Thấp bất thường, vì sao?
Trong khi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước có điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao thì tại một số tỉnh ở ĐBSCL lại thấp, nhất là môn văn.
Thí sinh Cần Thơ sau buổi thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009. Năm nay điểm thi môn văn của Cần Thơ cũng thấp hơn năm trước -Ảnh: M.GIẢNG
|
Kết quả tốt nghiệp năm 2009 tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL giảm mạnh so với năm trước. Trong đó, điểm thi hai môn văn và địa lý quá thấp là nguyên nhân kéo tỉ lệ tốt nghiệp chung xuống.
Thậm chí hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại kết quả môn văn tại hai địa phương này. Trong lúc chờ Bộ GD-ĐT vào làm việc, hai tỉnh này tạm thời chưa công bố kết quả tốt nghiệp.
Phú Yên: hai môn ngữ văn và địa lý chỉ đạt 39%
Theo giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên Trần Văn Chương, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có hai môn thi là ngữ văn và địa lý chỉ có 39% thí sinh toàn tỉnh làm bài đạt điểm trung bình trở lên. Đó là hai môn đạt thấp nhất, trong khi so với mọi năm thì tỉ lệ thí sinh làm bài thi các môn đó đều đạt từ 70% trở lên.
Theo ông Ngô Ngọc Thư – phó Phòng THPT phụ trách môn văn của Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, đối với môn văn và các môn xã hội nói chung thường có điểm “sai số” lớn (2 điểm). Trong khi đó nội dung, ý tưởng khi diễn đạt làm bài thi của học sinh có phần dễ uyển chuyển, sáng tạo nhiều hơn so với các môn khoa học khác.
Vì vậy, nếu khi chấm mà chỉ căn cứ một cách nghiêm ngặt theo đáp án, không ghi nhận sự uyển chuyển, sáng tạo đó của thí sinh, không tính điểm cho những chỗ trúng ý nhưng chưa trúng cả câu theo đáp án cũng sẽ thiệt thòi cho thí sinh.
P.S.N.
|
Ông Lữ Văn Nhựt – giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – quả quyết: kết quả môn văn như vậy là bất thường. Ông Nhựt cho biết năm rồi tỉ lệ điểm thi môn văn từ 5 điểm trở lên là 75% nhưng năm nay chỉ chưa được 25%, giảm hơn 50%. Theo ông Nhựt, do sinh hoạt cán bộ chấm thi về đáp án của bộ không thống nhất giữa tỉnh này với tỉnh kia nên việc chấm điểm có sự chênh lệch. Một đề văn nhưng mỗi học sinh có cách làm khác nhau. Đáp án qui định làm thế này được 1 điểm, làm thế kia được 2 điểm nhưng lại không có sự thống nhất về cái “thế này, thế kia” giữa các địa phương nên kết quả chênh lệch nhiều. Nhất là môn văn đòi hỏi sự sáng tạo nên không thể quá cứng nhắc.
Trong khi đó, tại Đồng Tháp tỉ lệ đạt điểm trung bình từ 5 điểm trở lên của môn văn cũng thấp bất ngờ: 21,8%, trong khi năm 2008 tỉ lệ này là 71,9%. Ông Nguyễn Hoàng Nhi – giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng nếu so với mặt bằng chung các địa phương trong khu vực thì tỉ lệ này cách quá xa, các địa phương khác gần 70%. Tỉ lệ chênh lệch như vậy là bất thường. Có thể học sinh Đồng Tháp học dở đi chăng nữa thì mức chênh lệch cũng trên dưới 10%.
Một giáo viên tham gia chấm thi tại Đồng Tháp cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do hướng dẫn đáp án chấm thi của hội đồng chấm thi. Môn văn đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo, có thể học sinh làm không đúng hoàn toàn với đáp án nhưng có ý thì vẫn cho điểm, không nhất thiết cứ phải chính xác theo đáp án mới được điểm. Tất nhiên không thể chấm sai đáp án, nhưng nếu vận dụng máy móc thì học sinh sẽ chịu thiệt thòi không đáng có.
An Giang cũng là địa phương bị “gãy” môn văn khi chỉ có 40% TS đạt từ 5 điểm trở lên. Năm 2008 tỉ lệ này trên 80%. Ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc Sở GD-ĐT An Giang – cũng cho rằng tỉ lệ như vậy là bất thường. Trong khi các môn khác đều có tỉ lệ trên 70% thì môn văn lại thấp khác thường. Đây là kết quả thấp nhất từ trước đến giờ tại An Giang.
