Một kết quả thi tốt nghiệp THPT khá khả quan đối với thí sinh năm 2020, lại trong điều kiện các trường ĐH vừa điều chỉnh giảm bớt chỉ tiêu xét kết quả thi này, khả năng điểm trúng tuyển năm nay sẽ tăng cao hơn năm trước.
Hướng dẫn thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
Năm nay, sau nhiều năm tổ chức thi THPT quốc gia cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH-CĐ thì Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, các trường ĐH, CĐ cũng có thể dùng kết quả này để xét tuyển.
Điểm bình quân các khối cao
Kết quả phân tích phổ điểm các tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, tổ hợp môn toán – lý – hóa, điểm trung bình là 21,46; mức tổng điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 23. Tổ hợp toán – hóa – sinh, điểm trung bình là 20,36; mức tổng điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 22. Tổ hợp văn – sử – địa có điểm trung bình là 18,5; mức tổng điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 19. Tổ hợp toán – văn – tiếng Anh có mức điểm trung bình là 18, 19 và mức tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19. Ở tổ hợp môn toán – lý – tiếng Anh, điểm trung bình là 20; mức tổng điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 21.
Với kết quả thi chung khá cao như vậy, nhiều trường ĐH dự đoán điểm trúng tuyển các ngành sẽ tăng rõ rệt. Theo TS. Hà Việt Uyên Synh (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM), căn cứ trên phổ điểm các tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD-ĐT công bố, có khả năng điểm chuẩn vào trường năm nay tăng 1-2 điểm tùy ngành so với năm 2019. Đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay trường dành từ 40-60% chỉ tiêu, một con số khá lớn. Kế đó, phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cũng xét từ 20-50% chỉ tiêu. Số còn lại dành xét cho những phương thức khác.
ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhận định, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tương đối cao hơn điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Các môn toán, vật lý, hóa học, địa lý, giáo dục công dân, ngữ văn thí sinh làm bài tốt nên điểm số cao. Điểm trung bình các môn rơi vào khoảng 6-6,8 là phần nhiều, có những môn như giáo dục công dân điểm trung bình đến trên 8. Với phổ điểm như thế này, cộng thêm tỷ lệ chỉ tiêu các trường dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 ít hơn năm 2019 thì khả năng điểm vào phần lớn các trường ĐH năm nay sẽ tăng lên. Các trường xét khối truyền thống như A00, B00, A01, D00 có thể sẽ tăng khoảng từ 1 đến 5 điểm so với năm 2019, khối tăng nhiều có thể rơi vào khối A00, B00, khối tăng ít có thể là A01, D00.
Ông Sơn cũng cho hay, tại trường hiện nay một số ngành đã đủ chỉ tiêu xét tuyển học bạ như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng… với mức điểm trúng tuyển cũng khá cao, từ 21-23 điểm. Các ngành khác cũng đã gần đủ chỉ tiêu, mỗi ngành chỉ thiếu khoảng 10-40 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, trường hiện còn nhiều chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả thi tốt nghiệp THPT, cụ thể còn đến 1.800 chỉ tiêu, do vậy thí sinh không phải lo thiếu mất cơ hội chọn lựa. Được biết, trong 3.500 chỉ tiêu năm nay, trường xét khoảng 10% kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (tức 350 chỉ tiêu); khoảng 1.400 chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT…
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cũng cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhìn chung cao hơn năm ngoái khoảng 1-3 điểm, thêm vào đó các trường đều tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ nên mức điểm sàn xét tuyển năm nay của các trường có thể sẽ tăng cao, có thể lên đến 3-5 điểm.
Riêng đối với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dù chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT khá lớn, chiếm 65% tổng chỉ tiêu nhưng dự kiến ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển của hầu hết các ngành có thể chênh lệch 1-3 điểm so với năm ngoái, nhất là ở các ngành có đông thí sinh đăng ký như: Quản trị kinh doanh, marketing, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô… Cũng có thể một số ít ngành có điểm nhận hồ sơ tương đương năm ngoái hoặc chênh lệch không đáng kể. Đây là những ngành còn tương đối mới, chưa được nhiều thí sinh biết đến hoặc một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật như: Kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông…
ThS. Dung nhấn mạnh thêm, đối với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2, trường dành 5% chỉ tiêu tuyển sinh nên các em không cần quá lo lắng. Nếu vẫn còn lo ngại “chậm chân” tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em có thể đăng ký xét học bạ trước (đợt nhận hồ sơ gần nhất đến hết 5-9) và bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời sau đó.
Được biết, năm nay trường xét 6.600 chỉ tiêu cho 3 phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 65%, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 10%, xét tuyển học bạ THPT 25%.
