo thang điểm 1.200 * 40%. Chỉ tiêu dự kiến các ngành gồm: y khoa 10 chỉ tiêu, dược học 5, răng-hàm-mặt 5, y học cổ truyền 7, điều dưỡng 20. Khoa Y dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15.5. Thí sinh tham gia xét tuyển phương thức này cũng cần đạt tiêu chí về học lực như trên.

Trường ĐH Bách khoa

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay cũng dành tới 90% chỉ tiêu các ngành cho phương thúc xét tuyển tổng hợp. Phương thức này sẽ xét trên các tiêu chí: học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT); năng lực khác; hoạt động xã hội. Trong đó, tiêu chí học lực chiếm 90% tổng điểm xét tuyển của phương thức này. Thí sinh sẽ đăng ký thông tin trên cổng tuyển sinh của trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, năm đầu tiên công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển tổng hợp, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Bách khoa là ngành khoa học máy tính với 75,99 điểm. Mức điểm này được tính trên công thức: Điểm xét tuyển = [Điểm đánh giá năng lực quy đổi] x 70% + [Điểm thi tốt nghiệp THPT quy đổi] x 20% + [Điểm học tập THPT] x 10%. Trong đó, Điểm đánh giá năng lực quy đổi = [Điểm đánh giá năng lực] x 90/990.

Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre

Phân hiệu này dành 45-50% chỉ tiêu ngành kỹ thuật xây dựng xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, ngưỡng điểm sàn xét tuyển là 600 trở lên, đã cộng điểm ưu tiên.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)