Giáo viên phải luôn gần gũi trong các hoạt động để khôi phục lại sự tự tin vào khả năng đã mất của HS. Ảnh: Tr. Tri
|
Như một định mệnh, cả cuộc đời nhà giáo của tôi luôn gắn với học sinh (HS) “cá biệt”: bước vào nghề đã tiếp xúc với các em bổ túc văn hóa yếu kém, đến khi gần về hưu lại đến với các em hệ phổ thông ngoan giỏi. Tuy nằm ở hai đầu phân loại HS, các em đều có những điểm chung.
HS “cá biệt” là ai?
Đối với tôi, HS “cá biệt” là những HS có những tố chất tâm lý hoặc trí tuệ khác với các HS bình thường trong một lớp hoặc cùng trang lứa. Vì thế, mỗi khi xuất hiện ở trong lớp đầu năm học, là tất cả thầy cô cùng các bạn học nhận ra ngay bởi những “cá tính” chẳng giống ai và được thầy cô xếp ngay là HS “cá biệt”. Nhưng vì phần lớn các em nằm ở nhóm “vừa yếu văn hóa, vừa kém đạo đức” nên hễ được xếp là HS “cá biệt” thì thầy cô nào cũng “ngán”.
Riêng với tôi, có lẽ vì “có duyên” với các em, nên ở trường nào cũng được “ưu tiên” là chủ nhiệm các em “cá biệt” nhất, hoặc hầu hết HS “cá biệt” của một khối (thường là đầu cấp học). Tôi lại thích làm chủ nhiệm các em “cá biệt” hơn là với HS bình thường. Đó chính là vì các tố chất tâm lý và trí tuệ khác thường của các em, mà nếu thầy cô phát hiện được thì việc giáo dục, dạy bảo các em còn thú vị gấp nhiều lần, hiệu quả của giáo dục thường là “ngoài mong đợi” vì tất cả các em đều nhanh chóng trở thành HS “ngoan giỏi”. Chẳng phải vì tôi “giỏi” mà chỉ đơn giản là vì tôi đã vận dụng những “giáo học pháp” từ trên ghế nhà trường sư phạm và lời nhắc nhở: “Không có HS yếu kém mà chỉ có giáo viên kém”!
“Tam pháp bảo” của giáo viên chủ nhiệm
Đầu tiên, giáo viên hãy tin các em và khôi phục sự tự tin vào khả năng bản thân đã mất trong các em. Do mặc cảm yếu kém, các em hoặc thu mình lại, hoặc dễ dàng phản ứng mạnh với ai “đụng chạm” đến mình, dù đó là thầy cô hay bạn học. Vì thế đặt lòng tin vào các em bằng cách giao việc hợp với khả năng và “năng khiếu” của từng em là việc đầu tiên giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải làm. Chỉ có trên cơ sở nghiên cứu kỹ học bạ, tìm hiểu các bạn cùng lớp, GVCN các lớp dưới và sự tìm hiểu, quan sát hành vi ứng xử, hoạt động và trình độ học lực… của từng em để giao cho mỗi em một việc. Chẳng hạn như nếu điểm môn học khá hơn các em khác thì phân làm cán sự bộ môn; thích văn nghệ, thể thao… thì phân phụ trách đội bóng đá, bóng chuyền, ca hát… Còn lớp trưởng thì tôi thường chọn các em “đằm tính” được các bạn yêu quý dù học không giỏi. Tất cả dự kiến phân công của GVCN đều đưa ra thăm dò ý kiến các em để có sự đồng thuận, hoặc các em có thể chọn ra người phù hợp hơn. Trong trường hợp có em từ chối nhận nhiệm vụ, lúc đó GVCN sẽ trình bày lý do nào chọn em vào vị trí đó. Khi mỗi em một việc, chung lo cho lớp, các em sẽ thấy mình có “vai trò” trong lớp, sẽ đem hết sức mình làm tròn, đồng thời cũng gương mẫu và chấp hành yêu cầu của các bạn khác đối với mình vì lớp.
