Giao HS làm những công việc như trồng cây, vệ sinh trường, lớp… sẽ giúp các em tự tin, không còn cảm giác e ngại (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Minh Duy
|
Học sinh (HS) hư ở trường tôi chủ yếu rơi vào những em lớn tuổi (do đối tượng phổ cập học ghép với phổ thông nên có em 13, 14 tuổi vẫn ngồi trên ghế lớp 4). Sự chênh lệch tuổi đã phần nào ảnh hưởng đến cách dạy và hiệu quả giáo dục của giáo viên. Những em HS này khôn hơn, thường “cầm đầu” các em nhỏ và bày mưu để nghịch phá. Trong khi đó, các em nhỏ thì lại sợ, phải “chấp hành mệnh lệnh” thủ lĩnh, nếu không thì khó yên thân. Khi bị la và nhắc nhở thì các “anh cả” này không nghe lời và hay tự ái, giận dỗi.
Tôi biết trường hợp một em HS có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương: ba làm nghề thợ hồ, luôn say xỉn ít quan tâm tới con, còn mẹ thì bỏ nhà đi từ lâu. Vào lớp em HS này hay chọc phá các bạn trong lớp. Dù biết hoàn cảnh của em nhưng không vì thế mà giáo viên chủ nhiệm bỏ qua vi phạm của em đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cô chủ nhiệm cũng tìm cách gần gũi trò chuyện với em. Hàng ngày, vào giờ ra chơi, cô gặp em để hỏi thăm tâm sự, nhẹ nhàng chỉ cho em thấy cái sai và lẽ đúng. Khi thấy em tiến bộ làm được việc tốt thì nhanh chóng động viên, khuyến khích kịp thời. Lúc đầu giao em làm những việc nhỏ trong lớp, sau đó đưa lên làm tổ trưởng, rồi làm cả công tác Đội nữa. Không ngờ em HS này làm rất tốt vai… quản trò, hướng dẫn nghi thức. Khi thấy không còn khoảng cách và hết tự ti e ngại, em đã chủ động đến tâm sự với giáo viên. Cuối năm học em không chỉ là trò ngoan mà còn đạt danh hiệu HS tiên tiến.
Có thể nói tâm trạng của giáo viên khi có HS chưa ngoan là chán nản, nhiều khi muốn buông xuôi, chỉ mong các em phấn đấu bình thường thôi, đừng vi phạm gì là tốt lắm rồi. Thế nhưng, nếu giáo viên biết “gõ đúng cửa” thì vẫn có thể giáo dục các em trở thành HS chăm ngoan.
Qua các trường hợp trên, tôi thấy thầy cô nên giao việc cho HS làm, nhất là các em HS cá biệt. Bởi vì hầu hết các em đều thích được tự khẳng định mình và thực tế cho thấy những HS cá biệt có một năng lực nào đó nổi trội hơn. Ngoài ra, HS cá biệt thường là những em có gia đình khó khăn nên nhà trường và đoàn thể cần có sự hỗ trợ về vật chất như tặng quà, áo quần, sách vở… Đó cũng là cách động viên và tạo cơ hội để được gần với các em hơn.
Nguyễn Thị Kim Loan
(Phó hiệu trưởng Trường TH Đào Sơn Tây, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)