Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Điện Biên qua hồi ức anh chiến sĩ liên lạc

Tạp Chí Giáo Dục

Đại tá Đinh Công Ty
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi vinh dự gặp được một trong hàng vạn chiến sĩ đã góp phần viết nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc Việt Nam 60 năm về trước ở trận chiến Điện Biên Phủ – đó là Đại tá Đinh Công Ty.
Chiến sĩ liên lạc Đại đội 3 (Đại đoàn 312) Đinh Công Ty (quê Thanh Hóa) có mặt trong trận mở đầu chiến dịch Him Lam – Điện Biên Phủ khi là một thanh niên vừa tròn 20 tuổi. Nay đã bước sang tuổi 80, ông phác họa lại cho chúng tôi biết về trận đánh Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa.
Kế hoạch đánh Phân khu 1
Từ ngày 20-11-1953, Pháp đã bố trí nhiều tiểu đoàn dù ở Điện Biên Phủ hòng xây dựng Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Theo đó, các công sự, nhiều ngọn đồi và Sân bay Mường Thanh đã được Pháp củng cố. Đại tá Ty cho biết, Điện Biên Phủ có đến 49 cứ điểm bao gồm 3 phân khu. Trận mở màn Him Lam theo kế hoạch là ngày 20-1-1954 nhưng lùi lại đến 13-3. Khi thay đổi phương án đánh thì pháo đã được kéo lên, mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đó. Vì vậy việc kéo pháo ra còn gian nan hơn cả khi kéo vào. Ngày 4-3-1954, tướng De Castries tiếp đón tướng Navarre và tướng Cogny lên thăm Điện Biên Phủ nói: “Chỉ sợ chúng (bộ đội Việt Nam – NV) không đánh. Chỉ cần chúng tấn công để ta kết thúc sớm”. Tướng Cogny còn nói: “Không nên làm điều gì cho Việt Minh thay đổi quyết định. Chúng ta sẽ thắng lớn nếu Việt Minh đánh. Sẽ là một thảm họa tinh thần nếu Việt Minh không đánh”. Thời gian này, Navarre còn cho gửi truyền đơn thách thức với giọng điệu xem thường ta: “Nghe tin ngài Võ Nguyên Giáp mang quân vào ăn Tết ở Điện Biên Phủ, chúng tôi sẵn sàng tiếp đón…”. Không chỉ thế, chúng còn cho gọi loa: “Mời ngài Giáp lên Điện Biên ăn Tết”.
Tuy nhiên, một đội quân hơn ta cả về lực lượng lẫn vũ khí chiến đấu lại lầm, mọi kế hoạch ta đã chuẩn bị sẵn, quân ta đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Hệ thống giao thông hào khoảng 70km nối nhau từ các hướng với chiều rộng 1,7m, sâu 1,2m tạo thế xuất phát tấn công. Lương thực, vũ khí cũng đã tập kết cho trận đánh được xác định là có thể kéo dài sang mùa mưa. Các kế hoạch chuẩn bị cho trận đánh được diễn ra ngày đêm nhưng Pháp không hề hay biết. Trước đó, Đại đoàn “thép” 308 cũng đã cấp tốc sang phía thượng Lào nhưng đã có lệnh rút về đóng quân chờ nổ súng. Rồi trong tháng 1-1954, pháo ta lại kéo ra do thay đổi phương án “đánh nhanh thắng nhanh” bằng “đánh chắc thắng chắc”, đó cũng là lý do Pháp nghĩ rằng chúng ta đã bỏ cuộc.
Đại tá Ty kể: Him Lam là cụm cứ điểm phòng thủ ở phía Bắc đánh từ Tuần Giáo vào có 3 lô cốt. Ở đó có một tiểu đoàn lính Âu – Phi gồm 1.700 quân tinh nhuệ từng tham chiến ở chiến tranh thế giới thứ hai và là một cứ điểm có hệ thống lô cốt, hầm ngầm chằng chịt. Thế nhưng quân Pháp thất bại nặng nề bởi chúng không nghĩ rằng tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta lớn đến vậy. “Vùng rừng núi Tây Bắc rộng trên 20.000km2, chỉ có 8,5 vạn người/km2 nhưng có hàng vạn dân công phục vụ chiến dịch và những đội quân xe đạp (20.000 người), đội quân sửa đường, hội đồng cung cấp (sau này là hậu cần – PV)…”, Đại tá Ty minh chứng.
