Điều cốt lõi không phải là xử phạt khi HS có lỗi mà là cách xử phạt của giáo viên như thế nào? Ảnh: N.Anh
|
Có bao nhiêu tình huống xảy ra khi giáo dục học sinh (HS) cá biệt, chưa ngoan. Thất bại hay thành công không phải do “hên xui may rủi” mà điều quyết định chính là ở bản lĩnh và năng lực của người thầy, nhất là với các giáo viên chủ nhiệm.
Năm nay tôi chủ nhiệm lớp 12, trong lớp có nhiều HS có hoàn cảnh đặc biệt. Đa số các em không sống chung với ba mẹ mà nguyên nhân chính là gia đình tan vỡ. Có em sống với bố, có em sống với mẹ nhưng có trường hợp sống với họ hàng như ông bà, chú bác, cô dì… Chính hoàn cảnh đó đã “vẽ” nên nhân cách các em khi thiếu bàn tay chăm sóc và trái tim thương yêu của người thân. Vì thế, các em dễ mặc cảm, cho rằng mình bị gạt ra khỏi mái ấm gia đình. Hơn nữa, dù họ hàng rất thương yêu nhưng thật sự không quan tâm bằng lúc còn cha có mẹ. Các em ít bỏ qua khi bị ông bà, cô chú la mắng hay nhắc nhở dù mình là người phạm lỗi. Cá biệt, có em dù còn cha mẹ nhưng do áp lực công việc, cha mẹ đi làm từ sáng đến chiều tối nên cũng không “để ý” gì tới chuyện học, chuyện chơi của con cái mình. Trong lớp có em L.Đ.H thường xuyên đi trễ lại tụ tập đánh nhau, thế mà cha mẹ vẫn không hề hay biết, đến lúc giáo viên chủ nhiệm thông báo họ mới biết. Thế nhưng, khi được mời đến trường làm việc thì họ từ chối với lý do là… bận việc. Không những không hợp tác với giám thị mà phụ huynh này còn tuyên bố: “Nếu cần cứ cho con tôi nghỉ học”. Vừa thuyết phục về lý tôi phải thuyết phục cả về tình để cho phụ huynh thấy được trách nhiệm của gia đình đối với việc giáo dục con cái. Đến lúc đó họ mới chịu tới trường làm việc và cam kết sẽ quan tâm con mình hơn. Rõ ràng không phải phụ huynh nào cũng có trách nhiệm với con cái và biết hợp tác với thầy cô.
Chính vì thế giáo viên chủ nhiệm hãy là chiếc cầu nối bắt nhịp mối quan hệ giữa nhà trường và xã hội. Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh không bao giờ dư thừa cả. Mỗi lần tiếp xúc là mỗi dịp để chúng ta cung cấp thêm cho họ kiến thức về tâm lý, sư phạm, về quá trình học tập của các em trong thời gian ở trường. Vừa để hai bên có sự đồng cảm vừa kéo gần những khoảng cách còn lại. Mặt khác, giáo viên phải như người mẹ thứ hai của HS thì mới răn dạy các em tiến bộ được.
Ở lớp tôi chủ nhiệm xảy ra hiện tượng HS rải bột nhưng các em không biết hậu quả của nó mà chỉ suy nghĩ non dại là để mua vui và làm theo “thần tượng” khác trong lớp. Các em không chỉ bắt chước mà còn bao che cho nhau. Khi phát hiện thủ phạm, giáo viên phải xử có tình có lý, không nhân nhượng với lỗi của các em. Tuy nhiên đừng dồn các em vào thế bí mà phải biết mở cho HS một “con đường sống”. Có thể phạt bằng hình thức lao động chứ không mắng chửi hoặc bêu xấu vì như thế là xúc phạm và phạt nhiều các em dễ lờn mặt.
Tóm lại, điều cốt yếu không phải là xử phạt mà là cách xử phạt như thế nào và cũng không phạt theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, mà đã nói thì phải làm đừng để mất lòng tin và uy thế người thầy.
Nguyễn Thị Ngọc Phượng
(GV Trường THPT Hoàng Hoa Thám)
Bình luận (0)