Không chỉ là nơi để chia sẻ, tâm sự, dự án “Song Yến” còn tổ chức nhiều chương trình về sức khỏe tinh thần, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho các bạn trẻ.
Thành Gia trao đổi với chuyên gia về vấn đề tâm lý sinh viên tại một chương trình do dự án “Song Yến” tổ chức
Đây là dự án do Nguyễn Thành Gia (sinh viên năm 3 Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) thành lập, quản lý và điều hành. Gần 1 năm hoạt động, dự án đã giúp hàng ngàn bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên ngộ ra được nhiều điều ý nghĩa để sống tốt và có ích hơn.
Nơi người trẻ nói lên tiếng lòng
Là sinh viên ngành tâm lý học, Thành Gia nhận thấy được nhiều bất cập ở các bạn trẻ ngày nay. Đó là việc ngày càng có nhiều bạn trẻ rơi vào cảm giác bị cô đơn, lạc lỏng, đôi lúc gặp khó khăn, vướng mắc nhưng lại không biết nói cùng ai. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại không hiểu con, tạo nên khoảng cách hai thế hệ ngày một xa. Điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy mà những người phải gánh chịu áp lực chính là các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Với mong muốn làm điểm tựa cho các bạn trẻ cũng như giúp ích cho cộng đồng, tháng 10-2021, Thành Gia đã tập hợp những bạn có cùng chí hướng thành lập dự án mang tên “Song Yến” do chính mình quản lý, điều hành. Sau khi dự án được thành lập, các thành viên đã bắt tay vào thực hiện chương trình đầu tiên mang tên “Nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh”.
“Do thời điểm đó dịch Covid-19 đang diễn ra nên chương trình tổ chức với hình thức online. Ban đầu chúng em nghĩ chỉ một số ít bạn trẻ tham gia, nhưng không ngờ khi diễn ra có hơn 1.000 học sinh, sinh viên khắp nơi tìm đến. Các bạn đến từ nhiều tỉnh/thành như: Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM…”, Thành Gia cho biết. Do chương trình diễn ra đúng thời điểm học sinh, sinh viên phải học online vì dịch Covid-19, nên các bạn tham gia rất nhiệt tình, mạnh dạn chia sẻ những điều mà mình chưa có cơ hội để nói ra. “Chúng em tiếp nhận nhiều thông tin từ các bạn trẻ. Theo đó, có bạn không được giao tiếp nhiều với các thành viên trong gia đình dù sống cùng một nhà. Có bạn gặp áp lực khi cha mẹ mang ra so sánh với con nhà người khác: Tại sao con họ học giỏi, đạt giải này giải kia còn con lại thế này, thế nọ. Hay có bạn từng bị trầm cảm nhưng lại không được cha mẹ đồng hành để vượt qua… Rất nhiều câu chuyện tưởng chừng bình thường nhưng đằng sau đó là một hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến con đường tương lai, thậm chí tính mạng của các bạn”, Thành Gia cho hay.
Từ thành công của chương trình đầu tiên, dự án “Song Yến” tiếp tục thực hiện chương trình với chủ đề “Hiểu rồi thương” vào tháng 12-2021 với sự tham dự của hơn 1.500 học sinh, sinh viên trên cả nước. “Chúng em đề cập đến vấn nạn bị quấy rối tình dục. Có bạn chia sẻ khi đi học trực tiếp thì bị quấy rối kiểu trực tiếp. Còn học online lại bị nhắn tin, gửi những hình ảnh đồi trụy. Chương trình đã hướng dẫn cho các bạn trẻ cách để đấu tranh lại kẻ xấu. Chỉ khi các bạn dám đứng lên, dám tố cáo mới tìm lại bình yên cho chính mình. Nếu sợ, im lặng, kẻ xấu càng lợi dụng, khiến bản thân rơi vào vực thẳm”, Thành Gia khẳng định.
