Thời gian qua, có hai mảng đề tài phim Việt thu hút khán giả đến rạp cũng như ngồi xem trước màn ảnh nhỏ đó là mảng đề tài về gia đình và kinh dị!
Cảnh trong phim “Chạm vào hạnh phúc”
Gia đình, tình mẹ con – đề tài không bao giờ cũ!
Chỉ trong vòng vài năm nhưng phim Việt nhanh chóng lấy lại hào quang cũng như vị thế vốn có bằng cách mang đến những câu chuyện gia đình đời thường, gần gũi. Chính việc tái hiện lại hoàn cảnh của các gia đình Việt Nam đã giúp bộ phim đến gần hơn với khán giả.
Năm 2023, phòng vé thu về doanh thu hàng trăm tỉ đồng qua phim điện ảnh xoay quanh câu chuyện mâu thuẫn từ gia đình như Nhà bà Nữ, Con Nhót mót chồng, Chạm vào hạnh phúc… Những bộ phim truyền hình xoay quanh đề tài gia đình là những bộ phim được khán giả Việt quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình như phim Mẹ Rơm, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về, Đừng làm mẹ cáu, Dưới bóng cây hạnh phúc… Hay bộ phim gần đây là Gia đình mình vui bất thình lình đã tái hiện cuộc sống của đại gia đình khi các thành viên dù đã kết hôn nhưng vẫn chọn chung sống với bố mẹ.
Lần đầu tiên làm phim về đề tài gia đình, không mời ngôi sao hạng A, không nhấn mạnh những mâu thuẫn kịch tính, đạo diễn Lý Hải chỉ khai thác những lát cắt giản dị trong cuộc sống trong Lật mặt 7: Một điều ước hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc nhưng vẫn lấy được nhiều tiếng cười và nước mắt của người xem.
Bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền) tần tảo sớm hôm nuôi lớn 5 người con từ ngày thơ bé. Khi lớn lên, chỉ có Ba Lành (Đinh Y Nhung đóng) là sống ở gần nhà bà để đỡ đần chăm sóc, còn 4 người con khác là Hai Khôn (Trương Minh Cường), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh), Sáu Tâm (Trần Kim Hải) lưu lạc đi khắp nơi mưu sinh.
Cảnh trong phim “Lật mặt 7: Một điều ước”
Một lần bà Hai bị tai nạn gãy chân nhưng không người chăm sóc nên các con chia nhau đưa bà về nhà một tuần để phụng dưỡng. Ban đầu khán giả sẽ nghĩ rằng con cái bà Hai không hiếu thảo khi đùn đẩy trách nhiệm với nhau. Thế nhưng, khi cùng bà đi dọc từ Bắc đến Nam thì người xem mới hiểu rõ hoàn cảnh bất đắc dĩ của người con với 5 gia đình nhỏ có những nỗi lo toan, khó khăn riêng trong cuộc sống. Các tình huống trong phim theo nhịp khá nhanh, khiến khán giả có lúc vui vẻ, xúc động, hồi hộp… theo từng gia đình nhỏ, để tìm ra câu trả lời cho “một điều ước” của người mẹ là gì.
“Đề tài tình cảm mẹ con, gia đình quen thuộc nhưng không bao giờ cũ, lại càng có nhiều nét mới mẻ hơn qua góc nhìn của Lý Hải. Những chi tiết nhỏ nhưng tinh tế trong phim phản ánh đúng nỗi lòng của mọi người, nhất là giới trẻ. Mỗi độ tuổi đều có những thử thách phải đối diện trong cuộc sống. Chính lúc khó khăn là khi mọi người có thể tìm đến vòng tay che chở của gia đình…” – nhà biên kịch Thanh Hương nhận định!
