Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Điện ảnh Việt gặp khó khi ra rạp, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Do chưa tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt, nên loạt phim Việt không tạo được sức hút với khán giả

Dịp lễ 2-9 vừa qua, phim dẫn đầu doanh thu là tác phẩm hoạt hình nước ngoài, số lượng phim Việt gặt hái doanh thu tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đối mặt với thua lỗ

Phim "Cù lao xác sống" của đạo diễn Nguyễn Thành Nam ra rạp từ ngày 1-9 được xem là phim Việt duy nhất trong mùa lễ dài ngày. Tuy nhiên, phim không có đột phá doanh thu như các phim Việt trong dịp lễ ở các năm trước.

Hiện nay, cả nước trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, lượng khán giả đến rạp Việt khá đông, đây cũng là cơ hội để phim Việt tạo bứt phá doanh thu, thu hút khán giả. Thế nhưng, năm nay vị trí dẫn đầu doanh thu mùa lễ thuộc về phim hoạt hình nước ngoài "Môn phái võ mèo: Huyền thoại một chú chó".

Theo thống kê của Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập) tính đến tối ngày 5-9, phim "Cù lao xác sống" thu được hơn 10, 4 tỉ đồng trong khi phim "Môn phái võ mèo: Huyền thoại một chú chó" doanh thu hơn 16 tỉ đồng. Phim hoạt hình này giữ vững độ thu hút khán giả Việt khi liên tục dẫn đầu lượng doanh thu và chỉ nhường vị trí này cho phim kinh dị của điện ảnh Indonesia mang tên "Hồn ma không đầu" từ trưa 5-9.

Điện ảnh Việt gặp khó khi ra rạp, vì sao? - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Cù lao xác sống”. Ảnh do nhà phát hành cung cấp

Một phim Việt khác ra rạp từ 26-8 cũng thuộc thể loại kinh dị, giật gân là "Vô diện sát nhân" do Đinh Công Hiếu đạo diễn, duy trì các suất chiếu xuyên suốt lễ nhưng doanh thu tính đến ngày 5-9 vẫn chỉ hơn 4,5 tỉ đồng.

Sức hút của các phim Việt ra rạp với khán giả được đánh giá thấp, điều này đồng nghĩa nhà sản xuất sẽ đối mặt với thua lỗ.

Trước đó, phim "Duyên ma" của đạo diễn Khánh Toàn – Tâm Nguyễn chỉ thu được hơn 6,7 tỉ đồng, theo thống kê của Box Office Việt Nam. Phim "Là mây trên bầu trời của ai đó" do đạo diễn Thanadit Pradit chỉ thu về hơn 514 triệu đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, một số phim điện ảnh Việt có doanh thu khá thấp có thể kể như: "Mưu kế thượng lưu", "Mến gái miền Tây", "Qua bển làm chi", "Ê ông già yêu ha", "Mỹ nhân thần sách", "Những cô vợ hành động", "Kẻ thứ ba", "578: Phát đạn của kẻ điên", "Kẻ đào mồ"…

Theo những người trong cuộc, phim "Cù lao xác sống" không có sức hút vì kỹ thuật phim chưa tốt như kỳ vọng nên không tạo được hiệu ứng truyền miệng. Phim nào không thể tạo được hiệu ứng tốt sẽ khó có thể lôi kéo nhiều khán giả đến rạp thưởng thức.

"Phim "Môn phái võ mèo: Huyền thoại một chú chó" khi mới ra rạp cũng chưa tạo sức hút ngay mà phải qua 1-2 ngày thì mới vượt so với các phim khác cùng thời điểm" – ông Đoàn Thạch Cương, Giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema, cho biết.

Chưa thuyết phục được số đông

Loạt phim Việt không tạo được sức hút với khán giả thời gian gần đây được nhận định là vì kịch bản chưa hay, tác phẩm nhiều điểm trừ so với điểm cộng dẫn đến chưa thể tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt, thuyết phục số đông.

Phim "Cù lao xác sống" được kỳ vọng tạo điểm nhấn riêng nhưng lại có kịch bản đầy sạn. Phim thất bại trong việc dung hòa giữa yếu tố hài hước và kinh dị khiến kinh dị không ra chất kinh dị và hài hước lại thái quá, kém duyên. Những tình tiết bản địa như cải lương được cài cắm vào phim chưa hợp lý, chưa thuyết phục.

Phim "Vô diện sát nhân" cốt truyện cũ kỹ, ôm đồm nhiều vấn đề nhưng lại không đào sâu, giải quyết triệt để dẫn đến hời hợt, chân dung nhân vật chưa được khắc họa rõ nét. Phim "Duyên ma" được đánh giá kịch bản theo lối mòn nhàm chán, diễn xuất gượng gạo.

Nhiều khán giả nhận định trên các trang phim, diễn đàn phim: "Phim điện ảnh mà xem như web-drama (phim chiếu mạng), nội dung hời hợt, thiếu đầu tư, ngán ngẩm"; "Tôi từ lâu không xem phim Việt, ra rạp tôi xem phim nước ngoài cho an tâm về chất lượng"; "Nghỉ lễ đi xem hoạt hình mà hay hơn phim Việt"…

Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay khán giả bây giờ không quan tâm phim thuộc thể loại, chủ đề nào mà chỉ cần một câu chuyện hay, được kể thuyết phục là sẽ kéo được khán giả ra rạp thưởng thức.

"Khán giả Việt hiện nay chọn phim theo hướng an toàn, tin tưởng phim có thương hiệu, phim có phần trước thành công nay ra các phần tiếp theo. Phim Việt muốn bảo đảm doanh thu cần phải có nội dung phù hợp với thị hiếu khán giả, để tạo độ truyền miệng tốt sau khi tác phẩm ra rạp" – ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành V Pictures kiêm giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam, nhìn nhận.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng độ truyền miệng giữ vai trò quan trọng với điện ảnh Việt hiện nay. Một phim nếu không tạo được hiệu ứng này sẽ rất khó được khán giả biết đến, khó thu hút khán giả.

Theo các nhà chuyên môn, hiệu ứng truyền miệng là một yếu tố quan trọng góp phần giúp một tác phẩm có thể “lội ngược dòng” doanh thu ở rạp. Trong năm 2022, thị trường phim Việt từng có 3 tác phẩm lội ngược dòng thành công là phim “Nhà không bán”, “Bẫy ngọt ngào” và “Đêm tối rực rỡ”. Điểm chung của cả 3 phim này là “kịch bản ổn và diễn xuất tốt”, góp phần tạo hiệu ứng truyền miệng tích cực, lôi kéo khán giả đến rạp.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)