Giờ G
Nhắc lại những tháng ngày trong lòng chảo Điện Biên Phủ, Đại tá Ty nói: Đó là những đợt tấn công ác liệt và cam go. Chiến sĩ ta xuất sắc vượt qua hàng kẽm gai các loại, từ kiểu bùng nhùng đến dạng giàn mướp kéo dài hơn 200m, ở đó còn treo đủ các loại mìn và có dẫn điện để bảo vệ…
Bao nhiêu ngày mong đợi, toàn mặt trận rất háo hức chờ lệnh nổ súng. Ngày 13-3-1954, đồng chí Lê Trọng Tấn, chỉ huy Đại đoàn 312 lệnh đánh mở màn Phân khu 1 gồm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo vừa để cảnh cáo Pháp vừa thử tầm pháo. Pháp dùng mọi cách ngăn chặn quân ta, máy bay, pháo từ các hướng đồng loạt phản công dữ dội. 17 giờ 5 phút ngày 13-3, 40 khẩu pháo của ta từ các hướng nhả đạn. Kết quả là hầu hết lính của căn cứ Him Lam đã bị tiêu diệt. Người cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên đồi Him Lam là chiến sĩ Nguyễn Hữu Oanh (quê Thanh Hóa). Riêng căn cứ Độc Lập xảy ra giằng co giữa ta và Pháp đến 2 giờ mới giành được chiến thắng. Trước hai mũi tấn công của ta, tại cứ điểm Bản Kéo, Pháp đã đầu hàng khi ta chưa nổ súng.
Nhắc lại những tháng ngày trong lòng chảo Điện Biên Phủ, Đại tá Ty nói: Đó là những đợt tấn công ác liệt và cam go. Chiến sĩ ta xuất sắc vượt qua hàng kẽm gai các loại, từ kiểu bùng nhùng đến dạng giàn mướp kéo dài hơn 200m, ở đó còn treo đủ các loại mìn và có dẫn điện để bảo vệ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là phá đường để xung phong. Đại đội 58 (Tiểu đoàn 428, Đại đoàn 312) do Phan Đình Giót chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá phá hàng kẽm gai để bộ đội từ các hướng tiến lên. (Phan Đình Giót cũng là chiến sĩ đầu tiên hy sinh tại mặt trận Him Lam – PV).
Sáng 15-3, Pi rớt, Tổng chỉ huy pháo binh của Pháp từng tuyên bố “Chỉ cần phản pháo 10 phút là pháo của Việt Nam sẽ câm họng và sau hai ngày sẽ nghiền nát…”, phải nổ mìn tự sát vì bại trận. Sau cái chết của Pi rớt, tướng De Castries sợ ảnh hưởng đến tinh thần của binh lính nên đã bí mật cho đào hố chôn xác.
Đại tá Ty nhận định: “Khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, điển hình là trận Điện Biên Phủ vô cùng mãnh liệt của quân và dân ta. Giao thông hào không chỉ là nơi để chiến đấu mà mọi sinh hoạt ăn, ngủ, đọc thư người thân… cũng diễn ra ở đó. Gian khổ, hiểm nguy nhưng không hề nao núng, tất cả một lòng đứng lên trước họng súng của kẻ thù”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã ca ngợi tinh thần quyết chiến quyết thắng của chiến sĩ Điện Biên Phủ: “…56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đại tá Đinh Công Ty đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chính ủy Trung đoàn Xe ô tô vận tải (Bộ Tư lệnh 559 – Trường Sơn); Chính ủy Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần). Hiện nay ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành TW Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Phó ban Bộ đội Trường Sơn TP.HCM.
 

Bình luận (0)