Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”

Tạp Chí Giáo Dục

Phương pháp giáo dục cụ thể, sinh độngTrong những năm gần đây, ngành GD-ĐT đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức với nhiều biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Một trong những giải pháp được nhiều trường học đặc biệt quan tâm là dạy học theo đối tượng học sinh (HS).

Chú trọng đến từng đối tượng HS
Chúng ta đều biết rằng, quá trình dạy học gồm hai hoạt động có quan hệ hữu cơ: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của HS. Cả hai hoạt động này đều được tiến hành nhằm thực hiện mục đích giáo dục.
HS Trường TH Lê Lai (Tân Phú) học theo nhóm. Ảnh do trường cung cấp
Trong quá trình dạy học, điểm tập trung là bản thân người học, tức là hoạt động dạy học cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, thói quen và năng lực của người học mà trong một lớp học bao giờ cũng có đủ các nhóm đối tượng HS: giỏi, khá, trung bình, yếu (và có thể có đối tượng là HS khuyết tật học hòa nhập cộng đồng). Do đó nhu cầu, hứng thú, thói quen và năng lực của từng nhóm đối tượng HS là hoàn toàn khác nhau.
Vậy chúng ta cần làm gì để giúp các em có được thái độ đúng và nắm được những kiến thức kĩ năng kĩ xảo, phát huy đầy đủ nhất năng lực của mình?
Thứ 1: Điều căn bản nhất là giáo viên tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội và hướng dẫn các em tham gia tích cực, chủ động vào quá trình học tập, giúp các em thu nhận kiến thức kĩ năng một cách sâu sắc bằng chính nội lực của bản thân. Như vậy, khi đưa ra các hoạt động học tập với nhiều hình thức (như làm việc cá nhân; làm việc theo nhóm, lớp) đòi hỏi các yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi nhóm đối tượng HS có mức độ khác nhau nhằm đáp ứng trình độ khác nhau của mỗi nhóm. Thông thường nên giao nhiệm vụ ở 3 mức: khá cho nhóm HS khá, giỏi; vừa phải cho nhóm HS trung bình; dễ cho nhóm HS yếu. Hoặc: những yêu cầu đơn giản cho nhóm HS trung bình, yếu; những yêu cầu phức tạp hơn cho nhóm HS khá, giỏi.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng không phải lúc nào các hoạt động học tập cũng nhắm vào việc giao các nhiệm vụ, yêu cầu khác nhau cho các đối tượng HS. Trong các hoạt động chung với cả lớp, các hoạt động tương tác giữa HS với HS, các em có thể học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ 2: Tâm lí giáo viên thường dựa vào nhóm đối tượng HS khá, giỏi để tiến hành các hoạt động dạy học trên lớp (như thế tiết dạy sẽ thuận lợi, nhanh chóng) mà không quan tâm đến đối tượng HS trung bình, yếu. Điều đó làm cho các em đã yếu càng yếu hơn, dẫn đến tình trạng các em không cố gắng vươn lên trong học tập, tiếp thu kiến thức một cách miễn cưỡng. Hoặc chú trọng quá nhiều vào việc rèn HS yếu mà quên đi đối tượng HS khá, giỏi làm cho các em không hứng thú tiếp thu bài, gây tâm lí nhàm chán, chủ quan, không tập trung vào giờ học, mất khả năng tư duy. Điều này tuyệt đối nên tránh.
Thứ 3: Khi kiểm tra, đánh giá giáo viên cần đòi hỏi cao ở nhóm đối tượng HS khá, giỏi; đúng chuẩn đối với HS trung bình, yếu; nếu có nâng yêu cầu cũng chỉ nên ở mức khuyến khích HS. Việc đưa ra yêu cầu, tiếp nhận thông tin hay kiểm tra đánh giá HS, thái độ giáo viên cũng cần đúng mực: khen, tuyên dương khi các em khá giỏi làm tốt; khuyến khích, động viên nhóm đối tượng trung bình – yếu. Đặc biệt, khi nêu một câu hỏi, giao một bài tập có thể đối với HS khá, giỏi các em tự làm bài mà không cần hướng dẫn thêm nhưng đối với HS trung bình – trung bình yếu đừng cắt ngang khi các em ấp úng, giáo viên có thể gợi ý bằng một số câu hỏi nhỏ.
Thứ 4: Đối với HS khuyết tật, giáo viên cần thực hiện theo Quyết định 23/BGD&ĐT về giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng. 
Như vậy, để vừa có thể phát triển lực lượng mũi nhọn vừa đảm bảo không để HS yếu đứng bên lề tiết học, giáo viên cần quan tâm đến các nhóm đối tượng HS trong lớp mình bằng cách thiết kế các hoạt động học tập phù hợp cho các nhóm đối tượng HS, hướng dẫn các em tham gia để giúp các em có thái độ đúng và nắm được kiến thức kĩ năng kĩ xảo, phát huy đầy đủ năng lực của bản thân.
Đưa ra những phương pháp giáo dục cụ thể
VI. Lênin nói: “Phương pháp như ngọn đuốc soi đường cho kẻ lữ hành đi trong đêm tối”… Hay ông bà ta ngày xưa thường nói: “Thành công có phương pháp, thất bại có nguyên nhân”, để thấy được vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của phương pháp đối với việc xác định mục tiêu, sự thành công hay thất bại của công việc cũng như trong cuộc sống. Nhưng trong giáo dục không có “phương pháp giáo dục vạn năng” mà mỗi đối tượng HS khác nhau, mỗi bài học khác nhau đều có phương pháp, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau. Có khi chỉ áp dụng một phương pháp, có bài và ở những mục nhỏ khác nhau cần có phương pháp và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Chính sự kết hợp các phương pháp sẽ giúp bài giảng cho HS thêm sinh động và thu hút các em hơn, giúp người dạy khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm. Từ đó, giúp truyền tải kiến thức và nội dung đến với các em một cách sinh động, thiết thực và hiệu quả.
Với tôi, trong giảng dạy hay ứng dụng nhiều phương pháp khác nhau. Khi liên hệ thực tế, hay phát biểu cảm nghĩ về một vấn đề tôi cho HS thuyết trình. Khi lấy ví dụ về gương tốt, hình ảnh tôi thường lấy phương pháp thảo luận nhóm hay nêu gương. Khi giải quyết vấn đề, nội dung cho cả tổ thì cho HS phương pháp phối hợp và làm việc nhóm… Chính những phương pháp đó giúp chủ thể phát huy được tính năng động và sáng tạo của mình. Từ đó, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Dẫu kinh nghiệm công tác chưa nhiều, tôi chỉ nêu ra hai cách thực hiện: Một là: Có quan điểm giáo dục phù hợp với thực tiễn. Hai là: Phương pháp giáo dục cụ thể, sinh động.Rất mong nhận được sự phản hồi, những chia sẻ và đóng góp thiết thực, chân thành từ các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp để mình có thể phát huy và học tập tốt hơn từ những lời chia sẻ đó.
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)