Tòa soạnThư đi – tin lại

Diễn đàn: Bạo lực học đường – Ngăn chặn bằng cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Học sinh chưa được quan tâm đúng mức!

Học sinh tham gia vào các sân chơi âm nhạc học đường lành mạnh sẽ hạn chế được tình trạng BLHĐ.   Ảnh: S.M

Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc trước một số video clip nữ sinh các trường THPT đánh bạn. Bản thân tôi thật sự bị sốc khi đứa con gái học lớp 9 của mình mở trang báo điện tử cho tôi xem ngay sau khi “sự kiện” đó vừa được tung lên mạng. Có thể thấy đây là phần lỗi từ phía các em học sinh (HS), vì không có ngôi trường nào cho phép HS đánh nhau cả. Xét về mặt tâm lý, động cơ đánh bạn trước hết là do HS thường hay cố chấp, không biết nhường nhịn nhau. Trước đây, HS được giáo dục theo đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” thì bây giờ hầu hết các em chỉ biết đến lợi ích cá nhân mà quên đi những người xung quanh. Quan niệm của trước kia nếu ai biết nhường nhịn người khác thì “phần thắng” sẽ về mình, còn bây giờ các em lại cho rằng nếu nhân nhượng người khác thì ắt hẳn mình sẽ chịu phần thua thiệt(!). Trong nhà trường, mâu thuẫn hàng ngày của các em không lớn, chỉ là những xích mích nhỏ nhặt. Nhưng các em đã quá đề cao “cái tôi” của mình nên chỉ cần một vài lời nói qua lại là cả 2 bên “nộ khí xung thiên”. Do những giá trị vật chất trong cuộc sống đang được đề cao và có phần được tôn vinh nên giới trẻ đang dần bị lãng quên những giá trị văn hóa và tinh thần, trong đó có đạo đức học đường. Thế nhưng, tại sao vẫn còn rất nhiều HS chăm ngoan, đạo đức tốt? Qua báo chí, chúng ta biết được những HS đánh bạn đa số đã nghỉ học, hoặc nếu đang đến trường thì cũng là HS hư, cá biệt. Những em đó thường có hoàn cảnh gia đình éo le như cha mẹ ly hôn, phải sống với gia đình khác, thiếu vắng người chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn. Rõ ràng, nguyên nhân từ phía gia đình không nhỏ.
Một câu hỏi lại được đặt ra, thế sao nhà trường không giáo dục các em? Có đấy chứ. Nhưng xét cho cùng thì chương trình giáo dục bây giờ đã quá lỗi thời. Vẫn chỉ là những lời rao giảng đạo đức lý thuyết, thiếu tính cập nhật nên không còn phù hợp với tình hình xã hội, đời sống và tâm sinh lý HS. Các bài học về giáo dục công dân cũng đang xa rời cuộc sống thực tế, ít đem lại những giá trị cụ thể để HS soi rọi từ trong đó, cho nên, các em đang thiếu dần kỹ năng sống. Giữa HS – giáo viên vẫn có một khoảng cách và các em chưa đủ niềm tin để tâm tình, trò chuyện cũng như bộc lộ những cảm xúc của mình. Còn ngoài xã hội lại có rất nhiều vấn đề đang từng ngày tác động xấu đến giới trẻ (trong đó có nền tảng đạo đức và những giá trị về văn hóa), trong lúc tuổi đời các em còn quá non nớt chưa định hướng đúng để có thể “miễn dịch” được với tất cả. Sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức của người lớn đã làm cho các em đi sai đường, lạc lối và chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
THÁI THƯƠNG
(Quận Bình Tân – TP.HCM)
 
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh
Đó là ý kiến của thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh. Theo thầy, học sinh (HS) bậc trung học đang ở giai đoạn trưởng thành về tâm sinh lý, các em có nhu cầu khẳng định bản thân và rất dễ bị kích động bởi các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ) thuộc về tình cảm. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường phải là bạn đồng hành để các em dễ dàng tâm sự, hỏi ý kiến về hành động của mình bất cứ lúc nào. Khi hiện tượng bạo lực xảy ra ở HS, phụ huynh và nhà trường nên xử lý tình huống một cách mềm dẻo, lắng nghe ý kiến của các em để các em có cơ hội sửa lỗi. Ngoài ra, lối sống của người lớn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giới trẻ, vì vậy chúng ta phải là những tấm gương sáng để các em noi theo.

 
Còn với bạn Nguyễn Minh Nam (HS Trường THPT Bà Điểm) thì hạn chế tình trạng BLHĐ, bên cạnh việc giáo dục đạo đức nhà trường cần đưa ra những hình thức kỷ luật cho HS biết khi mới vào trường. “Ngay từ ngày đầu tiên em bước vào cổng trường đã được thầy cô phổ biến các hình thức kỷ luật rất hay. Đối với khối lớp 10 và 11, HS đánh nhau sẽ chịu hình thức kỷ luật là rèn luyện hè, chủ yếu ở đây là lao động, dọn vệ sinh trường học. Còn đối với HS lớp 12 thì sẽ bị hạ hạnh kiểm và đình chỉ thi tốt nghiệp. Với những hình thức kỷ luật như vậy, chắc chắn các bạn sẽ cẩn trọng hơn trong cách hành xử của mình. Ngoài ra, trường học nên thành lập một phòng tâm lý chuyên giải đáp thắc mắc cũng như là nơi để HS có thể nêu ra ý kiến, tâm sự vì không phải bạn nào cũng có thể kể chuyện của mình với bố mẹ, nhất là những chuyện xấu. Từ đó, các “chuyên gia” tâm lý ở trường sẽ đưa ra những lời khuyên giúp HS có cách ứng xử tốt hơn”, Nam cho biết như thế!

 
Một phụ huynh ở Q.8 tâm sự: “Vì quá nuông chiều con nên mọi ý kiến, hành động của cháu chúng tôi đều cho là đúng. Thậm chí, khi nhà trường mời phụ huynh lên để giải quyết việc đánh nhau của con ở trường, chúng tôi còn ra sức bênh vực cháu. Hậu quả là đến giữa năm 12, cháu bỏ học và chơi bời với đám bạn lêu lổng, đi cướp giật bị công an đưa đi cải tạo. Các bậc cha mẹ quá nuông chiều con là vô tình tiếp tay với cái xấu. Hãy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em và có cách xử phạt phân minh”.
DƯƠNG BÌNH

 

 

Bình luận (0)