Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Biết khơi dậy niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy cô không có gì phải ngại ngùng khi giao việc phù hợp với sở thích và năng khiếu HS như trang trí, nấu ăn, dựng trại. Ảnh: N.Anh
Là giáo viên chủ nhiệm tôi thấy đa số học sinh(HS) chưa ngoan thường có một số tính cách nổi trội như cương quyết, mạnh mẽ và lý lẽ cũng không phải là thiếu sắc bén.
Dù vi phạm nhiều khuyết điểm nhưng các em ít thấy cái sai của mình. Tới lúc thầy cô hay bạn bè nhắc nhở hoặc góp ý phê bình thì cự nự, chống đối. Nếu gặp người thầy làm việc theo mệnh lệnh, quá áp đặt thì đôi khi rất dễ hỏng việc. Mặc dù thầy cô đúng nhưng lại chưa đủ lý lẽ để thuyết phục các em nên thường dẫn đến những xung đột tự phát giữa thầy và trò. Kết quả cuối cùng là mâu thuẫn ban đầu chưa được giải quyết thì đã nảy sinh ra bất đồng khác tiếp theo. Vì thế có nhiều vụ việc “nhỏ như ngón tay” nhưng giữa thầy và trò thiếu sự chia sẻ, hòa hợp lại cứ phát sinh thêm cuối cùng phải nhờ hội đồng kỷ luật giải quyết.
Theo tôi, người thầy không nên phủ nhận hết mọi ý kiến của học trò, dù ý kiến các em có sai. Điều đó có nghĩa là phải tôn trọng ý kiến học sinh, phải xem xét thấy ý kiến nào đúng thì thầy cô tìm cách bảo vệ và ủng hộ với một tinh thần khách quan. Người có kinh nghiệm có thể đặt mình vào vị trí của các em xem thử hành động đó xuất phát từ đâu? Vì sao các em lại có những việc làm và thái độ như vậy? Điều đó cũng giống như chuyện cư xử trong cuộc sống phải “biết người biết ta”. Nếu thầy cô có một góc nhìn như vậy chắc chắn mọi vấn đề thầy cô giải quyết HS đều “tâm phục khẩu phục”. Nhưng tiếc thay vẫn có một số thầy cô luôn suy nghĩ rằng những điều gì mình nói ra cũng đúng hết và ngược lại, học trò hư thì việc làm cũng đã sai chứ nói gì đến lời nói. Tuy không nói trắng ra nhưng có người cho đó là đứa mất dạy, hỗn láo, vô lễ… khó mà giáo dục được theo kiểu “botay.com”. Vì phủ nhận tất cả nên chúng ta luôn “chụp mũ” và quy kết mọi vấn đề “lên đầu lên cổ” các em.
Tính cách nổi trội của các em HS chưa ngoan còn thể hiện ở tài vặt, khéo léo và năng nổ trong những công việc khác. Vì thế thầy cô không có gì phải ngại ngùng khi giao việc cho các em làm, từ việc đơn giản như lau bảng, vệ sinh, lấy micrô đến các công việc khác phù hợp với sở thích và năng khiếu như trang trí, nấu ăn, dựng trại… Cũng đừng tiếc những lời khen khi các em làm được việc tốt hoặc chưa ngoan nhưng đã có tiến bộ tốt. Nhiều giáo viên đã thật sự vui mừng và bất ngờ khi thấy HS của mình như được “lột xác” qua một giờ sinh hoạt tập thể, qua một buổi học ngoại khóa hay một ngày hội trại. Thầy cô hãy vui với những thành tích dù bé nhỏ của các em và chia sẻ cả những thất bại của chúng nữa. Một HS hư, hỗn láo với thầy nhưng khi em bị tai nạn giáo viên cũng nên thăm hỏi, dù chỉ là một lời nói. Chính trong hoàn cảnh đó các em mới hiểu được tấm lòng của người lớn và thiện chí của thầy cô. Không nên che giấu tình cảm của mình đối với học trò, luôn tạo được sự thân thiện gần gũi với những HS “có vấn đề” trong sinh hoạt, học tập. Bày tỏ tình cảm của mình một cách đúng mực thì các em sẽ vị nể và tôn trọng thầy cô hơn. Riêng với những trường hợp ương bướng, vô lễ… chỉ khi giáo viên trải lòng thì các em mới dám chia sẻ. Điều đó cũng có thể cắt nghĩa được vì sao nhà sư phạm lỗi lạc Ma-ca-ren-cô đã cảm hóa được hàng trăm trẻ bụi đời, vô gia cư trong trường nuôi dạy trẻ đặc biệt.
Luôn bị chê trách, phê bình nên HS chưa ngoan thường tự ti mặc cảm, nhưng khi nhận được lời khen hay động viên của thầy cô thì các em mới lấy lại được niềm tin và coi thầy cô là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Chính niềm tin sẽ đem lại bản lĩnh sống để các em đứng dậy vững vàng hơn trong cuộc sống.
Lê Anh Tuấn
(GV Trường THPT Phan Đăng Lưu)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)