Trước kết quả điểm thi đại học môn Lịch sử hiện nay, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với các nhà làm công tác quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu và ngay chính đối với lực lượng giáo viên trực tiếp giảng dạy, về chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Đã xuất hiện nhiều cách lý giải và tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, nổi cộm hơn cả đó là : “Học lịch sử khó hay dễ?”.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, chương trình sách giáo khoa Lịch sử THPT hiện nay chứa đựng khoảng 3000 dữ kiện về ngày tháng năm, tên người, tên địa danh, tên sự kiện. Điều này đang làm cho học sinh và các bậc phụ huynh kêu ca là “Khó học, khó nhớ”. Còn đối với các giáo viên (GV) thì càng khó hơn khi hằng tuần trong 45 phút lên lớp phải truyền tải cho học sinh hết nội dung của một chủ điểm. Theo đánh giá của nhiều giám khảo, năm nay nhiều em bị điểm không “oan”; vì các em làm lạc đề (không đúng với yêu cầu của đáp án) chứ không phải không làm bài.
Ở đây, chúng ta không nên vội vã kết luận hoặc quy chụp tại SGK hay là tại một cái gì đó chung chung; học lịch sử phải khẳng định là “khó”, khó vì đòi hỏi tư duy tổng hợp, lô-gích liên kết các hiện tượng, sự việc để cuối cùng tìm ra nguyên nhân, nhận thức rõ diễn biến sự việc và rút ra ý nghĩa của sự việc đó. Điều này không phải học sinh nào cũng biết, và một số GV cũng chưa quan tâm đến điều này ngoài việc cố gắng giảng hết nội dung được phân công. Thiết nghĩ, chưa cần bàn đến vấn đề cải tổ SGK; vì lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra, đã trôi qua mà chúng ta chỉ có quyền công nhận những kết quả hôm nay, chúng ta không có quyền phán xét lịch sử, càng không có quyền rút gọn hay chỉnh sửa lịch sử. Mặc nhiên, với chương trình SGK hiện hành, chúng ta vẫn có nhiều học sinh (HS) đạt điểm 9, 10 môn Lịch sử trong tất cả các kỳ thi ở các cấp. Vậy giải quyết cái “khó” của môn Lịch sử là giải quyết cái gì?
Đó là cách dạy và cách học; chúng ta vẫn đang đề cao đổi mới phương pháp dạy và học, làm sao để người dạy và người học đừng mặc cảm, gò ép. Nguyên tắc tổ chức các hình thức dạy học đã chỉ ra, cần phải phát huy tính tích cực của người học. Kho tàng tri thức là một thực thể khách quan mà người dạy định hướng giúp người học tìm ra biện pháp tiếp cận. Học lịch sử cũng vậy, mọi sự “Nhồi nhét kiến thức” của GV sẽ không mang lại hiệu quả gì, nếu HS không muốn tiếp thu. Ngược lại, nếu giúp HS tìm ra sự đam mê, kích thích tính sáng tạo tìm tòi, nghiên cứu kết hợp với sự định hướng đúng đắn của GV sẽ rất hiệu quả. Đơn cử một ví dụ, trong chương trình THPT, khi giảng dạy về Cách mạng Tháng Tám và những biến cố của dân tộc trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, HS chỉ được nghe nói sơ qua về “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” theo tiến trình chung của bài học. Nhưng trong đề thi đại học, có năm lại yêu cầu HS trình bày, phân tích nội dung và ý nghĩa của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, rõ ràng nếu HS chỉ học trong SGK bình thường thì đây là một “Đề thi đánh đố”. Giải pháp nào cho điều này?
Cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: Văn Công
|
Xét thấy trong quá trình giảng dạy, GV cần có sự định hướng tự nghiên cứu cho HS; lồng ghép trong bài giảng không đơn thuần là sự liệt kê lịch sử mà phải có sự tái hiện lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nhiều nhà trường hiện nay đã được trang bị thiết bị dạy học điện tử, bài giảng điện tử… cần có giải pháp áp dụng cho môn Lịch sử (bổ sung hình ảnh, truyện kể, nói chuyện truyền thống, gặp mặt nhân chứng lịch sử…) tạo tính hấp dẫn cho HS, thay đổi tư duy giảng dạy lịch sử truyền thống là yêu cầu đầu tiên.