Luôn dang rộng vòng tay
Ở mỗi chương trình mà dự án “Song Yến” thực hiện, các bạn trẻ không chỉ được nói mà còn được hướng dẫn kiến thức vượt qua khó khăn. Vì vậy, số lượng người trẻ tìm đến dự án “Song Yến” ngày càng nhiều. Một điều tin cậy ở dự án “Song Yến” đó là các chương trình đều có sự đồng hành của những chuyên gia tâm lý học uy tín. Do đó, bất kỳ khó khăn nào của các bạn trẻ đều được giải đáp cặn kẽ, khách quan, giúp các bạn lấy lại niềm tin trong cuộc sống. “Có những bạn tìm đến chúng em trong sự khủng hoảng tinh thần. Khi được tư vấn, những bạn đó đã lấy lại được bình tĩnh, sau đó chúng em tiếp tục giúp các bạn đến những địa chỉ tin cậy, có bác sĩ để hỗ trợ. Những bạn đó đã trở lại bình thường, sống và làm việc có ích hơn”, Thành Gia nói.
Theo Thành Gia, điều khó khăn của dự án là tiếp nhận thông tin của học sinh. “Những bạn trên 18 tuổi thì dễ, còn dưới 18 tuổi theo luật phải có người giám hộ khi tư vấn tâm lý. Vì vậy, gặp những học sinh chưa đủ tuổi tìm đến, chúng em phải yêu cầu các em để lại thông tin của cha mẹ hoặc người thân trong gia đình để khi gặp vấn đề nào hoặc những sự việc nghiêm trọng, chúng em liên hệ báo tin, tránh những việc đáng tiếc xảy ra. Nhờ sự cẩn thận đó, chúng em không chỉ được lòng học sinh, sinh viên mà phụ huynh cũng tin tưởng, nhờ hỗ trợ cho con mình. Đó là động lực để chúng em tiếp tục với dự án”, Thành Gia bày tỏ.
Nguyễn Thành Gia (thứ 5 từ trái qua, hàng cuối) và các em học sinh trong một chương trình tư vấn chọn nghề
Để cung cấp thêm kiến thức, dự án “Song Yến” còn mở những lớp học về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề. “Lớp học này chúng em sẽ mời chuyên gia giảng dạy. Để các bạn trẻ có trách nhiệm với bản thân khi tham gia lớp học, chúng em sẽ thu mỗi bạn 10-20 ngàn đồng. Khi lớp học hoàn thành, chúng em sẽ trả tiền lại. Như vậy, các bạn sẽ không nghĩ mình đang học miễn phí mà là đi học có đóng tiền để lớp học diễn ra thành công, đạt mục tiêu mà chúng em hướng đến”, Thành Gia cho biết.
Gần 1 năm hoạt động, dự án “Song Yến” đã trở thành người bạn tinh thần cho bất kỳ những ai cần đến. “Chúng em có Fanpage “Song Yến” dùng mạng xã hội để kết nối với các bạn trẻ lại với nhau. Bất cứ bạn nào dù ở xa hay gần muốn gặp chúng em có thể gọi điện hoặc nhắn tin theo thông tin trên đó. Chúng em sẽ phản hồi lại thời gian, địa điểm tư vấn cho các bạn”, Thành Gia chia sẻ.
Hiện tại, dự án “Song Yến” có 15 thành viên, phần lớn đến từ nhiều trường khác nhau, như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Trà Vinh, ĐH Cần Thơ… “Trước khi làm một chương trình, chúng em đều tiến hành khảo sát để biết các bạn trẻ muốn tổ chức chương trình như thế nào? chủ đề gì?… Do dự án hướng đến nhu cầu của học sinh, sinh viên nên phương châm của chúng em là luôn dang rộng vòng tay để chào đón các bạn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta cũng có hướng giải quyết. Các bạn trẻ hãy tin vào chính mình, hãy đứng dậy sau những vấp ngã vì cuộc sống luôn có những vòng tay ấm chào đón mình”, Thành Gia chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)