Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Điểm trúng tuyển ĐH Kinh tế TP.HCM tăng mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Không riêng cơ sở chính tại TP.HCM, phân hiệu ĐH Kinh tế TP.HCM ở Vĩnh Long cũng có điểm trúng tuyển tăng cao (từ 1-5 điểm) ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.

Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM học nhóm

Theo công bố của ĐH Kinh tế TP.HCM chiều 17-8, mặt bằng điểm chuẩn tất cả các phương thức xét tuyển vào ĐH này năm nay tăng ở cả cơ sở TP.HCM và phân hiệu Vĩnh Long.

Năm 2024, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong 6 phương thức tuyển sinh của ĐH Kinh tế TP.HCM. Kết quả xét tuyển cho thấy, điểm chuẩn 56 chương trình đào tạo tại cơ sở chính TP.HCM tăng mạnh so với năm 2023. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT lấy từ 23,8 – 27,2 điểm.

“Phổ điểm trúng tuyển này tương ứng với các thí sinh đạt thành tích học tập loại giỏi trở lên; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên; đa phần là học sinh trường chuyên, học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố”- đại diện nhà trường cho biết.

Đáng chú ý, tại phân hiệu Vĩnh Long của ĐH này, điểm trúng tuyển phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cao, từ 1-5 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn dao động từ 17-22 điểm.

PGS.TS Bùi Quang Hùng (Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay, đến thời điểm hiện tại, nhóm ngành truyền thống tại phân hiệu Vĩnh Long đã tuyển đủ chỉ tiêu. Phân hiệu này sẽ tiếp tục xét bổ sung đối với các ngành học mới tuyển những năm gần đây như thuế, công nghệ và đổi mới sáng tạo, robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), kinh doanh nông nghiệp, quản trị khách sạn… với khoảng 10-25 chỉ tiêu đối với từng chương trình.

Ông Hùng phân tích, nhóm ngành kinh tế, kinh doanh truyền thống như marketing, kinh doanh quốc tế, tài chính, kiểm toán, kinh tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… có điểm chuẩn cao ở tất cả phương thức, đều giữ mức trên 26 điểm ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, nhóm ngành mới, được phát triển liên ngành giữa các lĩnh vực thế mạnh với máy tính, công nghệ ứng dụng tiếp tục tăng, tăng cao nhất 2,31 điểm. Gồm công nghệ marketing, công nghệ logistics, truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ nghệ thuật, điều khiển thông minh và tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, an toàn thông tin… Trong đó, công nghệ marketing tiếp tục là ngành học dẫn đầu điểm chuẩn ở tất cả các phương thức xét.

Còn các ngành học thuộc nhóm chuyên môn “ngách” nhưng có vị trí quan trọng trên thị trường lao động quốc gia như kinh doanh nông nghiệp, tài chính công, thuế, kinh tế chính trị, thẩm định giá và quản trị tài sản… thì số lượng thí sinh ứng tuyển tăng so với các năm, mặt bằng điểm chuẩn đặc biệt tăng cao (từ 0,32 đến 2.4 điểm).

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)