Hai năm đứng trên bục giảng ở một trường quốc tế, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều tính cách của học sinh (HS) tiểu học, trong đó có nhiều em chưa ngoan.
Điều mà tôi được trải nghiệm sâu sắc nhất là sau những lần tiếp xúc với các em đó, tôi lại nảy sinh ra rất nhiều vấn đề để tự hỏi bản thân đã dạy tốt chưa, mình cần làm gì để thay đổi các em HS của mình. Theo kinh nghiệm, tôi thấy rằng HS chưa ngoan đúng là có rất nhiều kiểu, có những HS kém nhưng khá ngoan, dễ dạy; có những em học kém và ý thức cũng kém luôn; và có cả những HS học khá, thông minh nhưng ý thức kém.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS chưa ngoan, theo tôi là do bản thân các em quá hiếu động hoặc là ở dạng tự kỷ. Chẳng hạn như có em suốt giờ học chỉ ngồi gọt bút chì hay tập trung vào một cái gì đó mà giáo viên gọi mãi không nghe, hoặc khi gọi thì trả lời ngơ ngác nhưng vẫn làm bài đạt điểm trung bình; có em gọi trả lời bài nhưng không nói gì, hỏi gì cũng không nói mà làm bài cực nhanh, thi thoảng lầm lì. Nếu gặp trường hợp như vậy, tốt nhất giáo viên không nên hỏi đến vì có thể làm tình hình thêm tồi tệ mà nên tiếp tục theo dõi các em. Tôi xin đưa ra hai trường hợp cụ thể về hai HS lớp 2 mà tôi đã từng dạy để chứng minh cho những điều trên.
1. Đây là một HS rất hiếu động, thích gây sự chú ý của các bạn, một “chuyên gia” nói chuyện riêng và có những hành động gây mất trật tự trong lớp như nói năng tự do làm cho cả lớp cười. Có hôm tôi đang giảng bài, gọi em đứng dậy trả lời thì em bắt chước giọng của danh hài Thành Lộc trong đĩa CD nói một cách tự do: xem ngay xưa ngay xua chua? Cai bai co ông thân đât va bô tôc Châu Phi ây… Em này bắt chước giọng (nói giọng kiểu mất dấu) là để gây cười cho các bạn. Lúc đó, tôi chỉ còn cách là nói với em rằng “Cảm ơn con đã cho cả lớp cười sảng khoái, nhưng đây là giờ học mình cần phải tập trung, nếu sau giờ học, vẫn còn dư thời gian thì cô sẽ nhờ con giúp cả lớp cùng cười nhé”. Là giáo viên, cần phải hiểu tâm lý của các em để biết lúc nào cần phải quát và nghiêm túc, lúc nào cần phải nhẹ nhàng. Nếu lúc đó, tôi thiếu bình tĩnh mà quát em thì chắc chắn sẽ phản tác dụng ngay. Những giờ học sau, tôi đặc biệt chú ý đến em hơn, thường xuyên nhờ giúp mình làm một số việc như phát bút, vở cho các bạn, giúp cô làm cái này cái khác tốt hơn. Tôi canh me khi nào em có hành động tốt là khen ngợi ngay lập tức. Sau một thời gian ngắn, vì thấy mình giúp cô làm những việc có ích nên cậu bé bắt đầu thay đổi, ngoan hơn nhiều và không còn làm mất trật tự trong lớp học nữa.
2. Trường hợp thứ hai thì ngược lại hoàn toàn với HS trên. Em HS này rất lười nên học tập chưa được tốt (đối với những em HS lười như vậy thường thì chữ viết khá cẩu thả vì chỉ lo học xong là chơi). Đặc biệt em thích được khen, nhưng khi cô giáo khen thì lại có phản ứng ngay, đại loại nói rằng “con không ngoan, con chẳng bao giờ ngoan và giỏi cả…”. Biết mình còn kém, nhưng bản thân em lại không nỗ lực để học tốt hơn mà hay có những hành động tự do, không tuân theo kỷ luật lớp. Chẳng hạn như ngồi trong lớp sách vở vứt lung tung, bút đang cầm trên tay tự nhiên quẳng đi, ngồi quay ngang quay dọc, không tập trung vào bài học. Những HS như vậy, theo tôi, giáo viên nên thường xuyên động viên, khích lệ các em. Trường hợp em này, cách giải quyết của giáo viên sẽ khó khăn hơn em HS ở trên vì em hay dỗi, nếu không khéo sẽ làm cho em dễ tự ái hơn. Với tính cách như vậy, chắc chắn em sẽ chú ý đến thái độ của giáo viên hơn, vì vậy khi em có những hành động chưa ngoan thì mình thường nghiêm mặt, nhắc nhở nhẹ nhàng. Chẳng hạn như nhắc nhở chung cả lớp “Cô khen bạn nào đang ngồi đúng tư thế của HS ngoan”, thế là em ngồi ngay ngắn lại. Hay khi em vứt bút, mình biết thừa nhưng phải nhắc nhở chung “vở bút là bạn, chúng mình cần giữ cẩn thận, nếu làm rơi nhiều, bút nhanh hư là chưa biết tiết kiệm”… Sau những lần nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng nghiêm mặt như thế, em dần dần kiểm soát lại hành động chưa tốt của mình mà không cần giáo viên phải trực tiếp nói nặng lời.
Qua quá trình giảng dạy, tôi thường xuyên gặp những HS chưa ngoan, trên đây chỉ là một vài ví dụ cụ thể trong rất nhiều trường hợp mà chắc chắn các giáo viên khác cũng gặp phải. Tôi thấy rằng, để dạy dỗ các em chưa ngoan thành ngoan, chúng ta cần phải có lòng yêu trẻ để phát hiện và giúp đỡ các em. Mình có lòng thương các em thì mình sẽ tìm cách hiểu tâm lý của các em để dạy dỗ tốt hơn.
Nguyễn Thị Hồng
(GV Trường Quốc tế Canada)
Bình luận (0)