Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm thấp nhưng không đáng lo

Tạp Chí Giáo Dục

Do năm nay “gánh nặng” đã được san sẻ bớt cho cụm thi ĐH nên cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT tổ chức có vẻ nhàn hơn. Qua mấy ngày chấm thi, điểm tại cụm thi địa phương không cao do thí sinh khá giỏi đã đăng ký thi tại cụm ĐH, nhưng các sở GD-ĐT đều cho rằng đó là chuyện bình thường.

Biết trước nhưng vẫn buồn

Một giáo viên nữ chấm tại cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cho biết, trong tổng số hơn 70 bài thi ngữ văn được chấm thì có 15% bài đạt 5 điểm trở lên nhưng điểm cao nhất chỉ 6,75. Còn lại, đa số là điểm 3-4. Điểm thấp nhất là 1,25. Tuy không có thí sinh để giấy trắng nhưng chất lượng các bài làm không cao. Giáo viên này cho biết dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn cảm thấy buồn. Chị cho biết thêm, ở câu 3 (phần nghị luận văn học) có thí sinh nhầm tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Chính vì vậy, thí sinh chỉ tập trung phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt.

Tại tỉnh Hòa Bình, trong những ngày chấm thi vừa qua, đã có nhiều bài đạt 7-8 điểm nhưng là ở môn địa lý. Còn môn toán, phổ điểm chủ yếu ở 4-5.

Các giám khảo đang chấm thi

Đa số các sở GD-ĐT khu vực phía Bắc đều cho biết điểm thi tại cụm địa phương chỉ ở mức trung bình, thậm chí là trung bình yếu và kém. Đã có điểm liệt ở các môn. Tuy nhiên, nhận định của các sở cho thấy đây là điều bình thường. Vì “lớp váng” khá giỏi đã dự thi tại các cụm thi ĐH. Chỉ những thí sinh xác định được lực học của mình, mục đích chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT và đi học nghề thì thi tại cụm địa phương. Chính vì vậy, chuyện không có điểm 9-10 là không có gì lạ. 

Yên tâm về sự công bằng

Theo nhiều giáo viên chấm thi môn ngữ văn tại Hà Nội, qua các bài thi đã chấm không có bài làm giống nhau và cũng không có tình trạng chép văn mẫu. Điều đó cho thấy công tác coi thi ở cụm sở GD-ĐT nghiêm túc. Đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết sở quán triệt đến giáo viên chấm thi phải làm việc nghiêm túc, công bằng, khách quan. Năm nay, nhiều giáo viên THPT lần đầu tiên chấm thi theo kiểu tích điểm vào phiếu chấm, không chấm vào bài thi nên lúc đầu còn bỡ ngỡ. Điểm chấm không làm tròn đến 0,25, chấm 2 vòng độc lập, nếu 2 vòng chấm vênh nhau, sẽ đối thoại và giám khảo thứ ba chấm lại. Như vậy, công tác chấm thi nghiêm túc và không có chuyện nâng điểm thí sinh. Một phó trưởng ban chấm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, lần đầu tiên chấm bằng hình thức mỗi bài thi một phiếu tích điểm, trong đó đáp án chi tiết đến từng 0,25 nên nhiều giáo viên do thói quen đã không chú ý chỉ cho tổng điểm mà không tính theo từng ý đã được thể hiện trong phiếu chấm điểm. Sau khi kiểm tra thấy sai sót này, chúng tôi đã nhắc nhở và yêu cầu giám khảo thực hiện đúng theo quy định của phiếu chấm điểm.

Trước câu hỏi “liệu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay có thấp hơn so với mọi năm”, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cho rằng sẽ không thấp hơn. Nguyên nhân là do năm nay, điểm liệt được quy định là điểm 1. Trong khi đó, điểm không được làm tròn đến 0,25. Do đó, thí sinh làm được 1,25 là thoát điểm “chết”. Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 2 yếu tố: 50% điểm thi 4 môn theo quy định, 50% là điểm học lực năm lớp 12 và điểm ưu tiên của thí sinh (nếu có).

Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)