Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm thi tốt nghiệp thấp hơn học bạ: Nới lỏng để học sinh xét tuyển đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT của 60 tỉnh, thành phố trong kỳ thi đợt 1 (trừ Đà Nẵng, Quảng Nam và Đắk Lắk) của Bộ GD-ĐT cho thấy nhiều điều có giá trị thực tiễn.

 TP.HCM là địa phương có điểm môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước trong 4 năm liên tiếp  /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

TP.HCM là địa phương có điểm môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước trong 4 năm liên tiếp. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Sau khi có kết quả kỳ thi THPT năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh học bạ với điểm thi theo hướng so sánh điểm trung bình của 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng.
Có tỉnh trung bình điểm học bạ toàn tỉnh trên 8 !
Qua bảng đối sánh công bố cho thấy trung bình điểm thi từ 6,5 điểm trở lên (mức khá) có 9 địa phương (chiếm 15%); từ 5,0 đến dưới 6,5 điểm (mức trung bình) có 51 địa phương (chiếm 85%).
Trong khi đó, điểm trung bình học bạ các môn thi tương ứng như sau: Trên 8,0 điểm (mức giỏi) có 2 đơn vị (3,3%); từ 6,5 đến dưới 8 điểm (mức khá) là 58 đơn vị (96,7%).
Như vậy, điểm học bạ là khá và giỏi, còn điểm thi ở mức trung bình và khá. Có 8 địa phương điểm học bạ và điểm thi cùng ở mức khá, gồm: Bình Dương (điểm học bạ 7,16; điểm thi 6,84); Nam Định (7,59; 6,82); An Giang (7,68; 6,68); Ninh Bình (7,07; 6,62); Hà Nam (7,52; 6,59); TP.HCM (7,61; 6,56); Bạc Liêu (7,06; 6,52) và Vĩnh Phúc (7,19; 6,5). Có 52 địa phương điểm thi tụt một mức so với điểm học bạ, riêng Long An tụt 2 mức, từ giỏi xuống trung bình, Hải Phòng từ giỏi xuống khá, còn lại từ khá xuống trung bình.
Đáng chú ý là, Hải Phòng và Long An có trung bình điểm học bạ toàn tỉnh trên 8,0 điểm, ở mức giỏi. Và chắc chắn trong tỉnh có trường trung bình điểm học bạ lên tới 8,5 điểm hoặc thậm chí cao hơn, và như vậy điểm kiểm tra thường xuyên và định kỳ của những trường này chủ yếu là 8, 9 hoặc 10. Phải chăng đã có sự “nới lỏng” của giáo viên (GV) trong đánh giá để học sinh (HS) có lợi thế tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH theo học bạ.
Điểm thi tốt nghiệp thấp hơn học bạ: Nới lỏng để học sinh xét tuyển đại học? - ảnh 1
6 địa phương có chất lượng giáo dục tốt
Qua công bố của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xếp thứ hạng trung bình điểm thi của các địa phương từ cao đến thấp (thứ hạng từ 1 đến 60).
Theo cách xếp hạng này, 11 địa phương có thứ hạng cao, đó là: Bình Dương (điểm trung bình 6,84; xếp thứ 1), Nam Định (6,82; 2), An Giang (6,68; 3), Ninh Bình (6,62; 4), Hà Nam (6,59;5), TP.HCM (6,59; 6), Hải Phòng (6,53; 7), Bạc Liêu (6,52; 8), Vĩnh Phúc (6,5; 9), Lâm Đồng (6,45; 10) và Cần Thơ (6,45; 11). Trong số này, có 3 địa phương đáng biểu dương là An Giang, Bạc Liêu (vùng đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) và Lâm Đồng (vùng Tây nguyên), là những vùng khó khăn về giáo dục nhưng có điểm trung bình thi cao.
Các địa phương miền núi chất lượng đại trà còn thấp 
Việc đối sánh điểm thi và học bạ là điểm mới của kỳ thi năm nay. Qua việc đối sánh này, các địa phương không chỉ đánh giá chất lượng giáo dục mà còn biết được quá trình kiểm tra, đánh giá HS của các trường THPT có trung thực với chất lượng HS hay không. Những địa phương có điểm chênh lệch (học bạ – điểm thi) thấp chứng tỏ các trường THPT ở địa phương đó đánh giá HS sát với chất lượng thật, còn địa phương có độ chênh lệch cao thì việc đánh giá HS chưa được tốt.
Trên bình diện toàn quốc cho thấy một số tỉnh khó khăn, nhất là các địa phương miền núi, có điểm thi thấp, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu điểm thi, điểm học bạ cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi. Xảy ra tình trạng này, theo các chuyên gia giáo dục là do thầy, cô cho điểm có phần linh động để lợi thế trong xét tốt nghiệp cho HS. Nhưng về tổng thể thì điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính, phù hợp với nhau khi cả 2 đều đứng vị trí tốp cuối của cả nước. Không chỉ là các tỉnh miền núi, mà ngay các tỉnh vùng bắc Trung bộ, nơi nổi tiếng là đất học cũng có điểm trung bình thi thấp, do có nhiều huyện miền núi, không có tỉnh nào lọt vào top 10 của cả nước là một minh chứng.
Nghệ An là vùng đất nổi tiếng về hiếu học, với thành tích cao học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và ngay kỳ thi THPT 2020, tỉnh này có 177 điểm 10 và có 172 HS có tổ hợp ĐH từ 28 điểm trở lên. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà của Nghệ An còn thấp. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An đã có những phân tích và lý giải, đó là việc coi thi ngày càng nghiêm túc hơn và chất lượng đại trà các trường THPT ở các huyện miền núi còn thấp.