Phim kinh dị luôn có chỗ đứng
Theo nhà thơ – nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt thì khoảng 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt với việc khai phá thêm đề tài mới cộng với sự xuất hiện của một thế hệ đạo diễn trẻ sáng tạo, chịu chơi hơn… Một vệt xu hướng làm phim dựa trên những câu chuyện dân gian, truyền thuyết đô thị dần rõ nét trên màn ảnh rộng…
Từ Bắc Kim Thang cho đến Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu… và sắp tới đây là Linh Miêu, Bà Chằng, Đèn âm hồn… đều dựa trên rất nhiều tích dân gian đã được người Việt Nam biết đến bao nhiêu năm tháng qua. Trong đó, Quỷ cẩu trở thành một cột mốc lịch sử của dòng phim kinh dị, tâm linh Việt khi đứng vào hàng ngũ của các phim vượt mốc 100 tỷ đồng phòng vé.
Phim kinh dị rõ ràng luôn có một chỗ đứng nhất định trong thị hiếu của khán giả ra rạp, bất kể là mùa phim nào trong năm. Thể loại này cũng là thể loại có mức đầu tư kinh phí sản xuất tương đối thấp nhất.
Được biết, dự án Đèn âm hồn của đạo diễn trẻ Hoàng Nam chuẩn bị khởi quay vào tháng 8-2024, dự kiến ra rạp vào mùa phim Tết 2025.
“Được biết, mùa phim Tết 2025 bên cạnh bộ phim đề tài gia đình mà Trấn Thành đã tiết lộ với khán giả, có thêm bộ phim Chuyến xe như ý của Thu Trang – Tiến Luật, và Đèn âm hồn góp mặt thêm vào danh sách này với màu sắc tâm linh… Có vẻ như, khi năm 2024 đã dần trôi đến thời điểm giữa năm thì mùa phim Tết 2025 cũng đã vào guồng xuất phát. Chỉ hy vọng, mỗi bộ phim trong mùa phim Tết 2025 sẽ đều là một món ăn ngon, để khán giả hài lòng khi ra rạp vào một dịp đặc biệt nhất trong năm. Và cũng là mùa phim có thể sẽ chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử nữa về mặt doanh thu của thị trường điện ảnh nội địa” – nhà thơ – nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt kỳ vọng! |
Hoàng Nam được xem là một trong những YouTuber thế hệ đầu ở Việt Nam với kênh Challenge Me có hơn 4 triệu người đăng ký. Rất nhiều nội dung mà Hoàng Nam từng làm đều liên quan đến chủ đề tâm linh, bí ẩn, những địa danh độc lạ trên khắp Việt Nam…
Xuất thân là dân Học viện Báo chí tuyên truyền của Hà Nội, từng làm báo rồi sau đó làm YouTuber xong lại chuyển hướng qua con đường điện ảnh… Hoàng Nam cho biết, thật ra cuối cùng mình chỉ là đi đường vòng để đi đến niềm đam mê cuối cùng là làm ra một bộ phim mà mình muốn làm và khán giả muốn xem.
Cho đến một ngày cách đây 3 năm, nguồn cảm hứng từ câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương đã lóe lên trong tâm trí của Nam. Rồi từ đó câu chuyện của Đèn âm hồn bắt đầu hình thành dần đường dây câu chuyện.
Đèn âm hồn khởi nguồn từ câu chuyện một ngày nọ hai mẹ con ở một ngôi làng đi thăm mộ của người mẹ chồng vừa mất. Trong lúc viếng mộ, đứa con nhỏ vô tình nhặt được một chiếc đèn dầu gần đó rồi mang về nhà. Một buổi đêm, đứa con hỏi người mẹ về cha của mình… Vì không biết tung tích sống chết của người cha đã đi lính biền biệt nhiều năm, người mẹ mới nghĩ cách thắp cây đèn dầu – mà đứa con mang về – rồi chỉ vào chiếc bóng trên bức tường, nói với con đó chính là cha… Chỉ là người mẹ không ngờ, vào giây phút chỉ muốn xoa dịu nỗi khát khao thương nhớ cha của đứa con bé bỏng, mà bà đã đánh thức một linh hồn quỷ dữ từ chiếc đèn dầu. Từ đó, những tai ương kỳ lạ bắt đầu xuất hiện ở khắp nơi trong làng…
Đèn âm hồn chọn bối cảnh chính ở Cao Bằng để dựng nên ngôi làng trong phim, rất có thể sẽ tạo nên một trong những bối cảnh phim độc đáo nhất của điện ảnh Việt.
Anh Khôi
Bình luận (0)