Nhìn vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trên cả nước, có thể thấy ngoại ngữ là môn thứ hai có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao, chỉ sau lịch sử. Tại TP.HCM, với 69.411 thí sinh dự thi môn ngoại ngữ thì chỉ có 49,25% đạt điểm trên 5, tức là trên 50% còn lại dưới trung bình. Dù tính trên tổng thể, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn học này.
Các thí sinh xem lại đề ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua. Ảnh: Y.Hoa |
Trong khi đó, lâu nay ngoại ngữ là môn học được đầu tư rất lớn từ nguồn lực giáo viên cho đến phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều giáo viên bộ môn, chính sự chủ quan trong tư duy của học sinh và ngay cả giáo viên; chính sự lệch pha trong phương pháp giảng dạy, trong chương trình SGK và đề thi; sự “khập khiễng” trong mặt bằng học sinh ngoại và nội thành… là nguyên nhân dẫn đến kết quả trên.
Thầy Lý Hồng Danh (GV ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM): Đề quá nặng nề vềngữ pháp và từ vựng
Theo tôi, đề thi ngoại ngữ năm nay so với năm trước là khá hay, có tính phân loại thí sinh cao. Những câu phân loại ở phần đọc hiểu và một số câu ngữ pháp, cụm động từ “hơi lạ” dành cho thí sinh xét ĐH, CĐ; còn những câu khác, kiến thức bám khá sát chương trình SGK. Tuy nhiên, điểm thấp trước hết là do cách chọn khối thi của các em, do mặt bằng học sinh ở các khu vực, các trường khác nhau. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách học tập của học sinh cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả này. Khi phương pháp và xu hướng học của học sinh hiện nay đa phần thiên về giao tiếp nghe nói, còn đề thi lại dường như thuộc về hình thái khác, nặng về ngữ pháp và từ vựng.
Thậm chí, với đề thi này, ngay người bản ngữ còn “choáng váng”. Mình học thì học theo hướng nước ngoài để giao tiếp còn thi lại thiên về đọc, viết. Để thay đổi điểm số là phải thay đổi cách ra đề thi nhằm thích ứng với chiều hướng học tập của học sinh hiện nay hoặc ngược lại, yêu cầu tất cả học sinh phải có bằng quốc tế.
ThS. Đặng Thanh Huân (GV ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM): Học sinh còn xem nhẹ môn học
Đề thi tập trung chủ yếu vào 2 mảng chính ngữ pháp và đọc hiểu. Về từ vựng lại liên quan đến phần đọc hiểu. Phần này trong đề có 20/50 câu (chiếm 40%). Dù chủ đề của các bài đọc hiểu bám sát với chương trình SGK nhưng từ vựng trong các chủ điểm ở SGK lại khá nhẹ nhàng, còn từ vựng trong đề thi lại có cấp độ cao, hoàn toàn mới. Do vậy, đa số thí sinh lại “không thành công” ở phần này. Do các em không nắm được kỹ năng làm bài thi đọc hiểu, do vốn từ vựng yếu và hổng kiến thức nền. Về ngữ pháp, với học sinh ở trung tâm thành phố thì có lẽ tương đối ổn, còn học sinh ngoại thành thì ngữ pháp lại yếu, mất căn bản, gần như các em học chỉ là để đối phó chứ không phải là để hiểu. Việc các trường đầu tư nhiều vào môn ngoại ngữ, tuy nhiên những buổi tập huấn, đổi mới hiện nay ở nhiều trường còn mang tính hình thức, biểu diễn, việc lấy học sinh làm trung tâm thì chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm 17 năm đứng lớp, tôi nhận thấy chính tư duy giảng dạy của giáo viên cũng ảnh hưởng đến kết quả này. Hiện tại đa số giáo viên còn nặng về kết quả, áp lực về đánh giá thi đua cuối năm. Do vậy, trước hết tư duy người giảng dạy phải thay đổi, nếu tư duy người giáo viên không thay đổi thì dù có thay đổi SGK, chương trình giảng dạy thì cũng không thay đổi được gì.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ trực tiếp đứng lớp dạy học sinh lớp 12 cần phải được thường xuyên kiểm tra năng lực và phương pháp giảng dạy. Đừng đóng khung ở một phương pháp nào đó, mà nên mở rộng từ vựng trong chủ điểm cho học sinh trong quá trình giảng dạy. Kỹ năng làm bài liên quan đến câu hỏi chính của bài, giáo viên nên hỗ trợ học sinh để làm được điều này. Tạo điều kiện cho học sinh mở rộng thêm nội dung bài giảng.
Quan trọng nhất, yếu tố tất yếu của kết quả này là việc học lệch, tư duy xem nhẹ, đối phó môn ngoại ngữ của bộ phận không nhỏ học sinh. Chỉ khi nào môn ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc, môn chính trong tất cả các khối thi thì mới có thể thay đổi được tư duy học ngoại ngữ của học sinh.
Cô Nguyễn Ngọc Lệ (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9): SGK chưa thích ứng với đề thi
Con số trên 50%, theo tôi, trước hết do các em chọn học theo khối thi. Thứ hai là do đề thi. Đề khó hẳn, phân hóa quá cao so với đề năm ngoái. Nếu học sinh nhìn vào đề năm ngoái để ôn cho năm nay là… bó tay. Tâm lý chủ quan của học sinh, nghĩ rằng đề không quá khó mới dẫn đến kết quả này. Thậm chí giáo viên cũng có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đề “2 trong 1” sẽ không quá khó nên cũng không đặt nặng.
Những bài đọc hiểu, đa phần thí sinh lúng túng. Đề chỉ bám sát về mặt ngữ pháp trong SGK nhưng về phần từ vựng lại có quá nhiều từ vựng mới, nhiều từ hoàn toàn lạ lẫm với thí sinh. Vẫn là chủ điểm SGK nhưng có những từ vựng mà các em chưa bao giờ gặp, các lựa chọn “không hề quen thuộc” với thí sinh.
Với cách ra đề thi thế này, nếu thí sinh chỉ học trong SGK bộ cơ bản, từ vựng không mở rộng thêm, thì chỉ có thể làm được 2-3 điểm. Bởi trong SGK từ vựng không nhiều, từ vựng rất dễ. Trong khi đề thi lại ngược lại. Trong SGK phổ thông hiện nay, các bài đọc hiểu dường như chỉ dành cho người Việt, do người Việt viết, rất dễ hiểu. Tuy nhiên, lại không hề thích ứng với kỳ thi này khi các bài đọc hiểu đều lấy trong các tài liệu nước ngoài, do “người nước ngoài viết cho người nước ngoài”. Vì vậy, nếu thí sinh không tự mở rộng, nâng cao trong quá trình học thì sẽ “bó tay” trước đề thi này.
Do vậy, để thích ứng với đề thi như thế này, nếu bộ SGK giữ nguyên thì giáo viên phải tự cải tiến mình, tìm hiểu thêm nhiều tài liệu nước ngoài, tập trung vào việc nâng cao từ vựng và ngữ pháp cho học sinh. Còn không là phải thay đổi SGK cho phù hợp với phương pháp ra đề mới hạn chế được việc dạy thêm, học thêm và nâng cao khả năng tự học cho học sinh.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)