Lượng thí sinh thiếu từ 0,5-1 điểm rất nhiều. Để đảm bảo công bằng và tránh khiếu nại, ông Bình đề xuất nên chấm thi theo khu vực. Chẳng hạn ĐBSCL sẽ chấm thi chung, bài thi sẽ trộn lẫn với nhau. Mỗi địa phương sẽ cử giáo viên tham gia chấm thi. Cán bộ chấm thi sẽ được sinh hoạt chung về đáp án. Những địa phương có đủ điều kiện sẽ được đặt hội đồng chấm thi một môn. Như vậy kết quả sẽ khách quan và công bằng hơn.
Những địa phương khác tỉ lệ điểm trung bình môn văn giảm nhưng không đột biến. Ông Trần Ngọc Minh – trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Trà Vinh – chia sẻ: “Quan điểm chấm của tỉnh là tương đối linh động. Không chấm sai đáp án nhưng thoáng, không cứng nhắc. Chúng tôi không phân biệt đó là học sinh tỉnh nào, học sinh ở đâu cũng là học sinh của mình thôi”. Ngoài môn văn, kết quả môn địa lý tại một số địa phương như Cà Mau, Hậu Giang cũng tương đối thấp, chỉ trên 40%.
MINH GIẢNG (TTO)
Sẽ kiểm tra làm rõ nguyên nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa (ảnh), phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết:
– Ngay bây giờ chúng tôi chưa thể trả lời cụ thể vì sao tỉ lệ đạt môn văn của một số tỉnh lại thấp bất thường. Vì có thể có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bất thường đó. Chúng tôi sẽ phải làm công việc của trọng tài là tìm hiểu, xác định rõ nguyên nhân ở đâu, do công tác chấm thi hay do trình độ thí sinh không đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Nếu có sai sót thì sai ở khâu nào? Tìm ra nguyên nhân, chúng tôi sẽ có biện pháp khắc phục ngay.
* Có nhiều ý kiến cho rằng đáp án môn văn quá chi tiết, nếu vận dụng cứng nhắc có thể sẽ khiến thí sinh bị thiệt thòi. Trong khi đó, đề văn năm nay được đánh giá hay nhưng cách hỏi quá mới đối với thí sinh, đòi hỏi cao hơn. Theo ông, đó có phải là những nguyên nhân khiến điểm văn thấp?
– Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, nhất là khi thực hiện chấm chéo, chúng tôi đã đưa ra đáp án rất chi tiết, chia nhỏ đến 0,25 điểm. Nhưng chi tiết không có nghĩa là bỏ qua sự sáng tạo của thí sinh. Hướng dẫn chấm thi đã nêu: để đạt điểm tối đa thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đủ ý, diễn đạt rõ ràng (đánh giá cả nội dung kiến thức và kỹ năng).
Trong hướng dẫn chấm cũng nói rõ: giám khảo cần vận dụng linh hoạt đáp án, thang điểm, đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, gây thiệt thòi cho thí sinh, nhất là với môn đặc thù là môn văn. Vì thế nói đáp án có vấn đề khiến điểm văn thấp là không có cơ sở.
* Kết quả tốt nghiệp năm nay có sự biến động lớn ở nhiều tỉnh, thành phố. Có tỉnh tăng mạnh trong khi có tỉnh giảm. Giữa các môn thi cũng có sự khác biệt về mặt bằng điểm khá lớn. Nhận xét của ông thế nào về việc này? Tại sao có những địa phương chậm trễ công bố kết quả thi đúng thời hạn quy định?
– Đến thời điểm này, ngoài một số nơi đề nghị hoãn công bố do nghi ngờ về kết quả chấm, những nơi khác đều đã hoàn tất việc ghép điểm và công bố kết quả thi, cung cấp điểm thi đến từng thí sinh. Đây là năm đầu tiên thực hiện chấm chéo nên có một số nơi hoàn thành chậm, nhưng không quá muộn so với quy định.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần phải tập hợp đầy đủ số liệu trên cả nước thì mới xem xét, phân tích chính xác tình hình. Hiện tại chưa thể nói gì cụ thể. Mặc dù vậy, chúng tôi không loại trừ việc có thể sẽ chấm thẩm định nếu phát hiện có vấn đề bất thường.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
|
Bình luận (0)