Cần hướng HS tiểu học vào các hoạt động vui chơi để các em luôn sống đoàn kết, giúp đỡ nhau. Ảnh: T.Tri
|
Khi nghe các cô giáo chủ nhiệm giới thiệu về quyền và bổn phận của trẻ em, HS có thể trả lời vanh vách rằng “các em phải thương yêu cha mẹ, kính trọng ông bà, giúp đỡ em nhỏ hoặc cần phải học tập tốt để cha mẹ vui lòng, không được đánh bạn, không chơi những trò chơi bạo lực, nguy hiểm, không được tự ý bỏ học…”. Nhưng đó là lí thuyết, còn thực hành thì sao? Rất đa dạng và phong phú.
Những em tự giác thực hiện tốt đa phần do có thế mạnh có người lớn xung quanh là tấm gương để các em noi theo, môi trường xung quanh lành mạnh không có chỗ để các thói hư tật xấu dung thân. Nói như thế không có nghĩa là những tấm gương tốt sinh ra những tấm gương tốt, những con người xấu lại sản sinh những đứa con không ngoan.
1. Cha mẹ sinh con ra ai cũng mong muốn con trở thành người tốt và có ích cho xã hội, nhưng cách giáo dục và phương pháp giáo dục, cách đối nhân xử thế của mọi người xung quanh đã ảnh hưởng ít nhiều đến đạo đức của trẻ. Tôi xin kể ra hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Em H – học trò của tôi cách đây 2 năm – là HS lớp 4 nhưng lớn hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi, đã thể hiện mình là đàn anh không phải về học tập mà là về chuyện trai gái. Năm đó tôi triển khai cho giáo viên phương pháp dạy học tích cực, có một hình thức là làm hộp thư vui. Bức thư mà em gửi cho một bạn gái trong lớp không hề hồn nhiên (toàn là những từ ngữ của chốn phòng the nhưng rất tục tĩu, trong thư rủ bạn gái làm những hành động của người lớn). Sau khi nhận được bức thư từ em nữ sinh, tôi cùng cô hiệu phó tìm hiểu ngay chính H: “Sao con viết được bức thư này?”, em kể một cách tự nhiên (mang vẻ chả sợ ai): “Buổi trưa ba mẹ hay vô nhà tắm khép cửa con nhìn vô thấy hoài”.
Trường hợp 2: Em Th. học lớp 2 là nữ nhưng luôn miệng chửi những từ không thể chấp nhận được. Tôi hỏi thăm bác bảo vệ của trường (người cùng xóm), bác bảo vệ trả lời: “Từ cha đến mẹ và cả những người trong gia đình Th. đều chửi như thế”. Và có lần tôi chứng kiến, cha em Th. chửi kế toán của trường vì kế toán gửi thông báo đóng tiền nhầm.
2. Với quyển Đổi mới phương pháp quản lí lớp học bằng các biện pháp dạy học tích cực của Nhà xuất bản Giáo dục, ở trang 7, tôi đã đọc được lời nhắn nhủ của Albert Einsten: “Đối với hiệu trưởng của một trường học, điều tồi tệ nhất có lẽ là làm việc theo phương pháp tạo ra sự sợ hãi, áp lực và uy quyền giả tạo. Cách làm việc như vậy hủy hoại những tình cảm lành mạnh, sự chính trực và lòng tự trọng của HS”.
Câu nhắn nhủ của ông ít nhiều cũng làm thay đổi trong tôi về phương pháp giáo dục HS, nhất là HS chưa ngoan. Mà nói đúng hơn là làm thay đổi trong tôi rất nhiều: tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm cách gần gũi với các em chưa ngoan, tôi cố gắng suy nghĩ ra những lời khuyên để đánh động đến giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ cần phải đối xử công bằng với các em chưa ngoan khi các em thể hiện một việc làm tốt (vì tôi từng nghe những câu: Ôi nó ngoan, giỏi lắm chừng một bữa à; Nó giả đò ngoan khi có cô đến đó; chắc chắn nó lấy chứ ai vì năm trước nó từng ăn cắp cây bút thằng Huy nhét vào lai quần…), rồi trong lúc dạy cũng vậy, cả lớp nhiều em nói chuyện, các cô cứ đè những em chưa ngoan mà la để đe những em khác. Tôi thường nói vui với các cô giáo: “Đánh nó chữ trong đầu nó bay hết cũng vậy thôi, công trình nãy giờ cô dạy nó cũng như không. Hoặc: Đánh nó, nó đau quá làm sao nhớ được chữ gì mà viết”. Đối với phụ huynh, tôi khuyên: “Nhiều khi trong cơn nóng giận mình đánh nó túi bụi nhỡ để lại thương tích thì nguy, hoặc nó sợ quá bỏ nhà đi luôn…”.
3. Riêng đối với tôi, khi được giáo viên “trả” một em HS chưa ngoan là có suy nghĩ “giáo viên đang nóng lắm, lúc này mà nói, mà khuyên chắc cũng chẳng ăn thua gì, còn đối với HS này chắc điều chưa ngoan lặp lại thường xuyên, hoặc chí ít duy chỉ một lần này nhưng nặng lắm đây”. Với biện pháp la rầy hay đánh là không thể vì vi phạm nhân cách HS. Thôi thì dụ nó tự kể tội và hứa không tái phạm. Theo tôi, khi HS đã biết lỗi rồi thì hơi đâu ngồi lập lại cái tội đó nữa, mình nên hướng và khuyên cái mình cần như em H. ở trường hợp 1: khuyên em tránh viết những lời lẽ như trong thư; như em Th. ở trường hợp 2: từ rày đừng chửi thề nữa nha, xấu lắm.
Tuy nhiên, với biện pháp khuyên bằng lời như vậy không phải lúc nào cũng được kết quả như mong muốn, có lúc vừa hứa xong, bước ra cửa đã cười tươi coi như không có chuyện gì xảy ra, tôi cũng giận nhưng nén lại và vỗ vai các em mà nói: “Làm lỗi mà cười như thế là không nên”.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)
“Với cái khuyên bằng lời trước mắt chưa có kết quả tức thì nhưng chí ít cũng có được số đông HS tin tưởng và góp phần “phát hiện” lỗi các em khác, và một lần như thế là tôi gần gũi ít nhất là 2 HS (1 bị lỗi, 1 phát hiện người lỗi) để có hướng giải quyết hiện tại và trong tương lai (nếu còn tái phạm)” – cô Trần Mỹ Lệ chia sẻ.
|
Bình luận (0)