Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Mưa dầm thấm lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Những trò chơi tổ chức trong nhà trường luôn gắn kết tình bạn giữa HS với HS, tình thầy trò. Ảnh: P.NQ
Học sinh (HS) trường tư thục, ngoài các em học giỏi, ngoan hiền, còn lại nhiều em cũng “có vấn đề” như học lực yếu, thiếu ý thức. Tất cả cũng do môi trường bên ngoài xã hội và trong gia đình làm ảnh hưởng đến đạo đức, tính cách của từng em.
Gần đây, có một số HS mắc bệnh tự kỷ, ít nói, ít giao thiệp với thầy cô và cả bạn bè. Đây là những HS thiếu sự quan tâm của cha mẹ, gia đình, trong đó có em học khá giỏi. Giáo viên chủ nhiệm muốn tiếp cận các HS này cũng không phải dễ vì các em thường tìm cách xa lánh. Đối với những em này, muốn trò chuyện phải tìm những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi, tốt nhất là lấy những bài tập ra để “lấy câu chuyện làm quà”. Nói một cách khác là phải “rà trúng đài” thì giáo viên mới “bắt được sóng” của HS. Năm rồi, tôi chủ nhiệm khối 12 có một em HS ở Đồng Nai, ngày thứ bảy cuối tuần em rất ít khi về nhà, trong lúc nhiều em khác ở xa hơn thì lại có cha mẹ đến đón về nhà rất đều đặn. Tôi chú ý thêm thì được biết, các buổi liên hoan, gặp gỡ trong lớp em HS này cũng “né” luôn. Tôi nghĩ là em có “vướng mắc” về chuyện tình cảm trong gia đình nên tìm cách tiếp cận để thay đổi lối sống của em. Sau đó, đúng như tôi dự đoán, giữa cha mẹ và em đã có một khoảng cách xa về tình cảm rất khó hàn gắn. Từ sự trống vắng đó em lại xa lánh bạn bè, mất lòng tin ở mọi người. Tuy nhiên, tôi không thể “bắt ép” em hòa nhập một cách “đốt cháy giai đoạn được”. Vì vậy, tôi sử dụng phương pháp như ông cha ta vẫn thường nói: “Mưa lâu thấm dần”. Chỉ hai tháng sau em đã tự thoát khỏi “vỏ ốc” của mình và bắt đầu hòa nhập với thầy cô, bạn bè.
Có được kết quả đó, theo tôi nghĩ, giáo viên chủ nhiệm luôn phải quan tâm tới từng học trò của mình, không nên “bỏ sót” một thành viên nào trong lớp. Hơn nữa, một điều kiện thuận lợi khác đó là môi trường nội trú luôn tạo khoảng cách gần gũi giữa thầy và trò. Không chỉ cùng sinh hoạt với các em trong hai buổi sáng – chiều như trường công lập mà còn cùng ăn, cùng ở với các em trong 24 giờ đồng hồ. Chính vì thế mà giáo viên chủ nhiệm thường xuyên có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với các em, hiểu hết cá tính, tâm tư của mỗi thành viên trong lớp để kịp thời động viên uốn nắn khi các em có biểu hiện hành vi xấu.
Theo tôi, giáo viên chủ nhiệm không chỉ quan tâm HS trong chuyện học mà cần quan tâm đến chuyện ăn ở, ngủ nghỉ và cả khi đau ốm. Lúc đó, thầy cô mới thực sự là người thân cận nhất của các em như một thành viên trong gia đình. Vì thế cũng rất dễ hiểu là có HS nghe lời thầy cô hơn cả bố mẹ. Ở trường nội trú thời gian học của HS rất nhiều nên theo kinh nghiệm của tôi là cứ thông qua bài học bộ môn mà giáo viên lồng ghép các bài học về đạo đức lối sống cho HS. Cụ thể, đối với các HS hay hút thuốc, giáo viên không chỉ phân tích tác hại của khói thuốc mà còn phải tìm cách giáo dục để thuyết phục được từng em. Bằng chứng là lớp 12A2 do tôi chủ nhiệm năm nay, có 32 nam sinh nhưng không còn em nào hút thuốc sau khi nghe tôi phân tích tác hại khói thuốc. Thông qua đó kết quả học tập cũng tăng lên.
Hiện nay tệ nạn xã hội thường rình rập ngay trước cổng trường. Không chỉ tiệm internet, bi-da… mà có một số thanh niên hư hỏng tụ tập để lôi kéo HS bằng mọi cách. Vì thế nhà trường cũng cần phải lưu ý chuyện này chứ không thể cho rằng những gì ở bên ngoài thì nhà trường không quản lý. Ở trường tôi, thỉnh thoảng một số giáo viên đi một vòng các khu vực lân cận bên ngoài trường như đi tuần để ngăn ngừa các nhóm HS tụ tập, đàn đúm.
Phan Văn Thịnh
(GV Trường THPT tư thục Hồng Đức)
Hiện nay tệ nạn xã hội thường rình rập ngay trước cổng trường, không chỉ tiệm internet, bi-da… mà có một số thanh niên hư hỏng tụ tập để lôi kéo HS bằng mọi cách.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)