Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Điểm thi môn văn tại ĐBSCL bất thường: Đáp án quá chi li

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 21-6, nhiều ý kiến tiếp tục lên tiếng về điểm thi môn văn thấp bất thường tại một số tỉnh ĐBSCL…
Thí sinh trao đổi sau khi thi tốt nghiệp THPT 2009 -Ảnh: M.G.
Thầy Nguyễn Công Hoan (giáo viên văn Trường THPT Tân Hiệp, Kiên Giang):
Học sinh yếu nhưng không đến nỗi tệ
Tham gia chấm thi cho học sinh Vĩnh Long, tôi phải thừa nhận bài làm của các em khá tốt. Kiến thức và kỹ năng cơ bản của các em tương đối đồng đều, trình bày rõ ràng, sạch sẽ. Riêng về học sinh Kiên Giang tuy có yếu hơn nhưng cũng tương đương các địa phương khác như Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng. Tuy nhiên kết quả ở những địa phương này khá cao trong khi Kiên Giang lại quá thấp. Nói thật, học sinh Kiên Giang không đến nỗi quá tệ như vậy.
Riêng tại Trường THPT Tân Hiệp, em giỏi văn nhất mà tôi dạy được 7 điểm văn. Những em khác có kết quả khá thấp. Đứng trên phương diện người giáo viên từng dạy và ra đề cho các em, nếu đối chiếu với đề thi và kết quả tốt nghiệp tôi thấy như vậy là chênh lệch quá nhiều. Thường các em mắc lỗi về diễn đạt chưa trong sáng, lan man và lỗi chính tả, nhưng tôi cho rằng 50% các em đủ sức có 5 điểm với đề thi vừa rồi.
Về chấm thi, cơ bản là theo đáp án. Tuy nhiên chúng tôi cũng đặt ra các tình huống và giải quyết theo hướng có lợi cho thí sinh chứ không phải theo từng câu chữ. Chẳng hạn câu 2, viết một bài văn về việc đọc sách khoảng 400 chữ. Nhiều em không viết thành bài mà chỉ là những đoạn. Tuy nhiên nếu có ý, rõ ràng thì vẫn cho điểm. Nếu khắt khe các em sẽ không được điểm vì đó không phải là bài văn như yêu cầu.
Tôi nghĩ việc điểm thi chênh lệch quá xa như vậy không phải do trình độ học sinh quá cách biệt mà là do cách vận dụng đáp án khi chấm. Do vậy, nếu năm sau còn áp dụng hình thức này, trước khi chấm nên có một cuộc họp các chuyên viên sở để sinh hoạt về đáp án và hướng dẫn chấm. Như vậy các em sẽ đỡ thiệt thòi và công bằng hơn.
TS Nguyễn Thị Hồng Nam (trưởng khoa sư phạm Trường ĐH Cần Thơ):
Không chỉ quy cho đáp án
Giám khảo là “đáp án mềm”
Qua thực tế chấm bài, có một số giám khảo “so chữ” với đáp án một cách máy móc. Họ quên rằng bản thân giám khảo đã là một “đáp án mềm” so với phần cứng của yêu cầu.
Hơn nữa, đánh giá văn chương là “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (Hoài Thanh). Mỗi người sở hữu một tâm hồn, một hoàn cảnh và những trải nghiệm không giống nhau…
Thế nên thí sinh sẽ có nhiều hướng đi khác nhau, nhiều phương tiện khác nhau nhưng có cùng đích đến hợp lý thì chúng ta cần ghi nhận.
DƯƠNG THU TRANG
 (GV Trường THPT Mạc Đĩnh Chi)
Đáp án môn văn mà chi tiết đến 0,25 là không hợp lý, nó sẽ bó buộc cho cả người chấm và người làm bài. Tỉnh nào chấm gắt hơn thì kết quả sẽ thấp và ngược lại. Với đáp án chi li như vậy, người chấm phải linh động chấm thoáng hơn một chút.
Tuy nhiên, kết quả môn văn thấp không thể chỉ quy cho đáp án. Tôi hơi bất ngờ về kết quả khả quan ở một vài địa phương bởi tôi nghĩ kết quả sẽ thấp hơn. Sở dĩ tôi nói như vậy bởi việc dạy và học văn trong nhà trường đang có những vấn đề bất cập từ cách dạy, kiểm tra và đánh giá.
Đề thi tốt nghiệp năm nay có một câu nghị luận xã hội. Lâu nay cả thầy và trò đều quen với kiểu nghị luận văn học. Mà nghị luận văn học thì văn mẫu tràn lan. Học sinh chỉ cần đọc rồi ghi chép lại, hoàn toàn không có chính kiến hay sáng tạo.
Nghị luận xã hội đòi hỏi kiến thức thực tế nhiều hơn, lập luận mang tính chính kiến rõ ràng hơn. Tất nhiên những kiến thức thực tế này cũng khá đơn giản nhưng lâu nay việc dạy và học văn không gắn với thực tế mà đơn thuần chỉ là giáo khoa. Khi gặp đề tài này các em sẽ lúng túng.
Hơn nữa, việc chấm văn lâu nay thường chấm ý. Ý nào có theo đáp án thì cho điểm, ít quan tâm đến cấu trúc toàn bài. Lâu dần việc làm văn của học sinh trở thành việc sao chép theo những ý có sẵn. Một thời gian dài phần nghị luận xã hội đã bị khai tử khỏi các đề thi, kiểm tra môn văn. Cần đưa thể loại này vào trường học nhiều hơn nhằm tăng khả năng tư duy, lập luận của học sinh. Môn văn không chỉ dạy văn mà còn làm nền tảng cho những môn học khác, giáo dục tư duy, đạo đức cho học sinh.
Một thực tế phải thừa nhận là khả năng nắm bắt tác phẩm, diễn đạt của học sinh còn khá yếu. Các em không đọc tác phẩm, không nắm được nội dung chính nên khi làm bài viết lan man, sách mẫu viết sao thì viết ra làm vậy, đôi khi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Chính cách dạy văn trong nhà trường đã tạo ra một lối tư duy chưa tốt cho các em. Ngay từ bậc tiểu học đến cao học, cách học hầu như không thay đổi. Vì vậy tôi cho rằng điểm văn thấp là hệ quả tất yếu của cả quá trình dạy và học một cách máy móc từ trước đến nay.
MINH GIẢNG ghi (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)