Sự gần gũi của giáo viên càng nhiều, càng giúp HS nhận ra tình thương yêu của thầy cô đối với mình. Ảnh: P.N.Q
|
Trong ngành giáo dục, chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến cụm từ “học sinh cá biệt” và mặc nhiên gán cho những em này nhiều hệ lụy khác: khó dạy, không thể học được… mà quên đi vai trò của người giáo viên chủ nhiệm cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục đối với các em học sinh (HS) này.
Tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc “cá biệt”
Ông bà ta đã dạy rằng “Nhân tri sơ, tính bổn thiện”, con người khi sinh ra, ai cũng rất dễ thương, trong sáng và chẳng có những điều gì để chê trách cả. Nhưng từ khi biết phân biệt đúng sai, phải trái và được cắp sách đến trường thì nhân cách của các em bắt đầu được hình thành và phát triển. Việc các em trở thành “cá biệt” không phải do tự mình tạo ra mà do hoàn cảnh môi trường sống, do sự tiếp cận của các em trong môi trường xung quanh. Và điều quan trọng hơn nữa tạo ra chất xúc tác để đưa các em trở thành “HS cá biệt” là do yếu tố của gia đình. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra tâm lý bất cần của không ít HS thời nay, bởi gia đình các em không được đầm ấm, bố mẹ ly tán, hay bận túi bụi vào công việc mà bỏ quên đi các em. Chính vì vậy, các em không còn chỗ dựa về mặt tình cảm, không có sự yêu thương và giáo dục của gia đình nên dễ sa đà vào con đường vui chơi và bỏ quên việc học. Tâm sự với chúng tôi, nhiều em đã bộc bạch về hoàn cảnh của mình một cách chua xót “Ôi, nhắc đến ông ấy làm gì, miễn là đến tháng ổng cho tiền thì em lấy, còn ổng làm gì, mặc kệ vì ông có vợ bé mà!”. Lời các em nói dường như để xua tan đi nỗi buồn u uất trong lòng, các em nói không cần, không cần nhưng trong tâm hồn vẫn mong có một người cha để lấp khoảng trống cho các em. Như vậy, nếu HS vào trường học, thể hiện thái độ không hợp tác cùng giáo viên thì việc đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cá biệt” của các em này, đừng vội quyết định ngay: Em này không muốn học, hay em này không thể dạy được… Nếu chúng ta làm như vậy, rất có thể dẫn đến những quyết định sai trong cách giải quyết và đối xử với các em. Theo tôi, giáo viên nên bình tĩnh, kiên trì tìm hiểu rõ nguyên nhân của từng em để hiểu rõ hành vi mà các em đang thể hiện. Từ đó, giáo viên có hướng giáo dục tốt hơn, đưa các em trở về “quỹ đạo” chung theo mục tiêu đào tạo con người vừa hồng, vừa chuyên.
Lấy tình thương của mình để ấp ủ các em
Đối với những HS “cá biệt”, người giáo viên giỏi cần thể hiện bản lĩnh của mình không chỉ trong việc truyền thụ kiến thức cho các em mà còn ở sự gần gũi, quan tâm của giáo viên đối với các em. Sự gần gũi của giáo viên càng nhiều, càng giúp các em nhận ra tình thương yêu của thầy cô đối với mình, để từ đó các em có thể vơi đi những ưu tư trong lòng mà mình không tiện nói ra. Và chính sự gần gũi, xem các em là bạn, hòa mình vào các hoạt động chung sẽ làm cho các em thêm tự tin hơn. Từ đó, các em sẽ dễ dàng bộc bạch những tâm sự của mình, những trắc ẩn làm cho mình buồn dẫn đến thái độ lơ là trong việc học. Sự yêu thương của người thầy trong những trường hợp này là rất cần thiết. Đó là liều thuốc bổ giúp các em trở về trạng thái cân bằng và tiếp tục học tốt hơn.
Tóm lại, việc giáo dục HS “cá biệt” không chỉ một chiều, một thời gian ngắn mà phải là việc làm thường xuyên, kiên trì của gia đình, nhà trường và xã hội để quan tâm, giáo dục các em theo hướng tốt. Làm được điều này, chúng ta sẽ giảm bớt những hành vi bột phát do không tự chủ của các em này, làm giảm đi những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Điều quan trọng hơn là sự yêu thương, gần gũi của giáo viên để giúp các em trở về với bản tính thiện, giúp các em nhận ra những hành vi tốt xung quanh bằng chính tình yêu thương của người thầy. Có như vậy, các em sẽ không còn sai phạm và nhà trường chúng ta sẽ không còn những HS “cá biệt” nữa.
Trần Minh Duy
(GV Trường Quốc tế Việt Úc)
Việc giáo dục HS “cá biệt” không chỉ một chiều, một thời gian ngắn mà phải là việc làm thường xuyên, kiên trì của gia đình, nhà trường và xã hội để quan tâm, giáo dục các em theo hướng tốt.
|
Bình luận (0)