Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Diễn đàn: “Dân ta phải biết sử ta”: Giải pháp từ nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tuyển sinh vào Đại học và cao đẳng năm 2011đã đưa ra những con số đáng báo động với số lượng hồ sơ xin dự thi vào các trường đại học, cao đẳng thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn quá thấp, có nhóm ngành chỉ từ 2 đến 3 thí sinh chọn 1, cá biệt có ngành số chỉ tiêu tuyển cao hơn số hồ sơ dự thi…
Trước tình hình ấy, dư luận báo chí đã vào cuộc mổ xẻ nguyên nhân, tìm ra giải pháp. Các nhà quản lý, các giáo sư, các nhà giáo tâm huyết, các bậc phụ huynh… đã phân tích chỉ ra những khiếm khuyết trong giáo dục một cách khá thuyết phục. Sau khi kết quả tuyển sinh vào đại học cao đẳng năm 2011 công bố thì cả xã hội giật mình vì các môn khối C, đặc biệt là môn Lịch sử là khó chấp nhận với hàng nghìn điểm không, số lượng bài thi từ điểm 5 trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì sao vậy?
Trước hết phải khẳng định đây là hiện tượng xã hội không bình thường, nguyên nhân không phải chỉ có ở ngày hôm nay mà còn do cả hôm qua, tích tụ dần để rồi bộc lộ, không chỉ do nhà trường, gia đình mà còn do cả xã hội… Như vậy phải đi tìm nguyên nhân ở tầm vĩ mô, trên cơ sở đó mới có giải pháp khắc phục, không thể năm một năm hai mà phải kiên trì. Tôi không phải là người nghiên cứu sử nhưng đã từng học sử, công việc hiện nay lại gần, rất cần đến sử, bài viết này tôi chỉ hy vọng là tiếng nói góp bàn. Đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này, do vậy tôi chỉ đưa ra những ý kiến mình thấy tâm đắc, cố không lặp lại hoặc đi sâu vào nguyên nhân, giải pháp mà các ý kiến đã có trước đó.
Giếng nước (thời Trần) trong Hoàng thành Thăng Long xưa. Ảnh: Kim Hoa
1. Về nguyên nhân xã hội. Không nói ra thì ai cũng thấy là cả xã hội ta hôm nay đua nhau làm kinh tế. Chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường là đúng quy luật nhưng chúng ta chưa thể khắc phục ngay mặt trái của nó. Chúng ta còn nhiều lúng túng trong việc hoạch định, điều tiết sự hài hòa các lợi ích kinh tế, văn hóa… là điều không tránh khỏi vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn… Cả xã hội làm kinh tế, các ngành nghề thuộc về kinh tế lên ngôi, những trường đại học thuộc khoa học tự nhiên có nhiều hồ sơ dự thi là dễ hiểu. Sinh viên khối các ngành kinh tế ra trường có nhiều cơ hội tìm việc, nhất là làm ở các đơn vị liên doanh với nước ngoài thì được hưởng lương cao. Sự hấp dẫn về lợi ích bao giờ cũng có sức thuyết phục. Thế là, như một lẽ tự nhiên, các ngành khoa học xã hội và nhân văn trở nên bị coi nhẹ.
2. Về nguyên nhân phân ban trong nhà trường phổ thông. Chúng ta đã thực hiện chương trình phân ban hơn chục năm, có nơi gần hai chục năm. Không phủ nhận cái được của phân ban là phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông ngay từ khi còn ở tuổi vị thành niên. Điều này giúp các em đầu tư thời gian công sức vào khu vực ngành nghề mình có thiên hướng, năng lực, sở trường. Nhưng mặt trái của nó lại nằm ngay ở cái được này. Điểm yếu căn cốt của vấn đề phân ban là chưa chú ý đến tâm lý lứa tuổi học sinh. Khi yêu cầu học sinh đăng ký ban học thì phần lớn học sinh xin vào học ban A, trong đó có cả những học sinh rất đuối về môn Toán, Lý, Hóa. Tôi đã dạy ở cấp phổ thông trung học 10 năm, từng chứng kiến tình trạng dở khóc dở cười này. Hỏi các em đã đuối Toán, Lý sao lại đăng ký vào ban A, có em trả lời thấy nhiều bạn đăng ký thì theo, có em trai nói học ban xã hội thì sợ các bạn chê cười là đàn ông mà yếu đuối đi vào văn thơ, sử sách… Thầy nói em nên suy nghĩ lại và hỏi ý kiến bố mẹ, mấy hôm sau em ấy vẫn quyết học ban A. Thế là có trường phân ban nhưng thực tế chỉ có, hoặc phần lớn học sinh học ban A. Rõ ràng chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý hướng nghiệp cho các em. Tâm lý lứa tuổi này rất dễ nghe theo bạn bè, a dua theo số đông chứ ít em có chính kiến. Nhìn từ nguyên nhân này chúng ta thấy số lượng hồ sơ thi vào các trường xã hội nhân văn cứ ít ỏi dần từ khi chúng ta tổ chức phân ban phổ thông, thì thấy là rất đúng với quy luật nhân quả.
3. Về cách dạy, ở đây tôi chỉ nói về dạy môn Sử, dĩ nhiên là trong nhà trường phổ thông. Đừng đổ lỗi cho các nhà làm sách sử. Kiến thức trong các sách lịch sử, có thể còn nặng nề, khô khan nhưng không phải là nguyên nhân chính. Hạn chế rõ nhất nằm ở phương pháp dạy lịch sử. Vẫn biết khi đã có một lượng kiến thức nhất định thì tự nó đã chuyển hóa thành phương pháp. Nhưng đấy là nói về người nghiên cứu, còn đây là học trò. Tôi đã dự rất nhiều các giờ dạy sử, vẫn một cách dạy ấy là truyền thụ kiến thức, là đọc chép chứ ít thấy thầy gợi mở, đưa ra những tình huống buộc học sinh phải động não lý giải. Học sinh thụ động, em nào có trí nhớ hoặc tập trung thì nghe được cái gì mới, hay thì vội chép và cố nhớ, còn lại thì ra sức học thuộc bài. Lịch sử là một khoa học, trên cơ sở các sự kiện, với quan điểm nào đó tìm ra bài học ý nghĩa cho hiện tại. Thực tế cách dạy sử hôm nay người ta mới chỉ chú ý đến các sự kiện mà thường lướt qua ý nghĩa của nó. Trong khi đó, cái phần lung linh tỏa sáng từ quá khứ, cái phần có thể “cắt nghĩa hiện tại” là ở ý nghĩa. Phải làm sao đoạn tuyệt với lối dạy đọc chép, thuộc lòng; phải làm sao đánh thức, khơi gợi niềm đam mê muốn cắt nghĩa lịch sử ở mỗi sự kiện, giai đoạn lịch sử… của từng học sinh.
Từ những nguyên nhân này, tôi xin đề xuất thêm: Trên cơ sở cân đối nguồn nhân lực, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội: Nới rộng biên chế, tăng thêm phụ cấp trách nhiệm… để thu hút nhân lực vào khoa học xã hội nói chung, khoa học lịch sử nói riêng; Đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội, nhất là môn Sử. Hằng năm nên có Hội thảo quốc gia về phương pháp theo cụm địa bàn.
PGS, TS Nguyễn Thanh Tú

Theo QĐND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)