Để khôi phục sự tự tin vào khả năng bản thân đã mất trong các em thì các buổi sinh hoạt của GVCN có vai trò hết sức quan trọng. Trong buổi họp lớp này, GVCN cần nêu rõ những mặt tiến bộ của lớp (gián tiếp là khen các em phụ trách phần việc), những em có tiến bộ về điểm học tập từng bộ môn, nhất là những em đạt điểm cao trong tuần. Tôi còn nhớ trong lần trả bài kiểm tra 15 phút đầu tiên môn tôi dạy ở lớp chủ nhiệm, có nhiều em đạt điểm 10. Một em cầm bài thầy trả, đã run run thốt lên: “Lần đầu tiên trong đời em có được điểm 10 thầy ơi!”. Các em hỏi tôi: “Có phải thầy cho điểm “rẻ” không thầy?”. Tôi trả lời: “Không phải thầy cho điểm “rẻ” mà vì các em đã nắm được bài! Nếu các em chú ý nghe thầy cô giảng trên lớp, thì ở môn nào các em cũng sẽ được điểm cao như môn của thầy”. Kết quả học tập đó làm cho các em thêm tự tin và dần dần biết tập trung nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Nhiều thầy cô gặp tôi đã nói: “Lớp thầy lúc này đã chú ý nghe tôi giảng bài. Các em học trật tự và sôi nổi đóng góp cho bài giảng”.
Thứ hai là xây dựng một tập thể lớp tự quản. Khi mỗi em được GVCN tin tưởng giao nhiệm vụ của lớp, các em sẽ dần dần hiểu trách nhiệm và vai trò của mình trong tập thể. Từ đó sẽ dần hình thành một tập thể lớp tự quản, mọi thành viên của lớp mới có ý chí, có nghị lực và điều kiện để phấn đấu vươn lên về mọi mặt, cả về học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức. Đó cũng là cách mỗi em được giao việc phải nỗ lực tìm cách làm cho lớp tốt để tự khẳng định mình. Chính điều này đã làm cho tôi thích làm GVCN lớp có nhiều HS “cá biệt”.
Thứ ba, hết lòng yêu thương, chăm lo cho sự tiến bộ của từng HS trong lớp. Các em rất “nhạy cảm” với tình cảm chân thành của GVCN đối với mình. Tôi nhớ năm đầu tiên vào nghề đã được phân làm GVCN một lớp có nhiều HS “cá biệt” với tuổi đời chỉ kém thầy GVCN khoảng 10 tuổi. Có em chỉ gọi “thầy” trong giờ giảng, ngoài lúc trên lớp, em chỉ gọi tôi là “ông già”. Phần lớn cha mẹ các em đều ở miền Nam chiến đấu. Các em xa vắng sự chăm sóc, yêu thương của gia đình. Mỗi khi về thăm nhà ở Hà Nội, tôi vào cửa hàng bán bánh kẹo cho các “chuyên gia” nước ngoài để mua bánh ngon nhất về cho các em. Đồng lương của tôi chỉ đủ mua được 1 kí lô đã mất đứt nửa tháng lương. Tôi rất vui khi thấy các em vui vẻ đón thầy như cảnh tôi đứng ngoài ngõ đón mẹ đi chợ về thời thơ ấu.
Với lớp chủ nhiệm có nhiều HS “cá biệt” thì tình cảm của GVCN phải “san đều” cho tất cả mọi HS, không thiên vị dù chỉ là một biểu hiện nhỏ. Trong công tác chủ nhiệm, thì việc gặp gỡ em lớp trưởng thường xuyên hơn để nắm tình hình là việc làm cần thiết. Nhưng ngay năm đầu tiên làm chủ nhiệm, một hôm, một HS đến gặp tôi và nói với giọng buồn bã: “Thầy ơi! Các bạn nói thầy “thương” bạn lớp trưởng hơn chúng em!”. Câu nói này đã làm cho tôi đau nhói và hiểu: tôi phải chăm sóc, quan tâm, đối xử với các em “bình đẳng” như nhau, với tình thương như nhau. Đó cũng là một “thiệt thòi” lớn nhất đối với GVCN lớp “cá biệt” là: sẽ không có “đệ tử ruột” của từng lớp chủ nhiệm. Nhưng ngược lại, GVCN lớp “cá biệt” sẽ có những niềm vui khác là: đã giúp được tất cả các em “nên người”.
Nguyễn Hữu Danh
(Hội Cựu giáo chức TP.HCM)
Để khôi phục sự tự tin vào khả năng bản thân đã mất trong các em thì các buổi sinh hoạt của GVCN có vai trò hết sức quan trọng. Trong buổi họp lớp này, GVCN cần nêu rõ những mặt tiến bộ của lớp (gián tiếp là khen các em phụ trách phần việc), những em có tiến bộ về điểm học tập từng bộ môn… |
Bình luận (0)