Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Điểm tựa mẹ chồng

Tạp Chí Giáo Dục

Công ty tôi phần lớn là đàn bà con gái đề tài “tám” thường xoay quanh chuyện gia đình, trong đó đề tài mẹ chồng được đem ra bàn luận nhiều nhất.

Chị trưởng phòng kế toán than thở số mình vô duyên, gặp mẹ chồng tính tình rộng rãi tiền bạc nhưng điều chị cần vô cùng là người chăm sóc đứa con nhỏ hay bị đau ốm thì mẹ chồng lắc đầu. Nghe câu “Cần tiền khám bệnh cho cháu thì cứ nói má cho…”, thì hiểu ý mẹ chồng không nói ra là “Bồng bế cháu cho vui chứ giữ luôn cả ngày thì má không kham nổi”.

Tâm sự với nhau vậy chứ chị không trách mẹ chồng. Hồi mới sinh có mẹ ruột từ quê vào chăm, chị thấy việc có đứa con nhỏ cũng… nhẹ nhàng. Tới khi em bé được sáu tháng, bà về quê, chị mới “nếm mùi” làm mẹ! Chăm sóc đứa nhỏ khỏe mạnh đã thấy mệt huống hồ là một đứa hay đau ốm mè nheo.

Chị phó phòng tài vụ thì có mẹ chồng hay tin theo thầy bà. Mỗi khi trong nhà có người bệnh, mẹ đi coi thầy, cúng tiền thỉnh tờ sớ màu mè về nhà, đợi đúng “giờ linh”, đem ra đốt rồi lấy tro pha nước, bắt uống. Tất cả náo loạn vì cách chữa này.

Mẹ khóc lóc vì mình quan tâm chăm sóc mà bị từ chối, còn những người khác thì sợ, đến tô cháo mẹ nấu người bệnh cũng không dám ăn! Chị không dám gửi con cho mẹ chồng dù bà nội rất cưng cháu, lo mẹ chồng đem cháu tới thầy xin làm bùa phép.

Chị nhân viên phòng nhân sự kể mẹ chồng chị rất thích nấu ăn. Con cái về thăm cho mẹ ít tiền để dành tiêu xài thì mẹ bèn nấu một món hoành tráng rồi chia ra thành bốn bịch, thuê xe ôm đem tới cho mỗi cặp vợ chồng con cái một bịch.

Nhiều khi nhà vừa mới ăn cơm xong thì ông xe ôm quen thuộc ngừng xe trước cửa kêu ra nhận quà mẹ gửi. Vợ chồng chị nhìn nhau cười rồi chạy ra cầm cái bịch hít hà rối rít khen thơm quá, mới nghe mùi đã thấy chảy nước miếng, vì biết “hoạt cảnh” này sẽ được ông xe ôm tả lại cho mẹ nghe, để bà vui lòng.

Người nghe ghen tỵ và trách chị có phước sao phải đóng kịch, chị nói rằng vừa cảm động vừa… bực mình vì biếu tiền là để mẹ tiêu xài hàng ngày chứ đâu phải để nấu món đem đi cho.

Diem tua me chong
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock

Tôi là một con dâu may mắn. Hồi mới bàn chuyện cưới xin, chị chồng tương lai nói “Người ở tỉnh mà lấy được chồng giàu ở thành phố là may lắm đó”.

Tôi là gái quê, về thành phố học hành làm việc rồi gặp anh. Nhà tôi chỉ trung bình so với nhà anh giàu có bề thế nhưng tôi tự tin bản thân mình không kém gì anh. Cùng tốt nghiệp đại học, cùng làm công ty nước ngoài, lương ngang nhau, chưa kể tôi đem việc về làm thêm, còn anh có lẽ quen với cuộc sống thoải mái từ nhỏ nên không bận tâm tới việc kiế m thêm. Sau giờ làm việc, với anh là thư giãn.

Câu nói của chị chồng khiến tôi tự ái, đòi chia tay anh. Thật lòng, tôi rất nhớ anh và khóc hết nước mắt nhưng vẫn khăng khăng từ chối khi anh tìm tới. Anh cũng ương ngạnh, không xin lỗi thay chị mình mà nói “Anh không có lỗi vì câu nói của người khác”. Tình yêu của tôi mấp mé bờ vực. Mẹ anh gọi điện thoại, nhẹ nhàng “Sao lâu rồi không thấy con tới nhà chơi? Chủ nhật này tới ăn cơm với bác nghe. Con mà không tới là bác buồn lắm đó”.

Đám cưới xong, tôi không muốn ngày ngày gặp mặt chị chồng nhưng chẳng lẽ cứ khăng khăng đòi thuê nơi khác trong khi chỗ ở đã được lo sẵn. Đất nhà anh rộng nên ba má xây riêng cho mỗi người con một căn, nhưng chung sân, chung cổng. Hầu như ngày nào ra vô tôi cũng đụng mặt chị chồng. Tôi để bụng câu nói của chị, còn chị để bụng trận giận hờn làm căng của tôi. Không một lời bóng gió châm chích nhắc lại nhưng cả hai đều trong tình thế bằng mặt chẳng bằng lòng.

Nhà có người giúp việc nhưng để giải hòa chị và tôi, mẹ vô bếp, gọi chị và tôi cùng nấu nướng. Mẹ hóm hỉnh kể hồi trẻ mẹ nấu vụng lắm, nhà có giỗ mẹ xí phần lột hành tỏi mà đâu biết việc dễ như vậy cũng làm mình chảy nước mắt!

Căn bếp trở thành không gian hòa giải, khi cùng nhau xúm xít, cùng nấu nướng, cùng hít hà rồi cùng nếm khi món ăn còn nóng hổi… Nghe người này nói thật lòng là hơi lạt quá thì mình bèn nêm nếm lại. Rồi thì mấy đứa nhỏ chạy vô bếp. Tôi gắp đút cho con của chị và con của tôi… Chúng tôi làm hòa với nhau từ lúc nào cũng chẳng biết.

Ngày mẹ chồng mất vì ung thư, tôi hụt hẫng biết mình mất đi một điểm tựa lớn lao trong đời.

Con gái tôi đang tuổi hai mươi, đã có vài chàng trai ngấp nghé. Tôi nghe con chuyện trò, nói đùa với bạn như thật “Bây giờ mẹ chồng khó tính thì mất con trai luôn”. Có lẽ thời nay đã khác xưa, nhưng lòng tôi cầu mong con có được điểm tựa như mình ngày nào.

 

Nguyên Hương/ PNO

Bình luận (0)