Chỉ điều chỉnh nguyện vọng khi cần thiết
Đến nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là trường công bố điểm sàn xét tuyển sớm. Cụ thể, đối với hệ đại trà, nhóm ngành ô tô, công nghệ thông tin, logistics, kinh doanh quốc tế, sư phạm Anh có điểm sàn 24,5. Nhóm ngành điện – điện tử, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật hóa học, quản trị nhà hàng, ngôn ngữ Anh, công nghệ kỹ thuật máy tính… có sàn 23,5 điểm. Các ngành có sàn 22,5 điểm gồm: Kỹ thuật dữ liệu, công nghệ may, điện tử viễn thông, kỹ thuật y sinh, thiết kế thời trang, kiến trúc, thiết kế đồ họa, năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật công nghiệp, kế toán… Các ngành công nghệ in, kỹ nghệ gỗ, thiết kế nội thất, công nghệ kỹ thuật môi trường… có sàn 21,5 điểm.
Bên cạnh đó, trường xét các ngành thuộc chương trình chất lượng cao tiếng Việt thấp hơn chương trình đại trà 0,5-1 điểm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh thấp hơn chương trình đại trà 1-2 điểm; chương trình chất lượng cao Việt – Nhật thấp hơn chương trình đại trà 3-4 điểm.
Theo TS. Nguyễn Quốc Khanh (Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trường năm nay có 62 thí sinh được tuyển thẳng. Trong 5.500 chỉ tiêu xét tuyển ở 5 phương thức thì phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện còn 20% chỉ tiêu “chờ” thí sinh. Đồng thời, còn 20-30% chỉ tiêu sẽ dành xét thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020.
Ông Nguyễn Việt Thái (Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen) thông tin, năm nay trường dành 3.600 chỉ tiêu xét tuyển cho 28 ngành đào tạo bậc ĐH, trong đó có 5 ngành mới gồm: Nhật Bản học, Hoa Kỳ học, quản trị sự kiện, nghệ thuật số (Digital art), bảo hiểm. Trường dùng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 1.080 chỉ tiêu (chiếm 30%); các phương thức còn lại 70%.
Phỏng vấn trực tuyến thí sinh môn năng khiếu vẽ Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Trường ĐH Văn Lang vừa tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến thí sinh xét tuyển vào nhóm ngành năng khiếu vẽ, thông qua phần mềm Zoom Cloud Meetings. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức cách xét tuyển này. Cụ thể, hội đồng thi phỏng vấn khoảng 15 phút với mỗi thí sinh. Nội dung phỏng vấn linh hoạt theo kết quả bài thi năng khiếu mà thí sinh đã hoàn thành ở vòng sơ khảo, kết hợp với các câu hỏi và yêu cầu để từ đó kiểm tra năng khiếu vẽ của thí sinh, sự đam mê và quyết tâm với ngành học. Hội đồng thi mỗi phòng gồm 4 giảng viên công tác tại các khoa: Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp. Hai kỹ thuật viên cũng được tăng cường hỗ trợ nhằm đảm bảo quá trình kết nối mạng được xuyên suốt.
|
Trường ĐH Văn Hiến còn dành 3.000 chỉ tiêu cho thí sinh với các phương thức xét tuyển: Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, học bạ THPT, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT… ThS. Trần Mạnh Thái (Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến) cho biết, năm nay trường tuyển sinh 7 ngành mới gồm: Truyền thông đa phương tiện, luật, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, thương mại điện tử, quản lý bệnh viện, quản lý thể thao. Trường hỗ trợ giảm 40% học phí của học kỳ 1 cho tân sinh viên, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần. Cụ thể, theo điều chỉnh mới nhất của Bộ GD-ĐT, thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng sau khi các sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2. Trong đó thời gian điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19 đến 25-9-2020) và điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp là 9 ngày (từ ngày 19 đến ngày 27-9-2020). Ở phương thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, các em không được tăng thêm số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển; riêng phương thức điều chỉnh trực tiếp, các em được tăng thêm nguyện vọng và có đóng lệ phí cho số nguyện vọng được tăng thêm.
Tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2020 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, thống kê 3 năm gần đây cho thấy hằng năm có khoảng 50% thí sinh cả nước thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Dù đây là quyền của thí sinh nhưng các em nên cân nhắc khi điều chỉnh, vì đợt đăng ký đầu, các em đều đã suy tính rất kỹ rồi. Thí sinh chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết như: Không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định đối với khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe hoặc có điểm thi thực tế không sát với dự đoán trước đó.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung cũng lưu ý, thí sinh nên cân nhắc kỹ, nếu cần điều chỉnh nguyện vọng, nên ưu tiên cho những ngành mình yêu thích hoặc ngành gần với ngành mình thích, không nên chỉ vì điểm chuẩn mà cố gắng học những ngành không thuộc sở trường. Với thí sinh có học lực khá, giỏi ở lớp 11 và 12, có thể chọn thêm phương thức xét học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển đúng ngành.
Mê Tâm
Bình luận (0)