Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, dạy bảo các em nên người
|
Nhà trường giáo dục học sinh (HS) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến hành vi của các em. Tôi cho rằng, bên cạnh nhà trường, gia đình (GĐ) là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi cư xử, thái độ của HS. Vì thế, GĐ và nhà trường cần phải tích cực hợp tác với nhau để dạy bảo các em nên người.
GĐ là nền tảng giáo dục
Hầu hết các GĐ trẻ hiện nay chỉ sinh từ một đến hai con nên các em thường được bố mẹ nuông chiều. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của con người hiện được nâng cao hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều HS được các bậc phụ huynh đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu mà các em muốn. Vì thế, vô hình trung một số GĐ đã tạo cho các em tính vị kỷ, suy nghĩ mình hơn hẳn những người khác, muốn làm cái gì cũng được miễn là có tiền mà thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh.
Phải thừa nhận rằng khi kinh tế GĐ ổn định thì đời sống HS cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại một nghịch lý là nhiều GĐ có kinh tế khá giả nhưng lại thiếu quan tâm đến cuộc sống tinh thần của con mình. Vì quá bận rộn với công việc nên một số phụ huynh không còn thời gian để chia sẻ với các em, khi các em thức thì bố mẹ còn đi làm, khi các em ngủ thì bố mẹ mới về nhà. Sống trong GĐ nhưng thiếu đi tiếng nói của sự sẻ chia để giãi bày tâm sự nên lên lớp các em lại trút hết những suy nghĩ của mình với bạn bè. Những câu chuyện của các em dường như chẳng bao giờ muốn dứt và đôi lúc lấn sang cả giờ học gây mất trật tự trong lớp, bị giáo viên phê bình.
Bên cạnh đó, chính vì thiếu sự quan tâm chia sẻ, không quản lý được thời gian con mình đi đâu, làm gì nên các em dễ bị bạn bè lôi kéo chơi nhiều hơn học, đặc biệt là chơi game – một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động như hiện nay. Chính vì những hậu quả khó lường này, tôi nghĩ dù thời gian bận rộn thế nào thì các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, chia sẻ để hiểu con hơn, đồng thời đưa ra những lời khuyên để ngăn chặn kịp thời hành vi chưa ngoan của các con.
Đối với các GĐ có hoàn cảnh khó khăn, ngoài giờ học các em phải đi làm thêm để phụ giúp gánh nặng cho GĐ. Đây là điều đáng quý đối với mỗi HS nhưng khi để các em tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà người lớn chưa có những quan tâm đúng mức thì cũng rất nguy hiểm cho các em. HS đang ở độ tuổi bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn nên rất dễ bị bạn bè xấu lôi kéo vào các tệ nạn ngoài xã hội.
Ngoài việc xét về hoàn cảnh kinh tế GĐ, thì trong cuộc sống, bố mẹ cần phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Nếu sống trong một GĐ có nề nếp, bố mẹ nghiêm túc, thương yêu hòa thuận lẫn nhau thì sẽ tạo cho con cái một nền tảng tốt để biết phấn đấu vươn lên. Nếu sống trong một GĐ không hòa thuận, bố mẹ có những hành vi tiêu cực thì có thể ảnh hưởng xấu đến các em như sự vô tâm, hành động vi phạm pháp luật, không tôn trọng nếp sống cộng đồng, xử sự thiếu văn hóa… Một số GĐ đang nêu gương xấu hàng ngày cho các em như không chấp hành Luật giao thông, xả rác bừa bãi… Chúng ta cần phải chấn chỉnh lại ngay vì những hành động này rất dễ đi vào nhận thức và hành động của các em.
Cần xây dựng trường học thân thiện
Cùng với GĐ, nhà trường cũng là một nhân tố quan trọng trong việc giáo dục HS, đặc biệt là đối với những em chưa ngoan. Vì thế, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo cho các em có một môi trường thân thiện.
Bộ GD-ĐT đã đưa ra phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, tôi thấy rằng, đây là hoạt động rất thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, tư cách cho các em, kéo những em chưa ngoan về với một môi trường thân thiện, học tập chăm ngoan. Để thực hiện được mục tiêu này, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là giải quyết những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện để các em được đến trường an toàn, thân thiện, vui vẻ. Đồng thời, cho các em thanh gia vào những hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng một cách hứng thú, với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo. Phong trào này đã được thực hiện trong những năm gần đây và tôi thấy rằng hiệu quả của nó rất cao. Môi trường thân thiện sẽ tạo cho HS vui thú khi hòa nhập với cộng đồng, đồng thời cũng tích cực phấn đấu hơn để cùng bạn bè tiến bước khi đến trường. Trang bị những kỹ năng sống cho HS trong nội dung xây dựng phong trào này cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các em bình tĩnh, tự tin ứng xử với môi trường bên ngoài và có bản lĩnh trước mọi hành vi lôi kéo của cái xấu để trở thành những HS ngoan.
Là một giáo viên đứng lớp, chúng ta phải thấy rằng nhiệm vụ của mình không chỉ là dạy chữ mà còn là dạy người. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì giáo viên cũng cần học các kỹ năng sống để nắm bắt được tâm lý của HS và có những cách giải quyết chu đáo, tốt đẹp nhất dành cho các em. Chúng ta cần phải biết rằng, độ tuổi các em đang phát triển mạnh về tâm sinh lý, suy nghĩ và hành động chưa được chín chắn nên nhiều lúc đã có những hành động thiếu suy nghĩ, xúc phạm đến bạn bè, thậm chí là ngay cả bản thân giáo viên. Lúc đó, người thầy phải bình tĩnh giải quyết tình huống, cần phải biết lúc nào nhu, lúc nào cương để làm cho các em hiểu ra vấn đề, biết có lỗi và lần sau không tái phạm nữa.
Bên cạnh việc dạy từ lời ăn, tiếng nói, cách cư xử cho HS thì chúng ta cũng nên quan tâm đế hoàn cảnh sống của các em ở ngoài môi trường nhà trường. Vì thế, giáo viên không chỉ phải hiểu rõ tâm lý của các em mà còn phải kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để có những phương án kịp thời, thích hợp giáo dục các em, đưa các em trở về với môi trường học thân thiện.
Hoàng Thị Lê An
(Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q. 1)
“Một trong những mục tiêu mà tôi rất tâm đắc là: Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội” – Cô Hoàng Thị Lê An chia sẻ.
|
Bình luận (0)