Gần 100 trường ĐH đã công bố điểm thi, lên phương án tuyển và chờ Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn để thông qua mức điểm tuyển chính thức. Phổ điểm năm nay không cao, vì thế, một số trường đã sớm lo ngại nguồn tuyển.
Một số trường lo thiếu nguồn tuyển vì điểm trúng tuyển quá thấp. Trong ảnh: Tại hội đồng thi trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
|
Điểm chuẩn trường “top trên” không tăng
Mức điểm thi không cao, nhưng những trường thuộc nhóm đầu không hề băn khoăn về điểm chuẩn đầu vào. Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương – trường luôn có điểm trúng tuyển cao nhất nhiều năm qua, cho biết, trong số 2.301 thí sinh dự thi vào trường có đến hơn 1.000 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 trở lên, nếu tính từ 22 điểm trở lên thì có 689 thí sinh. Với mặt bằng điểm thi khá ổn định này nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường tương đương so với năm trước và không xét tuyển NV2. ĐH Dược Hà Nội cũng nằm trong top những trường có điểm thi cao. Theo thống kê, trường có 99 thí sinh đạt điểm từ 27,5 và 558 thí sinh đạt 23 điểm trở lên. Với mức điểm cao như vậy, chắc chắn điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ tăng. Ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng cho biết: Dự kiến điểm sàn vào trường năm nay khối A: 20,5; khối D: 20. Ngành Ngân hàng dự kiến là 22,5 điểm, ngành Tài chính, Kế toán là 21 điểm, các ngành còn lại của khối A là 20,5 điểm.
Với những trường thường có mức điểm tuyển trung bình, năm nay đưa ra mức điểm chuẩn giảm. Theo ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, điểm cho từng ngành khác nhau, ngành cao nhất khoảng 17,5. Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến điểm chuẩn giảm từ 0,5 – 1 điểm so với năm trước. Học viện Tài chính, ĐH Hàng hải… cũng dự kiến điểm chuẩn năm nay giảm.
Nỗi lo nguồn tuyển
Trong khi các trường nhóm đầu không lo ngại về điểm chuẩn, thì các trường nhóm dưới lại đứng ngồi không yên bởi nếu Bộ GD&ĐT không "hạ sàn", các trường sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu bởi phổ điểm quá thấp. ĐH Điện lực chỉ có khoảng 60% thí sinh đạt điểm tổng 3 môn thi từ 10 trở lên. Với mặt bằng điểm thi như vậy, nhà trường dự kiến giữ điểm chuẩn NV1 như năm 2010 (tuyển theo chuyên ngành, thấp nhất 15,5; cao nhất 17), còn khoảng 15% chỉ tiêu hệ ĐH (khoảng 150 – 200 chỉ tiêu) cho NV2.
Nhiều trường khối C, D cũng rơi vào tình trạng thấp thỏm vì điểm thấp. Tại ĐH Đà Nẵng, trong tổng số 2.467 bài thi môn sử, chỉ có 19 bài đạt từ điểm 5 trở lên, với môn Văn có 830 thí sinh trong tổng số 2.478 thí sinh dự thi đạt từ 5 điểm trở lên. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng cũng cho biết, trường có 1.277 thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt dưới 10 điểm, chiếm tới 63% số thí sinh dự thi. Như vậy, trường chỉ có 753 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ 10 điểm trở lên, trong khi đó chỉ tiêu tuyển mới vào trường năm nay là 2.000. Với kết quả điểm thi như vậy, nếu Bộ giữ nguyên mức điểm sàn như năm 2010 (khối A, D là 13; khối B, C là 14 điểm), thì các trường đứng trước nguy cơ không tuyển đủ thí sinh.
Nhiều trường ĐH ngoài công lập và ĐH vùng ngay từ đầu đã xác định mức điểm chuẩn chỉ xấp xỉ điểm sàn mà vẫn lo nguồn tuyển khan hiếm. Không thể cạnh tranh được với các trường lớn ở thành phố, một số nơi dự kiến vận dụng Điều 33 của qui chế tuyển sinh về điểm ưu tiên để "tận thu" cả những thí sinh được 7 – 8 điểm. Các trường ngoài công lập thì càng lo hơn bởi phải cạnh tranh với các trường công lập top dưới, có mức điểm thấp, nên phần nhiều đều trông chờ vào NV2, NV3.
Các cơ sở đào tạo lo nguồn tuyển là vậy, còn xã hội lại dấy nên nỗi quan ngại về chất lượng đào tạo khi điểm trúng tuyển quá thấp. Tuy nhiên, sẽ là không đáng lo và "đầu vào" chưa quyết định chất lượng đào tạo nếu mô hình đào tạo theo hình chóp được áp dụng triệt để, để khi ra trường sinh viên đạt trình độ của bậc đào tạo. Nhưng điều đó sẽ vẫn ở thể giả định mà thôi.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, điểm sàn năm nay sẽ không thấp hơn năm trước, ở mức 13, 14 điểm cho từng khối thi. Các trường xét tuyển NV2 nhận hồ sơ của thí sinh qua đường bưu điện từ ngày 25/8 đến 15/9
|
Theo Minh Hiền
(KTĐT)
Bình luận (0)