Học sinh “cá biệt” có nhiều trường hợp, nhưng nếu giáo viên biết cách giáo dục cũng thuần phục được, tuy có mất nhiều thời gian và công sức.
Tôi nhớ cách đây mấy năm, lớp tôi chủ nhiệm có em Nguyễn Văn H. – một thành viên vô cùng đặc biệt: tính tình cộc cằn, thường xuyên gây sự và đánh lộn với bạn bè, không thầy cô nào chịu xiết. H. đánh nhau đến mức nhà trường hết phê bình, khiển trách rồi đến cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường thế mà vẫn chứng nào tật nấy. Ai cũng có cảm giác ngày nào em không đánh nhau là chân tay ngứa ngáy không chịu được. Và khi không còn biện pháp kỷ luật nhẹ nào nữa nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật cao hơn là đuổi học một tuần. Nhưng, vài tháng sau có một vụ đánh nhau giữa học sinh (HS) trong trường, H. lại là người có mặt trong đó. Liên tục vi phạm nên mức kỷ luật không thể như trước mà bắt đầu tăng lên, cuối cùng hội đồng kỷ luật nhà trường đưa ra quyết định đuổi học một năm. Hoàn cảnh gia đình em H. – theo tôi biết – vốn chẳng may mắn gì. Ba đi làm phụ hồ, em phải sống với mẹ nên thiếu người chỉ bảo. Hình thức kỷ luật lần này rất xứng đáng với bề dày “thành tích quậy” của em. Mọi người cho rằng bị đuổi học không còn là chuyện oan ức đối với cậu học trò ngỗ ngược này.
Thế nhưng từ kinh nghiệm của đồng nghiệp và bản thân, tôi nghĩ nên có thêm cơ hội cho em H. và đặt niềm hy vọng vào em. Tôi đưa ra quyết định táo bạo là đứng ra bảo lãnh xin cho H. được tiếp tục đến trường, sau khi đem chuyện này trao đổi với một giáo viên khác trong trường và được thầy ủng hộ. Ban đầu tôi cũng lo lo vì nếu êm xuôi thì không sao, còn H. cứ tiếp tục “ngựa quen đường cũ” thì tôi không biết ăn nói với mọi người như thế nào đây. Nào ngờ, điều lo lắng của tôi đã không xảy ra, H. đã thay đổi tính tình, không còn quậy phá nữa. Nhiều người cho rằng chính tôi là người đã cảm hóa được em. Ai cũng thấy em thay đổi hẳn không còn là H. của ngày xưa nữa. Còn tôi chỉ nghĩ đơn giản, có thể em đã biết kiềm chế mình không phải vì ai khác mà vì những thầy cô đã đứng ra nhận hết trách nhiệm cho bản thân mình. Đúng như tôi dự đoán, em đã tâm sự rằng: “Nhiều lúc con cũng tự dằn lòng mình, nếu không vì thầy cô thì con lại đánh nhau nữa rồi”. Không những tay không “bị nhúng chàm” lần nào nữa mà em còn phát giác ra tội phạm khi thấy một thí sinh mang dao vào trường thi trong kỳ thi tốt nghiệp THCS năm đó và cùng bảo vệ nhà trường ngăn ngừa tội ác kịp thời. Bây giờ em H. đã trưởng thành, không đi học tiếp mà đã đi làm với nghề lái xe ổn định. Nếu năm đó nhà trường đuổi học biết đâu em đã trở thành kẻ hư hỏng do thiếu người giáo dục và trượt dài trên con dốc của cuộc đời. Câu chuyện em H. chỉ là một trong nhiều bài học về cách giáo dục trẻ hư trong nhà trường mà tôi đã gom nhặt được trong hơn 10 năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm ở trường THCS.
Đến lúc này tôi càng hiểu hơn giá trị đích thực của những tấm lòng cảm hóa của con người. Đó là, nếu thầy cô biết đặt niềm tin đúng chỗ cho học trò và trò nhận được lòng tin quý báu của thầy cô thì mọi việc không có gì khó khăn cả.
Bạch Thị Cẩm Vân
(nguyên GV Trường THCS Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)