Khi gặp mọi vấn đề nảy sinh từ học sinh cá biệt, dù khó chịu đến đâu, giáo viên cũng phải bình tĩnh xử lý khéo léo với tấm lòng thiện cảm (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều
|
Số học sinh (HS) cá biệt được hiểu theo nghĩa là những em chưa ngoan, tiêu biểu như hư, hỗn, chậm tiến, khó dạy không nhiều trong từng lớp, song vấn đề là đã làm thao thức tâm can nhiều giáo viên chủ nhiệm.
Cô Kim Hồng ở Trường THCS Gò Vấp 2 (Q. Gò Vấp) tâm sự: “Giáo dục HS thường đã khó, giáo dục HS cá biệt tốn hao công sức gấp nhiều lần, nhưng rồi đôi khi vẫn phải cay đắng nhận thấy mình bất lực”. Cô Ngân Hà ở Trường Tiểu học An Nhơn (Q. Gò Vấp) cũng khẳng định: “Giáo dục HS chậm tiến có hiệu quả là một công việc lâu dài, phức tạp, thậm chí làm giáo viên đau đầu, nản chí. Tuy nhiên, nếu giáo viên kiên trì nhẫn nại, thực tâm yêu trẻ, sáng suốt tìm ra được những giải pháp thích hợp, thì dù chông gai đến đâu ta cũng vượt qua được. Từ nhận thức đó, nhiều giáo viên chủ nhiệm bằng thực tế của mình đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quí.
Trước hết, người giáo viên chủ nhiệm phải hiểu được rõ mọi ngọn nguồn làm HS đó chậm tiến. Khi gặp mọi tình huống, mọi vấn đề nảy sinh từ HS cá biệt, dù tiêu cực, phức tạp, khó chịu đến đâu, giáo viên cũng phải bình tĩnh, xử lý khéo léo với tấm lòng thiện cảm, tôn trọng, tin yêu. Cố gắng tìm ra nét mạnh, điểm sáng để khai thác, tạo môi trường không gian cho nó bùng phát, giúp các em xóa dần những mặc cảm tiêu cực, thiết lập dần niềm tin sâu sắc nơi chính mình. Việc giáo dục HS cá biệt cũng chỉ thành công khi giáo viên chủ nhiệm biết tìm cách tạo ra xung quanh HS đó một môi trường sư phạm tốt đẹp ở mọi nơi mọi lúc (có nghĩa là HS cá biệt chỉ tiến bộ khi được học tập, rèn luyện trong một tập thể lớp tiến bộ, có tinh thần tự quản cao, có ý thức giúp nhau cùng tiến bộ với sự cảm thông và tin yêu chân thành). Với các giáo viên bộ môn và gia đình, giáo viên chủ nhiệm cũng phải tạo được một mối quan hệ sư phạm thống nhất, cùng góp phần giáo dục HS cá biệt đó.
Tóm lại, trong việc giáo dục HS cá biệt, người giáo viên chủ nhiệm không chỉ trực tiếp giáo dục em HS đó, mà còn tạo ra những điều kiện để em HS đó còn có được sự thương yêu, giúp đỡ, giáo dục của tập thể lớp, của nhóm bạn thân, của các giáo viên khác và của gia đình.
Cô Trần Ngọc Hồng ở Trường THCS An Nhơn (Q. Gò Vấp) đã kể rất cảm động một trường hợp như sau: Ngày ấy em Hải là một HS lớp 94 có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ba em bỏ gia đình đi với vợ nhỏ khi mẹ bị bệnh bán thân bất toại. Hận cha bỏ mẹ, em sống bất cần đời không cần ai. Đến lớp muốn học thì học, muốn phá thì phá. Thấy cha mẹ các bạn đến rước sau giờ học, em căm ghét lấy đá ném chọc ghẹo. “Giận thì giận, thương càng thương”, cô Hồng đã chủ động đến với Hải bằng một việc làm khiến em không thể không mủi lòng xúc động: Cô đã mời được thầy châm cứu từ thiện ở phường về nhà chữa bệnh cho mẹ em. Để em vơi bớt nỗi mặc cảm về sự trống trải, bạc bẽo, cô đã bàn với cán bộ lớp thường xuyên đến giúp bạn, không chỉ chuyện học tập mà cả chuyện cơm nước, bếp núc. Cô còn vận động cả lớp nuôi heo đất để Tết về có tiền mua tặng Hải bộ quần áo mới. Thương em, muốn tạo nhiều cơ hội để gần để giúp em, cô đã luyện tay nghề bất đắc dĩ và đã trở thành thợ hớt tóc có uy tín dành riêng cho em và những HS cá biệt khác ở lớp. Em Hải xúc động thực sự, coi cô như người mẹ thứ hai. Mọi chuyện to nhỏ, buồn vui, em đều tìm đến cô để giãi bày. Em đã nhanh chóng từng bước tự nhận ra mình và tiến bộ trông thấy. Cuối năm đó thật ít ai ngờ em đã trở thành HS tiên tiến. Bây giờ Hải đã trở thành anh bộ đội đóng quân ở Long Xuyên (An Giang). Mỗi lần về phép em không quên tới thăm cô trong niềm xúc động khôn xiết của cả cô và trò.
Khi đã tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, với trách nhiệm và tấm lòng cao cả, thì mọi giáo viên chủ nhiệm đều có thể tìm ra con đường đi tới hạnh phúc trong giáo dục HS cá biệt như cô Hồng đã làm. Đúng như Makarenko đã khẳng định: “Không sợ học sinh hỏng mà chỉ sợ phương pháp giáo dục hỏng”.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Việc giáo dục thành công một HS cá biệt là một công trình. Nó là phần thưởng vô giá cho cuộc đời nhà giáo.
|
Bình luận (0)