Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Lấy “độc” trị độc!

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần tổ chức các hoạt động chung theo nhóm để giúp HS có cơ hội tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa theo từng chủ điểm. Ảnh: N.Anh
Lâu nay, khi nói đến những học sinh (HS) có những biểu hiện cá biệt trong lớp, hầu hết giáo viên (GV) đều cảm thấy gánh nặng đè lên vai họ vì trách nhiệm quá lớn đối với những em HS này.
Và đôi khi, GV đã “gạt” các em ra bên lề của lớp để rồi cái tính chưa ngoan của các em không những không được sửa dạy mà nó lại gặp điều kiện thuận lợi để phát triển thêm. Đó là lý do khiến không ít trường hợp HS cá biệt gây ra lỗi lầm do không làm chủ được bản thân, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Chọn các em làm người chỉ huy
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chọn các em HS chưa ngoan làm chỉ huy thì sẽ làm cho lớp rối thêm, vì chính các em này sẽ kéo thêm bè phái để quậy phá. Xin thưa, chưa chắc điều đó sẽ thành hiện thực. Mà trái lại, các em sẽ nhìn nhận được tại sao thầy cô giáo lại chọn mình? Chắc hẳn các em phải có một chút uy quyền nào đó. Chính vì vậy, các em sẽ hợp tác và giúp đỡ thầy cô giáo nhiều trong việc tự quản của lớp. Tôi đã thực hiện điều này khi gặp một số em quậy phá trong lớp. Theo đó, tôi đã sinh hoạt với lớp trong giờ sinh hoạt tập thể và chọn một em HS “đầu têu” quậy nhất trong lớp làm “lớp phó kỷ luật”. Đây là một chức vụ khá quan trọng trong bộ máy quản lý của lớp. Thế rồi, từ tuần tiếp theo, lớp đã có chuyển biến khác thường: Lớp ngoan hơn, nề nếp hơn. Vì chính em này đã làm nhiệm vụ giữ “trật tự – kỷ luật” của lớp nên không còn ai… dám quậy nữa và thế là, tôi không còn lo lắng vì lớp có HS quậy phá nữa.
Như vậy, việc chọn chính em có biểu hiện quậy phá để làm chỉ huy có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục HS một cách nhẹ nhàng, đề cao năng lực và vai trò của các em trong việc tự quản của lớp, chắc chắn lớp sẽ tiến bộ và các em sẽ ngoan hơn, đoàn kết hơn và điều quan trọng, các em sẽ nghe theo sự hướng dẫn chung của giáo viên.
Tạo nhiều hoạt động để các em tham gia
Bên cạnh việc chọn các em chưa ngoan làm chỉ huy trong việc cai quản lớp thì người GV cần tổ chức các hoạt động chung theo nhóm, để giúp các em có cơ hội tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa theo từng chủ điểm. Qua đó giúp các em có thời gian vui chơi, rèn kỹ năng, thái độ ứng xử… Ngoài ra còn giúp các em nhận ra điều tốt hay chưa tốt mà tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho có văn hóa, có lịch sự với mọi người chung quanh. Và như thế, việc giáo dục đạo đức cho các em một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả lại khả quan hơn, các em sẽ tự điều chỉnh được thái độ của mình mà không cần GV phải kè kè sát bên để dạy bảo. Nhà trường sẽ bớt đi và sẽ không còn những HS cá biệt nữa. Điều quan trọng hơn là, những hành vi ứng xử thô bạo đã và đang xảy ra hiện nay tại các nhà trường sẽ không còn chỗ đứng nếu GV chủ nhiệm hiểu rõ các em, biết cảm thông, biết đặt các em đúng chỗ với vai trò của mình trong lớp học; biết tạo nhiều hoạt động để qua đó, giúp các em hoàn thiện nhân cách của bản thân. Như vậy, nhà trường đã hoàn thành tốt trọng trách mà xã hội giao phó: Dạy chữ và dạy người để các em trở thành những con người thật sự có ích cho xã hội.
Trần Duy (quận Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)