Yêu cầu tiếp theo là đối với GV dạy Lịch sử, phải thật sự yêu môn Lịch sử và hiểu sâu sắc về lịch sử, dạy sử mà chỉ truyền tải kiến thức SGK thì hiệu quả mang lại không cao. Mặt khác, khi lên lớp một Chuyên đề – Bài học, GV cần nắm chắc yếu tố cốt lõi của nội dung và xác định đúng mục tiêu của bài học; điều quan trọng nhất sau bài học, HS sẽ cần phải nhớ điều gì? Cái gì cần nghiên cứu thêm. Ngoài ra, cần loại bỏ tư duy học sử là sự sao chép, tái hiện rập khuôn kiến thức mà chúng ta phải có trách nhiệm giúp các em HS hiểu về sử, yêu sử như chính trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước; làm cho các em HS thấy được sự cần thiết phải tìm hiểu lịch sử trong hành trang cuộc sống.
Đối với mỗi HS, một lý do thường được tìm đến là học sử “khó và dài” để giải thích cho mọi nguyên nhân không thích, không học, không thuộc bài và… thi trượt. Vậy thực tế thì như thế nào? Một điều mà các nhà giáo dục dễ dàng nhận ra hiện nay là: Cách học! Nếu HS không thay đổi tư duy trong học tập môn Lịch sử thì quả là một điều đáng lưu tâm. Học không thể chỉ dừng lại ở lối tư duy học thuộc lòng; dĩ nhiên phải có nội dung học thuộc. Nhưng nếu HS không hiểu hoặc không thực sự để tâm cho môn học này thì việc học sẽ không hiệu quả. Lịch sử không thể chỉ là sự học thuộc các con số, tên người và sự kiện; lịch sử cần phải có sự đồng cảm, thấu hiểu như chính một phần hành trang cuộc sống của mỗi con người.
Thực tế chỉ ra hiện nay, nhiều HS khi bước vào THPT hoặc ngay trước đó từ THCS đã xác định khối thi đại học liền tập trung chỉ học môn thi đại học, còn lại sao nhãng những môn học khác; Lịch sử nằm trong số đó, nhất là với các HS chọn ôn thi khối A. Bất cập là như thế nhưng các nhà trường, nhất là các GV trực tiếp giảng dạy vẫn không thể khắc phục điều này, khi mà tâm lý chung của HS là học để đỗ tốt nghiệp!
Vậy, giải pháp cho những vấn đề này?
Trước hết, về phía các nhà quản lý giáo dục, hãy khoan nói đến chuyện cải cách SGK, mà hãy tìm cách phát huy hiệu quả của SGK. Bởi lẽ vẫn SGK đó, vẫn chương trình đó, hằng năm chúng ta vẫn có nhiều HS học giỏi môn Lịch sử. Tiếp đó, là trách nhiệm của những GV trực tiếp đứng lớp, hãy biết vượt qua lối giảng dạy truyền thống; mạnh dạn tiếp cận cách giảng dạy kích thích tính tích cực của HS, trong đó GV không phải là người truyền thụ một chiều kiến thức đến HS, mà GV hãy dừng lại là người định hướng, hướng dẫn giúp HS tiếp cận kiến thức. Giảm thiểu thời gian lên lớp bằng các hình thức mạn đàm trao đổi, nghiên cứu thực tế và nhất là đẩy mạnh phương pháp tự học. Phương cách kiểm tra hiệu quả nhất đó là thay đổi câu hỏi học thuộc, bằng câu hỏi tư duy, để HS biết phát huy khả năng; không học sẽ không thể trả lời, không hiểu thì cũng không thể trả lời. Mặt khác, cần gắn các hoạt động nhà trường vào các ngày kỷ niệm lớn hằng năm của dân tộc và các hoạt động kỷ niệm quốc tế. Làm cho HS biết gắn nội dung học tập với thực tế đời sống, tránh tách biệt học và hành.
Ngoài ra, một yêu cầu cần được các nhà quản lý giáo dục tham khảo đó là nên chăng có sự bắt buộc học và thi nhiều môn trong kỳ thi đại học, hoặc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm kết quả xét vào đại học; dĩ nhiên để làm được như thế, chúng ta phải nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước, vừa tạo ra yêu cầu học tập toàn diện cho HS. Bên cạnh đó, có thể thí điểm phương pháp học đại học của một số quốc gia khác, vào thì dễ mà ra thì khó vì đòi hỏi chất lượng thật sự. Tránh được tình trạng, hằng năm cử nhân thì nhiều mà việc tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp lại vô cùng khó khăn. Song song với những điều này, yêu cầu đặt ra trách nhiệm của các bậc phụ huynh, chúng ta không nên “khoán trắng” con em mình cho nhà trường mà phải cùng nhà trường tham gia vào công tác giáo dục nói chung, giáo dục môn Lịch sử nói riêng. Có như vậy mới hy vọng tạo ra sự chuyển biến trong chất lượng học và thi môn Lịch sử.
Theo Lương Ngọc Thắng
QĐND
Bình luận (0)