Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Điểm trung bình lớp 12 và điểm trung bình thi THPT: Vênh nhau từ 2,5 điểm!

Tạp Chí Giáo Dục

Có độ vênh đáng kể giữa điểm trung bình lớp 12 với điểm trung bình các môn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Ngày 26.5, Báo Thanh Niên có loạt bài Dễ dãi xét tuyển bằng học bạ nêu thực trạng nhiều trường ĐH xét tuyển thẳng bằng điểm học bạ với những tiêu chí rất đơn giản trong khi điểm số này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều trường THPT cho điểm khống, lập 2 sổ điểm khác nhau, trong đó có sổ điểm ảo để dành cho học sinh (HS) xét tuyển vào ĐH. Thực trạng này càng được củng cố qua kết quả thống kê và phân tích của nhóm chuyên gia làm về tuyển sinh ở một trường ĐH tại TP.HCM.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT 10 năm qua 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT 10 năm qua Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Quy định xét tốt nghiệp rất thoáng
Từ năm 2015, quy định xét tốt nghiệp THPT đã trở nên rất thoáng, trong đó điểm trung bình của năm học lớp 12 (ĐTB12) chiếm 50% trong số điểm xét tốt nghiệp nếu học sinh (HS) không được hưởng điểm ưu tiên. Cụ thể trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới, điểm xét tốt nghiệp được tính theo công thức tổng điểm 4 bài thi (ở năm 2015 và 2016 là môn thi) cộng với tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia 4; cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 rồi chia 2, sau đó cộng tất cả với điểm ưu tiên (nếu có)(*).
Tuy có nhiều thay đổi so với những kỳ thi trước đó, nhưng kỳ thi năm 2015 có tỷ lệ tốt nghiệp giảm và năm 2016 đã tăng lên trở lại (xem ảnh).
Rõ ràng ĐTB12 đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ tỷ lệ tốt nghiệp của những kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ở mức cao.
Hơn 50% trường cho điểm trung bình từ 7
Tuy nhiên, kết quả của 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016 đã cho thấy có độ vênh đáng kể giữa ĐTB12 với ĐTB các môn thi.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, chỉ những HS đã học hết chương trình THPT, có hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, nếu chỉ tính ĐTB12 thì tỷ lệ tốt nghiệp năm 2015 và 2016 sẽ là 100% chứ không dừng ở mức chỉ hơn 90%.
Tính trung bình cả nước, độ vênh giữa ĐTB12 và ĐTB các môn thi khoảng gần 2,5 điểm. Ở hầu hết các tỉnh, độ vênh đều trên 2 điểm, trong đó địa phương có mức chênh lệch cao nhất đến 3,31 điểm (Long An và Tiền Giang) và thấp nhất là 1,66 điểm (Bắc Kạn).
Tính theo cụm thi thì các thí sinh thi tại các cụm ĐH (dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH) được các thầy cô “cho” ĐTB12 cao hơn hẳn với điểm bình quân gần 7,5 điểm, trong khi các HS dự thi ở các cụm tốt nghiệp (không dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường ĐH) có điểm bình quân của ĐTB12 chỉ vào khoảng 6,5 điểm.
Do mục tiêu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH nên ĐTB thi của các thí sinh dự thi tại hầu hết các cụm ĐH đều cao hơn ĐTB thi của các thí sinh dự thi tại các cụm tốt nghiệp tương ứng, do đó độ vênh giữa ĐTB12 với ĐTB thi ở cụm thi ĐH cũng ít hơn so với cụm thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu giữa các trường công lập với các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên thì độ vênh này lại rất khác biệt nhau. Hầu hết các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có độ chênh lệch giữa ĐTB12 với ĐTB thi cao hơn 3, và ở hơn 50 trường THPT có độ chênh lệch lớn hơn 4 điểm. Có hơn 50% trường THPT trên cả nước đã “cho” ĐTB12 của HS từ 7 điểm trở lên, vì vậy không lấy làm lạ khi số HS rớt tốt nghiệp chủ yếu là do vướng phải điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) trong các môn thi.
Thước đo của sự trung thực
Độ vênh ở các trường có thành tích học tập tốt (phần lớn là các trường chuyên) tương đối ít hơn, dẫu rằng mức ĐTB12 ở các trường này được cho rất cao. Phần lớn các trường chuyên trên cả nước đều “cho” ĐTB12 từ 8 điểm trở lên, nhưng độ chênh lệch giữa ĐTB12 và ĐTB thi lại thấp hơn 2 điểm. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu rằng mức chênh lệch ít này chủ yếu là do ĐTB thi ở các trường chuyên cao nên “đuổi kịp” ĐTB12.
Đánh giá, thi cử không chỉ yêu cầu tính khoa học, chính xác mà còn cả sự trung thực. Chương trình giáo dục phổ thông mới còn dự kiến tiến đến khi HS tích lũy đủ các môn học ở bậc THPT sẽ được xét tốt nghiệp mà không cần qua kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay. Liệu khi đó việc đánh giá (qua kết quả điểm) của từng môn học và của tất cả các môn học nói chung có đạt được độ chính xác và trung thực cần thiết hay không để các trường ĐH căn cứ vào kết quả học THPT để xét tuyển vào các trường ĐH?
Điểm trung bình lớp 12 và điểm trung bình thi THPT: Vênh nhau từ 2,5 điểm! - ảnh 4

Nên có quy trình xét tuyển chặt chẽ hơn
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng sở dĩ tồn tại thực tế cho điểm khống ở phổ thông là do quy định từ Bộ GD-ĐT. Với cách tổ chức thi và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ như hiện tại thì việc đậu hoặc rớt phụ thuộc vào đề thi, cách coi thi lỏng hoặc chặt, cách chấm thi, cách xét tuyển chứ không hoàn toàn dựa vào năng lực của HS. Dựa vào kẽ hở này nên nhiều trường THPT mới cho điểm HS một cách dễ dãi khiến chất lượng HS THPT kém và việc xét tuyển không đạt mục tiêu, chất lượng.
Theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, để việc xét tuyển thực chất và đạt chất lượng cần một quy trình xét tuyển chặt chẽ hơn. Cụ thể ở các nước giáo dục phát triển, thay vì chỉ xét tuyển học bạ họ còn kèm theo yêu cầu cả một bộ hồ sơ. Hoặc kèm theo điểm học bạ phải có thư giới thiệu của 2 giáo viên chủ nhiệm và bộ môn, thậm chí là thư giới thiệu của hiệu trưởng. “Lúc này những thư giới thiệu này cũng giống như những lời cam kết. Nếu một HS kém mà có những lời giới thiệu là ngoan, giỏi và khi vào trường học không theo kịp thì chẳng khác nào các giáo viên đã bán đi danh dự của mình bằng những lời giới thiệu gian dối”, ông Sỹ Anh nhấn mạnh.  
 Lam Ngọc

Thái MInh Đức (TNO)

 

Bình luận (0)