Khi tất cả các cụm thi THPT quốc gia 2016 công bố điểm, các thí sinh không còn hồ hởi như những năm trước vì một lẽ điểm thi năm nay không cao.
Theo nhiều giáo viên, việc môn tiếng Anh có phổ điểm thấp là do nội dung đề thi quá khó so với sức học của học sinh. Ảnh: Học sinh một trường THPT ở TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh. Ảnh: Anh Khôi |
Vì đâu nên nỗi khi điểm tất cả các môn thi đều thấp, không có nhiều điểm tối đa như các năm trước? Trong đó môn tiếng Anh là một điển hình của sự biến động đó. Qua thống kê từ các cụm thi, kết quả môn tiếng Anh là thấp nhất trong 8 môn thi. Tại cụm thi do Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì, tổng số thí sinh đạt điểm trên trung bình môn tiếng Anh là 16,64%, không có thí sinh điểm 10; cụm thi do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chủ trì, tỷ lệ là 19,62%. Trong khi đó, cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì, phổ điểm môn tiếng Anh phổ biến là 2 đến 3… Sở dĩ môn tiếng Anh có phổ điểm thấp bất thường không phải môn này là môn thi bắt buộc mà do một số “quá tải” trong đề và công tác thi dành cho bộ môn đặc thù này!
Trắc nghiệm… hay đánh đố thí sinh?
Khoan bàn đến sự “bất cập kép” của “2 trong 1” ở môn tiếng Anh: vừa là môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ; vừa là môn thi trắc nghiệm cũng là môn thi tự luận! Phần trắc nghiệm gồm 64 câu (và phần viết đoạn văn 140 từ) trong thời gian làm bài 90 phút thì phần thi trắc nghiệm thời gian không quá 1 phút cho mỗi lựa chọn; trong đó có những lựa chọn đòi hỏi kỹ năng đọc tổng hợp và phân tích từ 2 đoạn văn có độ dài mỗi đoạn hơn nửa trang A4 làm cho thí sinh trở nên quá tải dù có kiến thức khá về môn học này ở bậc học phổ thông! Nếu mục tiêu đặt ra cho kỳ thi THPT quốc gia là trắc nghiệm kiến thức học sinh thì phần trắc nghiệm năm nay đã hoàn toàn thất bại vì không đánh giá được đối tượng học sinh trung bình – khá, lượng thí sinh chiếm đa số trong kỳ thi. Trong mã đề thi 259 bài đọc từ câu 45 đến câu 54 được trích từ phần 5B, Unit 5 Storms (Reading Explorer 2, Student book của tác giả Paul Maclntyre do HEINLE Cengage Learning xuất bản năm 2009, tái bản năm 2015). Sách Reading Explorer 2 thường được dùng cho môn đọc trong các chương trình đào tạo ngôn ngữ Anh cho sinh viên ĐH với mục tiêu đề ra trong sách là dạy cho sinh viên suy nghĩ và đọc một cách có phê bình, đánh giá để khích lệ cho thế hệ công dân toàn cầu (“teaches learners to think and read critically to encourage a generation of informed global citizens”). Việc trích dẫn một đoạn văn hơi quá tầm hiểu biết của học sinh THPT cộng với việc cắt các từ vựng cho trước so với tài liệu ban đầu là trở ngại không nhỏ cho việc đọc hiểu của các em. Toàn bộ đoạn văn trích trên được trình bày và minh họa từ trang 71 đến trang 73 trong tài liệu Reading Explorer 2. Trong đó, trang 70 dùng để chú thích từ vựng và trang 71 có giải thích hai từ water vapor (hơi nước) và condense (ngưng tụ) nhưng trong đề thi không chú thích cho thí sinh các từ khóa này. Do đó, việc lựa chọn của các em dù may mắn “đúng” thì cũng vô tình không phân hóa, đánh giá được học sinh ở phần này do việc đọc hiểu của các em cảm tính.
Khoảng 70% thí sinh đạt dưới 4 điểm môn tiếng Anh Theo phổ điểm thi môn tiếng Anh Bộ GD-ĐT vừa công bố, trong số 472.000 thí sinh dự thi môn này tại 70 cụm do các trường ĐH chủ trì, có trên 300.000 em đạt điểm từ 3,8 trở xuống, chiếm khoảng 70%. Trong đó, số điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 2,4 (khoảng 56.000 thí sinh), chiếm 12% tổng số thí sinh dự thi. Trong khi đó, điểm trung bình của nhóm thí sinh này đạt được là 3,48. |
Bài đọc thứ hai được trích từ U.S NEWS xuất bản ngày 21-6-2011 được chỉnh sửa lại và đưa vào đề thi (mã đề 259 từ câu 55 đến câu 64). Bài đọc gốc có 822 từ (không tính chủ đề, tên tác giả), đoạn trích trong đề gần 500 từ bàn về một chủ đề cũng khá mới mẻ với học sinh: nông nghiệp đô thị (urban agriculture) với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững (promoting sustainable agriculture) qua bài báo cáo Học sinh tìm hiểu về thực hành nông nghiệp đô thị (Students learn about urban farming practices) của tác giả Marlene Cimons. Đây là bài viết trong dự án SAgE, một phần trong chương trình giáo dục kỹ thuật cao. Việc lựa chọn bài đọc với chủ đề khá mới có thể xem thích hợp cho phân loại xét tuyển ĐH nhưng độ dài văn phong quá khó cho học sinh nên không đánh giá được trong một kỳ thi tích hợp và đại trà như kỳ thi THPT quốc gia. Chưa kể đến bài viết với văn phong báo chí, nhiều phát biểu – trích dẫn, kèm một loạt các tên riêng cũng gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận nội dung đề thi của thí sinh vì cách hành văn báo chí và văn phong báo chí không được thiết kế trong sách giáo khoa. Với việc 20 câu trắc nghiệm phần đọc chiếm 31,25% phần số câu trắc nghiệm có nội dung quá khó dẫn đến thí sinh không làm được bài trong kỳ thi năm nay là điều dễ hiểu!
Đáp án phần viết… bỏ sót câu đúng của thí sinh
Trên Báo Giáo dục TP.HCM (7-4-2016), tôi đã phản ánh Đề thi THPT môn tiếng Anh: Phần viết không cần thiết! phân tích về các hệ lụy của phần viết trong đề thi môn tiếng Anh, lại một lần nữa minh chứng cho câu chuyện… lãng phí nhưng không đánh giá được thí sinh như mục tiêu đề ra cho kỳ thi. Phần hướng dẫn chấm môn tiếng Anh năm 2016 chưa thực sự bao quát hết các khả năng có thể đúng của thí sinh cho phần viết lại câu hoặc mở rộng đáp án để công nhận điểm đúng cho thí sinh. Chính vì vậy, có những em làm được phần viết nhưng điểm lại không cao là do cách hướng dẫn chấm còn chưa mở rộng. Ví dụ như sự đồng nghĩa của một số từ với từ như take và follow (câu 1 phần B); attended và participated (câu 3, phần B), ill và sick (câu 4, phần B), good và well-known (câu 5, phần B) không đưa ra trong đáp án chấm nhưng các em có thể viết trong bài, phần nào làm cho bài viết của các em có ý đúng nhưng không được tính điểm.
Thiết nghĩ đã đến lúc nên giao cho bộ phận chuyên môn đánh giá lại mức độ khó của đề thi để có sự điều chỉnh lại thang điểm và đánh giá cho từng phần nếu xét thấy cần thiết để đảm bảo các em thí sinh không bị mất quyền lợi!
ThS. Trần Tín Nghị
Bình luận (0)