Cũng tương tự như vậy, chúng tôi xếp thứ hạng theo độ chênh lệch điểm học bạ – điểm thi, từ thấp đến cao. Kết quả có 11 địa phương tốt nhất, gồm: Bình Dương (chênh lệch 0,32; xếp thứ 1), Ninh Bình (0,45; 2), Bạc Liêu (0,54; 3), Lâm Đồng (0,62; 4), Lào Cai (0,64; 5), Phú Thọ (0,68; 6), Bắc Kạn (0,68; 7), Vĩnh Phúc (0,7; 8), Nam Định (0,77; 9), Tây Ninh (0,78; 10) và Cần Thơ (0,85; 11).
Dựa vào bảng trên, có 7 địa phương chất lượng giáo dục tốt (vừa có thứ hạng điểm thi và thứ hạng chênh lệch điểm nằm trong top 11), đó là: Bình Dương (điểm thi xếp hạng 1; chênh lệch xếp hạng 1), kế đến là Nam Định (2; 9), Ninh Bình (4; 2), Bạc Liêu (8; 3), Vĩnh Phúc (9; 8), Lâm Đồng (10; 4) và Cần Thơ (11, 11).
Có 10 địa phương điểm chênh lệch khá cao, lần lượt là: Sơn La (điểm chênh lệch 1,43; xếp thứ hạng 51), Hà Nội (1,47; 52), Hưng Yên (1,57; 53), Hải Phòng (1,59; 54), Bắc Ninh (1,61; 55), Hà Giang (1,65; 56), Phú Yên (1,67; 57), Quảng Ninh (1,69; 58), Long An (1,7; 59) và Nghệ An (1,7; 60).
Bên cạnh đó, có một số địa phương, thứ hạng điểm thi và thứ hạng điểm chênh lệch cho thấy sự vênh nhau như: Hải Phòng (điểm thi có thứ hạng 7; điểm chênh lệch có thứ hạng 54); TP.HCM (6; 23); Hà Nội (18; 52); Long An (22; 59); Lào Cai (28; 5), Bắc Kạn (49; 7). 2 địa phương có điểm thi không cao nhưng việc đánh giá học sinh sát với thực chất khi điểm chênh lệch thấp (Lào Cai: 0,64 và Bắc Kạn: 0,68).
Môn tiếng Anh, các tỉnh vùng Đông Nam bộ tốt nhất
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đề thi năm 2020 dễ hơn các năm, do kỳ thi này với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT đã công bố bảng đối sánh giữa thứ hạng của 9 môn thi của 4 năm, từ 2017 đến 2020 của các tỉnh, thành phố.
Xếp hạng môn toán của các địa phương khá ổn định trong 4 năm, trong đó, Bạc Liêu có sự cải thiện hạng đáng kể, từ hạng 30 (2017), lên 19 (2018), 16 (2019) và 12 (2020).
Kết quả môn ngữ văn được cải thiện đáng kể ở các địa phương như: Sóc Trăng thứ hạng của 4 năm 2017, 2018, 2019, 2020 là: 38, 39, 13, 5; Thanh Hóa: 35, 21, 18, 8; Bà Rịa-Vũng Tàu: 47, 50, 35, 12. Tuy nhiên, vẫn có 2 địa phương tụt hạng đáng kể là Lạng Sơn (1, 23, 51, 51) và Bắc Kạn (3, 12, 41, 54).
Môn vật lý khá ổn định, 2 địa phương tăng hạng rõ rệt là Quảng Bình (53, 53, 42, 20), Bình Định (44, 46, 52, 14), và có 2 địa phương tụt hạng là Bà Rịa-Vũng Tàu (8, 14, 21, 34) và TP.HCM (17, 22, 26, 38).
Môn hóa có 2 địa phương tăng hạng là Phú Thọ (23, 11, 5, 5); Hà Tĩnh (31, 22, 2, 11) và tụt hạng là Nghệ An (18, 23, 35, 41).
Môn lịch sử có 2 địa phương tăng hạng là Hải Phòng (38, 20, 16, 9) và Cần Thơ (28, 22,15, 12) và 3 địa phương tụt hạng là Bình Thuận (10, 18, 21, 33); Quảng Trị (21, 32, 30, 42); Kon Tum (11, 16, 31, 44).
Môn tiếng Anh có 10 địa phương dẫn đầu trong 4 năm liên tiếp là TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, An Giang, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng và không có sự tăng hạng hay tụt hạng đáng kể ở các địa phương này. Điều đáng ghi nhận đối với môn tiếng Anh, các tỉnh vùng Đông Nam bộ tốt nhất, kế đến là vùng đồng bằng sông Hồng, thứ ba là vùng ĐBSCL, còn vùng Tây nguyên, Bắc bộ và duyên hải miền Trung và vùng núi Tây Bắc chất lượng môn tiếng Anh còn thấp.
Theo Hồ Sỹ Anh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)